Nghệ thuật kịch hát dân tộc Việt Nam có những tác giả như thế, dù sống khác thế kỷ, vẫn “gặp” nhau khi dồn cả tuệ khí tài năng cho sáng tạo. Tôi đã nhận ra sự liên hệ ấy khi đọc Đào Tấn (1845 - 1907) và Sỹ Tiến (1916 - 1982).
Nhân hội thảo kỷ niệm 170 năm sinh danh nhân Đào Tấn tổ chức sáng 20/8 tại TP.HCM, cố NSND Sỹ Tiến sẽ được truy tặng Giải thưởng Đào Tấn.
Người đưa quốc sử lên sân khấu
Sỹ Tiến được coi là ông Tổ cải lương miền Bắc vì có công đưa #cailuong# ra Bắc, trau chuốt và nâng cao. Ở phương diện nào, ông đều đạt đỉnh cao, khó ai lặp, hàng trăm kịch bản và các công trình của ông được viết bởi hàng vạn đêm, mồ hôi, máu và nước mắt đổ ra khi bươn chải học nghề mưu sinh.
Ông chỉ biết tận lực với tâm hồn khoáng đạt nhân ái, không bao giờ nghĩ đến mình. Nghệ sĩ các lĩnh vực và các thế hệ tất cả đều kính trọng ông, gọi ông là “Từ điển sống của sân khấu Việt Nam”, “Cây sử sống của nghệ thuật #cailuong#”, “Victor Hugo Việt Nam”.
Vợ chồng NSND Sỹ Tiến - Khánh Hợi ngày trẻ thập niên 1950
Văn chương của ông đầy nhân văn mà vởKiềulà một mốc son lớn, tôi quá bất ngờ khi đọc kịch bảnKiềucủa ông trên những trang đánh máy mực xanh pơluya hằn chữ trên giấy mỏng. Kiệt tácTruyện Kiềucủa Nguyễn Du lần đầu được chuyển thể lên sân khấu bằng thơ Sỹ Tiến, đoạn Vọng cổKhóc thương Từ Hải, lời thật kiêu hùng.
Vốn từ dồi dào, hiểu biết lịch sử sâu sắc, Sỹ Tiến là người đầu tiên đưa quốc sử lên sân khấu #cailuong#, những nhân vật lịch sử: Trưng Nữ vVương, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám... thành nhân vật trong #cailuong# lần đầu bởi Sỹ Tiến.
Thật giàu có dù thanh bạch...
Liên đoàn trưởng Liên đoàn Ca kịch Thủ đô sau năm 1954, hội viên sáng lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam lại sống cùng vợ - NSƯT Khánh Hợi và đàn con ở gác 2 chật chội số nhà 24 Lương Ngọc Quyến.
Khi được phân nhà, ông lại nhường cho người khác; ông cũng chưa từng được xuất ngoại, dù biết tiếng Pháp và thân phụ từng qua Pháp. Vị tha hào hiệp, luôn hy sinh mình cho đồng nghiệp, nhường nhịn để chịu bao thua thiệt. Hai năm sau khi qua đời, ông được truy tặng NSND đầu tiên. Sỹ Tiến được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012...
Đọc lại cuốn sổ sinh nhật, sổ tang của ông tuổi 60 mới thấy Sỹ Tiến thật giàu có dù ông sống thanh bạch. Sỹ Tiến giàu bởi đông bạn, họ là những tên tuổi lớn nhiều lĩnh vực, không ít người hơn tuổi ông, nhưng vì ông vào nghề và thành danh sớm nên họ tôn trọng ngang hàng.
Đấy là: Võ An Ninh, Ngô Tất Tố, Thế Lữ, Tú Mỡ, Phan Khôi, Nguyễn Tuân, Nguyễn Xuân Khoát, Thanh Châu, Nguyễn Công Hoan, Trần Văn Giàu.... Bạn của ông: Vũ Khiêu, Đào Mộng Long, Ái Liên, Lưu Chi Lăng, Ngân Giang...
GS-NGND Hoàng Như Mai (1919-2013) là bạn tâm giao của Sỹ Tiến khi hai người chưa lập gia đình, đã viết: “Năm 1941, thời kỳ oanh liệt của đoàn Tố Như với những vở:Tàn phá Cô Tô, Huyền Trân công chúa, Mỵ Châu Trọng Thủycủa Sỹ Tiến và những diễn viên sáng giá: Kim Chung, Khánh Hợi, Bích Thuận, Vân Thái, Sỹ Hùng.
Bầu gánh ra sức hốt tiền khán giả. Hồi ấy tôi chưa quen Sỹ Tiến. Sau xemMỵ Châu Trọng Thủy, tôi xúc động khác thường, cả đêm không ngủ và sáng sớm hôm sau tôi tìm đến gặp soạn giả...” (Trích bàiCon đường nghệ thuật của Sỹ Tiến, Tạp chíVăn hóa Nghệ thuật).
***
Lần vinh danh giải Đào Tấn năm nay, bạn đời thủy chung của Sỹ Tiến - NSƯT Khánh Hợi - cùng con gái Lệ Quyên ở Pháp không về được. Xa chồng 33 năm, bà lúc nào cũng xốn xang khi nói đến nghề, vẫn thuộc những câu hát, thoại đầy chất thơ khi bà thủ vai nam - Đinh Hùng ởMạc Tuyết Lanvà Trọng Thủy trong vởMỵ Châu Trọng Thủycủa chồng mà bà đã diễn 70 năm trước.
Vi Anh
Thể thao & Văn hóa
Nguồn: cailuongvietnam.com