Vốn không là nghệ sỹ nhưng được sinh ra trong một gia đình làm nghề hát mà một thời vang danh tại xứ Nam Kỳ nói riêng và Việt Nam nói chung, đó là THANH MINH-THANH NGA. Người mà tôi xin kể đây chính là nghệ sỹ Chí Tiên, tên thật là Lư Chí Tiên – sinh ngày 15/09/1957 là người em út –người thứ 9 của cố Nghệ sỹ Thanh Nga (thứ 3) và Nghệ sỹ Ưu Tú Bảo Quốc (thứ 6). Thuở nhỏ, trong khi các anh chị theo đoàn đi lưu diễn khắp nơi thì cậu bé Chí Tiên được gửi vào học tiếng Pháp tại trường Mossack Fonseca (Trường THCS Hồng Bàng Quận 5 ngày nay) và sau đó là trường Jean Jacques Rousseau (Trường THPT Lê Quý Đôn TPHCM ngày nay).
Nghĩ rằng mình không có duyên với nghề hát nên từ nhỏ chàng Chí Tiên cố gắng tập trung lo học hành để tìm cho mình một nghề thích hợp nhất. Tuy nhiên, từ lúc sinh ra thì tiếng ru và lời ca của mẹ, của chị đã gieo vào tâm hồn anh những tình yêu đẹp về quê hương đất nước và tình người sâu đậm. Những đêm đoàn Thanh Minh-Thanh Nga diễn tại các Rạp hát ở Sài Gòn thì không lúc nào vắng bóng đứa em út của nghệ sỹ Thanh Nga trong cánh gà. Màu sắc sân khấu, cung bậc tiếng đàn, lời ca giọng hát, những cao trào của sân khấu và tiếng vỗ tay nồng nhiệt của khán giả đã nung nấu, tôi luyện cho anh những kỹ năng tuyệt vời và lòng yêu nghệ thuật sân khấu cổ truyền cháy bỏng.
Ấy thế mà, cuộc đời có ai biết trước ngày mai! Cái ánh hào quang chói lọi ngày nào bỗng vụt tắt nhanh chóng sau cái chết của người chị kính yêu (Nghệ sỹ Thanh Nga) vào ngày 26/11/1978. Đất nước vừa được giải phóng xong, ngoại ngữ thì cũng chưa ai cần, nghệ thuật thì bị bế tắt trước nỗi tang tóc của gia đình. Thương mẹ, thương anh chị quá mà chẳng biết phải làm sao! Nhất là từ khi chị ba Thanh Nga mất đi, thân mẫu (Bà Bầu Thơ) thường trầm tư, tuy không nói, tuy vô tư ngồi nhai trầu nhưng chỉ mấy ngày sau thì tóc mẹ đã trắng bạc đầu.
