Triển lãm mang tên Văn tế thập loại chúng sinh vừa khai mạc ở TP HCM, trưng bày 10 tác phẩm được Phạm Trần Việt Nam thực hiện trong tám năm. Họa sĩ thử nghiệm cách tiếp cận hội họa theo hướng khác với truyền thông. Anh dùng các ngón tay hoặc tăm bông để bôi vẽ thay vì cọ hoặc bảng pha màu, dùng cách đục thủng thay cho bôi xóa, chùi quệt thay vì vẽ màu trắng. Anh còn cắt toàn bộ tranh cũ của mình để dán và thêu trên nền một tấm toan mới.
|
Một tác phẩm tại triển lãm. |
Ở các bức vẽ trong giai đoạn 2011-2013, tác phẩm của họa sĩ thể hiện hình ảnh quỷ dữ và các thây ma, những giấc mơ rời rạc, ám ảnh lặp lại. Thế giới trong tranh là sự hòa quyện giữa sự sống và cái chết, giữa ngục tù và giải thoát. Các bức tranh khổ lớn dài hàng chục mét trong giai đoạn 2013-2017 lại mang hơi hướng của một tác phẩm sắp đặt. Các mảng thủng trên tranh tạo ra bóng trên bề mặt nền phía sau tùy vào khoảng cách và ánh sáng ở không gian trưng bày. Nhờ vậy, giao diện hai chiều của tác phẩm trở thành ba chiều (3D), qua đó hình thành tương tác sâu hơn giữa tác phẩm và nơi sắp đặt nó.
|
Họa sĩ Phạm Trần Việt Nam (trái) và người giám tuyển Trần Lương. |
Phạm Trần Việt Nam chia sẻ sau tốt nghiệp đại học, anh quan tâm đến đề tài về các oan hồn vì những trăn trở cho thân phận con người qua dòng thời gian, lịch sử. Khi chia sẻ ý tưởng này với giám tuyển Trần Lương, họa sĩ được gợi ý tìm đọc và liên tưởng tới Văn tế thập loại chúng sinh của đại thi hào Nguyễn Du. Triển lãm diễn ra từ ngày 20/5 đến ngày 13/7 tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory, TP HCM.
Phạm Trần Việt Nam, sinh năm 1985 tại Đà Nẵng, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP HCM năm 2010. Tuy được đào tạo về điêu khắc, anh chủ yếu thực hành hội họa, chất liệu sơn dầu trên vải. Anh từng có triển lãm cá nhân Phía sau tri thức (phòng tranh Tự Do, TP HCM - 2010), cùng một số triển lãm trong và ngoài nước.
Ngoài tác phẩm Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du còn sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật cải lương, trong số đó là Văn tế thập loại chúng sinh. Theo Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, có lẽ Nguyễn Du sáng tác bài này trước cả Truyện Kiều, vào khoảng 1802-1812. Văn tế thập loại chúng sinh còn được gọi là Văn chiêu hồn hay Văn tế chiêu hồn, gồm 184 câu, viết bằng chữ Nôm, theo thể song thất lục bát. Tác phẩm đề cập đến xã hội hồn ma như là hình ảnh lộn trái của xã hội trần thế, song khác biệt ở chỗ không có giàu nghèo, sang hèn. Chúng sinh ai cũng như ai cùng chịu cảnh đọa đày, oan khuất và cô đơn.
An Sơn
Nguồn: giaitri.vnexpress.net