Danh ca Minh Cảnh hóa trang cho học trò là NSƯT Minh Minh Tâm.
Trước đó, NSƯT Diệu Hiền cho biết danh ca Minh Cảnh có gọi điện thoại tâm sự rất nhớ sàn diễn cải lương và khán giả. Dù tuổi cao nhưng ông vẫn còn được Tổ nghiệp sân khấu thương, dành cho nhiều cơ hội để đi lưu diễn khắp các tiểu bang ở Mỹ và lần này quyết định quay về để thực hiện liveshow của mình cùng với học trò là NSƯT Minh Minh Tâm.
Danh ca Minh Cảnh cho biết sẽ thu xếp về nước như dự tính nhưng có chút lo lắng về sức khỏe. "Tôi ngồi máy bay quá lâu thì bị tê chân, tay nhưng sẽ cố gắng thực hiện ước nguyện của mình. Tôi rất sợ như anh nghệ sĩ Văn Chung, ốm đau liên miên, đến lúc muốn về hát cho bà con mình nghe thì không còn đủ sức. Khi Minh Minh Tâm muốn tôi hát cùng trong một đêm ý nghĩa, tôi quyết định ngay dù phải đối mặt với căn bệnh của mình" – danh ca Minh Cảnh nói.
Danh ca Minh Cảnh (ảnh tư liệu).
NSƯT Minh Minh Tâm chia sẻ liveshow của anh và thầy sẽ tái hiện những vai diễn hay, gắn kết hành trang nghệ thuật mà khán giả yêu quý danh ca Minh Cảnh. "Còn nhớ trước khi thầy tôi sang Mỹ định cư, thập niên 90, HTV có tổ chức chương trình Những cánh chim không mỏi, vinh danh thầy tôi tại Nhà văn hóa Thanh Niên. Lúc đó, tôi và thầy đã diễn trích đoạn "Bên cầu dệt lụa". Lần này, tôi và thầy cũng sẽ tái diễn hai vai Trần Minh và Nhuận Điền, cùng một số vở tuồng đã in dấu trong sự nghiệp nghệ thuật của thầy như: "Máu nhuộm sân chùa", "Bích Vân cung kỳ án", "Bên cầu vọng thê", "Lưu Bình – Dương Lễ"…" - NSƯT Minh Minh Tâm nói.
Năm 1959, vốn mê hát cải lương, danh Minh Cảnh đã được ông Hai Sĩ dạy ca vọng cổ, sau đó được nghệ sĩ vĩ cầm Văn Được hướng dẫn ca tài tử ở Đài Phát Thanh Sài Gòn. Đi vào nghề trong nghèo khổ, ông đã từng sống ở vỉa hè, lượm ve chai để mưu sinh, chưa bao giờ dám tin mình sẽ là danh ca vọng cổ được khán giả yêu mến.
Danh ca Minh Cảnh trong chương trình "Những cánh chim không mỏi"
Năm 1960, ông được nghệ sĩ Văn Được và nhạc sĩ đàn cò Ngọc Sáu giới thiệu với bầu Long để theo hát tại Công ty Kim Chung. Trong thời gian này, ông được nhạc sĩ Bảy Trạch dạy thêm nhiều làn điệu, rồi lên sân khấu diễn trong các vở: "Người nghệ sĩ mù đất Hà Tiên", "Phù Kiều trường hận", "Tiếng cười Bao Tự", "Tuyết phủ chiều đông", "Chiều thu sầu ly biệt"…
Năm 1961, ông nổi danh là hiện tượng khiến cho thị trường băng đĩa của Sài Gòn "dậy sóng" với bài vọng cổ "Tu là cội phúc" của soạn giả NSND Viễn Châu. Ông được nhiều hãng đĩa mời thu âm và nổi tiếng nhanh chóng với các bài như: "Võ Đông Sơ", "Lương Sơn Bá", "Mưa trên phố Huế", "Sầu vương ý nhạc", "Chuyến xe lam chiều", "Lưu Bình Dương Lễ", "Lòng dạ đàn bà", "Em bé đánh giày", "Trái sầu riêng" (song ca với NSƯT Mỹ Châu), "Đời mưa gió", "Ni cô và kiếm sĩ" (song ca với NSƯT Diệu Hiền), "Người điên yêu trăng", "Khóc cười", "Hai bản đàn xuân" (của soạn giả Quy Sắc)….
Danh ca Minh Cảnh và vợ hội ngộ cùng với NSƯT Mỹ Châu
Danh ca Minh Cảnh sang Mỹ định cư và đã được mời đi biểu diễn ở khắp nơi. Ông luôn tâm huyết với nghề, được bạn bè đồng nghiệp đánh giá cao về ý chí kiên trì bám nghề, trao truyền kinh nghiệm cho thế hệ nghệ sĩ trẻ và được công chúng ghi nhận là một nghệ sĩ tài năng trên sân khấu cải lương.
Thanh Hiệp
XEM THÊM HÌNH ẢNH TIN TỨC VIDEO TẠI ĐÂY