Thế là, từ lúc nào sức mạnh nội tại trong tâm hồn chàng thư sinh Chí Tiên bỗng sống lại mạnh mẽ, năm 1979, anh đã bước lên sân khấu thủ vai chính Lê Hoàng trong tác phẩm kinh điển THÁI HẬU DƯƠNG VÂN NGA. Đây là một vai diễn rất khó nhưng nhờ sự động viên của cô chú anh chị nghệ sỹ và nhất là sự hướng dẫn tận tình của nghệ sỹ Hùng Minh, chàng thư sinh Chí Tiên năm xưa đã trở thành trang dũng tướng tài ba Lê Hoàn trước sự thán phục của khán giả gần xa. Tiếp đến là vai Nhuận Điền trong tác phẩm BÊN CẦU DỆT LỤA, Đông Bảng trong TIẾNG TRỐNG MÊ LINH. Bằng chất giọng trầm mùi, chắc nhịp và những kỹ năng biểu diễn được tích luỹ từ lâu, nghệ sỹ Chí Tiên đã tạo ấn tượng lớn trong lòng công chúng mộ điệu, nhất là năm 23 tuổi, anh vào vai Ý Diệp (nhân vật 16 tuổi) trong tác phẩm Truyền Thuyết Tình Yêu của soạn giả Nhị Kiều. Năm 1980, anh được cử theo đoàn ra biểu diễn trong HỘI DIỄN SÂN KHẤU TOÀN QUỐC tại HÀ NỘI. Ngoài đoàn nhà Thanh Minh-Thanh Nga, năm 1984, nghệ sỹ Chí Tiên còn được đoàn Trần Hữu Trang mời diễn những vai độc như Thiếu tá trong BÀN THỜ TỔ MỘT CÔ ĐÀO, vua trong RẠNG NGỌC CÔN SƠN. Với những vai kép độc ấy khiến cho anh những chuyện rất buồn cười, nghệ sỹ đã kể: “Có lần diễn vai Thiếu tá trong BÀN THỜ TỔ MỘT CÔ ĐÀO, vai này là vai ác nên phải làm mặt ngầu ngầu, tra tấn, xé đồ cô đào Thanh Sa thì bên dưới khán giả đã lên tiếng chửi bới là thằng khốn nạn, thằng mất dạy…”. Nghệ sỹ Chí Tiên mỉm cười vì khán giả đã quá nhập tâm khi xem kịch bản và mình đã hóa thân trọn vẹn với nhân vật nhưng khi kết thúc tuồng là phải sớm rửa mặt hóa trang, rồi lặng lẽ “chuồn” về trước cho “an toàn tánh mạng”.
Hôm nay, đến thăm nghệ sỹ Chí Tiên tại bệnh viện NGUYỄN TRI PHƯƠNG vì lý do sức khỏe kém nhưng tinh thần rất minh mẫn, nghệ sỹ vẫn có thể ngồi vui vẻ tâm sự về cuộc đời của mình với chúng tôi. Ánh mắt ưu buồn nhưng đầy nghị lực và những câu chuyện về cuộc đời của một nghệ sỹ rất tài năng mà lắm thăng trầm này đã khiến chúng tôi không cầm được nước mắt. Ngày lớn lên cũng là ngày lịch sử của đất nước, lịch sử của danh thế gia đình đã sang trang, phải tồn tại bằng nghị lực và tồn tại bằng ký ức yêu thương của cha mẹ, của chị. Sau những năm tháng mưu sinh trên đất Pháp (từ năm 1993 đến năm 2001), nghệ sỹ Chí Tiên lại quay về để tiếp tục đóng góp với nghệ thuật nước nhà. Tuy rằng sân khấu nghệ thuật cải lương không còn như xưa nhưng nghệ sỹ đã tìm cho mình những công việc liên quan nghệ thuật và đã tạo được ấn tượng rất đẹp trong lòng công chúng như tham gia đóng phim (vua Tịnh Phạn trong CON ĐƯỜNG GIÁC NGỘ năm 2012), Trần Ích Tắc trong vở kịch HÀO KHÍ NON SÔNG, vai Giả Lộ Tướng Quân trong vở cải lương BÊN CẦU DỆT LỤA (nhân dịp 64 năm kỷ niệm đoàn Thanh Minh-Thanh Nga năm 2013). Nhờ những năm tháng bên cánh gà sân khấu để xem các nghệ sỹ đoàn Thanh Minh-Thanh Nga diễn nên nghệ sỹ Chí Tiên đã có nhiều kinh nghiệm để có thể hướng dẫn cho các nghệ sỹ trẻ sau này như nghệ sỹ Hồng Loan, Gia Bảo, Trọng Phúc…trong các tác phẩm kinh điển phục dựng lại cho chương trình Giữ Ngọc Gìn Vàng nhân kỷ niệm 64 năm thành lập đoàn Thanh Minh-Thanh Nga. Ai biết được rằng, bài múa đèn được phục dựng theo nguyên bản và có thêm một số động tác điêu luyện hơn trong cảnh hoàng cung tuồng Bên Cầu Dệt Lụa là do người nghệ sỹ rất thầm lặng mà tài năng Chí Tiên hướng dẫn!
