50 năm sau ngày ký lá đơn chia tay với ông Bình Hâm Đào, bà Lâm Uyển Trân - vợ cũ của ông đầu tháng 4 ra cuốn hồi ký với tựa đề Vãng sự phù quang để kể về quãng đời đau khổ, khi người thứ ba - bà Quỳnh Dao chen vào hôn nhân của bà, khiến gia đình bà tan vỡ.
|
Hai người đàn bà tuổi "gần đất, xa trời" vẫn quyết định giằng giật đúng, sai bằng cách ra sách kể về quá khứ. |
Trong cuốn hồi ký của mình, bà Lâm lần đầu hé lộ về buổi gặp định mệnh giữa ba người họ. Khi đó là năm 1964, vợ chồng ông Bình với vai trò là tổng biên tập Crown Magazine tổ chức một buổi tiệc họp mặt các nhà văn tại khách sạn Tân Đài Bắc. Đó là lần đầu tiên họ gặp nhau, nhưng không trò chuyện, cũng không có ấn tượng gì.
Sau buổi đó, ông Bình muốn mời Quỳnh Dao dự một buổi trò chuyện trên sóng radio. Cuộc gặp đầu tiên của họ là ở một trạm tàu điện ngầm. Trong hồi ký của ông Bình, ông từng viết rằng mình "trúng tiếng sét ái tình" với Quỳnh Dao ngay từ lần gặp đầu tiên. Còn Quỳnh Dao, bà viết trong hồi ký: "Đó là một người đàn ông nhiệt tình, tôi cảm nhận rõ "luồng điện" giữa hai người chúng tôi trong lần đầu tiên gặp mặt". Tuy nhiên, trái với cảm nhận của hai người họ, bà Lâm Uyển Trân thuật lại: "Ông ấy nói với tôi rằng kiểu trang điểm của Quỳnh Dao rất kỳ quặc, không có lông mày, trông rất tệ".
Từ lần gặp gỡ đó, ông Bình đưa Quỳnh Dao về nhà chơi và gặp vợ con của mình. Sau cuộc gặp được mô tả là "dễ chịu" đó, Quỳnh Dao trở về Đài Trung. Ông Bình sau đó gửi cho Quỳnh Dao một đĩa ghi âm, và từ đó, ông bắt đầu quan tâm tới sự nghiệp viết lách của Quỳnh Dao nhiều hơn trước.
Năm Quỳnh Dao viết cuốn Yên vũ mông mông, tên tuổi bà chưa đình đám nên bị nhiều nơi từ chối xuất bản. Ông Bình Hâm Đào khi đó dùng quyền lực của mình giúp Quỳnh Dao xuất bản sách. Đúng như lời nữ sĩ từng nói, bà là người mơ mộng, còn ông giúp bà biến ước mơ thành hiện thực, từng bước, từng bước một. Ông Bình đưa sự nghiệp của Quỳnh Dao lên đỉnh cao, mối quan hệ của hai người những năm đó không tách rời giữa công - tư, nhưng rõ ràng tình cảm bạn bè, đồng nghiệp cũng dần phai mờ.
Để trốn tránh tình cảm của mình, Quỳnh Dao từng một thời về nhà bố mẹ đẻ ở Đài Trung sống. Tuy nhiên, chính ông Bình chủ động về Đài Trung, kéo bà về gần với mình. Sau lần ông Bình tìm đến, Quỳnh Dao quyết định đưa con tới Đài Bắc sống, thuê một căn hộ... đối diện với nhà ông Bình Hâm Đào.
|
Ông Bình Hâm Đào cùng vợ và ba đứa con. |
Tình cảm của Quỳnh Dao và Tổng biên tập họ Bình chuyển sang một hướng mới khi họ dọn về gần nhà nhau. Ông Bình đưa đón Quỳnh Dao mỗi ngày, thậm chí mua đồ áo cho bà mỗi khi đi công tác. Là người vợ, bà Lâm dần nhận ra điều đặc biệt trong mối quan hệ của chồng với nữ văn sĩ. Trong hồi ký, bà Lâm kể, bà đã sốc khi phát hiện ra rằng rèm cửa quen thuộc nhà Quỳnh Dao được thay bằng rèm đỏ - màu ông Bình yêu thích. Sau đó, bà nhiều lần tìm thấy những bức thư tình Quỳnh Dao gửi cho chồng mình trong ngăn kéo tủ.
Trong cuốn hồi ký, bà Lâm cũng tiết lộ câu chuyện chồng cùng nữ sĩ Quỳnh Dao đi châu Âu du lịch, tận hưởng hạnh phúc hai người, trong khi đó, ở nhà, bà nghĩ đến việc tự tử. Tuy nhiên, tình thương ba con đã kéo bà lại. Cảnh "chung chồng" khiến bà Lâm đau đớn nhiều lần: có khi, không kiên nhẫn chờ chồng về, bà gọi cho Quỳnh Dao. Qua điện thoại, "nữ sĩ" trả lời thản nhiên: Chị có thể đến đây, đưa anh ấy về.
8 năm dai dẳng trong mối quan hệ tay ba, Quỳnh Dao chính là người quyết định giải quyết tất cả. Bình Hâm Đào không chịu ly dị, Quỳnh Dao ra "tối hậu thư": chấm dứt chuyện ba người, hoặc bà sẽ là người ra đi. Cuối cùng, người bị dồn vào góc tường là bà Lâm, và bà quyết định ly dị: "Năm đó, tôi và ông ấy cùng nhau ký vào một tờ giấy 15cm2, đó là tờ đơn ly dị. Danh nghĩa vợ ông Bình, từ ấy được chuyển sang cho người khác".
Hồi ký của mình, bà Lâm nhấn mạnh, "tình yêu từ cái nhìn đầu tiên" mà Quỳnh Dao đưa vào văn chương, thực chất được gây dựng từ nước mắt nửa đời và cả máu của những người "tin bên lề". Khi Quỳnh Dao gặt quả ngọt tình yêu, bà và người tình đã để lại nỗi đau đớn, sự tổn thương sâu sắc cho vợ, con của họ. Và tuyệt nhiên, không một lời xin lỗi. Cho đến tận bây giờ.
Nguyễn Hương
Nguồn: ngoisao.net