Câu hỏi cuối cùng mà tôi hỏi nghệ sỹ Chí Tiên đó là nghệ sỹ có điều gì nhắn nhủ với thế hệ trẻ ngày nay không thì được nghệ sỹ bày tỏ:
“Trong đời chú đã nếm trải đủ mùi thượng vàng hạ cám, làm nhiều nghề để mưu sinh, từ mua bán, làm quản lý nhà hàng, thiết kế trang phục sân khấu, làm diễn viên cải lương kịch nói, phim ảnh, nghệ sỹ cải lương…cuối cùng phải cảm ơn cuộc đời đã cho mình thấy nội lực chính mình. Được đóng góp với đời, xây dựng văn hóa nghệ thuật truyền thống nước nhà, được chia sẻ và học hỏi lẫn nhau qua các anh chị em đồng nghiệp, cũng như các em các cháu sau này khiến cho cuộc sống mình bớt tẻ nhạt. Những biến cố của cuộc đời đã cho mình một thông điệp rằng “đời là vô thường, công danh chỉ là phù phiếm”, thế nên, chú thường khuyên các bạn trẻ là khi chịu làm nghệ thuật thì hãy cố gắng trau dồi nhiều hơn và bền hơn để lửa nội lực không bao giờ tắt, đừng ham chút danh, đừng ham chút ánh sáng mà tưởng mình chiến thắng, tưởng mình đang trên đỉnh vinh quang mà không biết rằng mình đang tụt hậu. Có những nghệ sỹ, ví dụ như chị ba Bạch Tuyết, tuổi hơn 70 nhưng khi xuất hiện trên sân khấu thì thần lực vẫn nguyên khôi rất đặc biệt và luôn giữ được hình ảnh đẹp trong lòng công chúng.”
Từ tạ nghệ sỹ ra về, chạy xe trên những cung đường Sài Gòn-TPHCM với những xe cộ, phố xá đông người nhưng tôi đã thấy những thước phim dài đầy cảm xúc về một nghệ sỹ tài năng đã và đang thầm lặng đóng góp cho đời những giá trị nghệ thuật cổ truyền tuyệt vời. Nghệ sỹ Chí Tiên đã làm cầu nối nghệ thuật tân-cổ và sẳn sàng hướng dẫn những điều đã học được từ các bậc tiền bối như nghệ sỹ Năm Châu, nghệ sỹ Ba Vân, nghệ sỹ Hoàng Giang, Chí Hiếu...và trong số đó không thể không nhắc đến cố nghệ sỹ Thanh Nga. Nghệ sỹ Xuân Lan, người đã từng gắn bó trong đoàn Thanh Minh-Thanh Nga tâm sự rằng: "Chí Tiên là một nghệ sỹ rất tài năng, khéo lắm và rất có tâm với nghề. Trong mối quan hệ xã hội, giao tiếp bạn bè, đồng nghiệp chưa hề có chuyện mích lòng ai. Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng thể hiện ý chí, nghị lực cao nên bản thân mình là đàn chị nhưng phải rất khâm phục và thương mến như đứa em trai của mình."
Sau mấy hôm nằm viện, sức khỏe của nghệ sỹ đã khá hơn và may mắn cho chúng tôi là được nghệ sỹ ân cần tiếp đón. Không biết nói gì hơn là chỉ cầu mong cho sức khỏe nghệ sỹ Chí Tiên luôn được dồi dào, tinh thần luôn sáng suốt thông tuệ để khán giả mộ điệu được tiếp tục thưởng thức những tài năng của chú.
Ngẫm thấy,
Nước đã chảy qua trăm ngàn khe suối thác ghềnh,
Lòng hướng ra đại hải để hiểu biển sâu bờ rộng.
Thần tự tại ung dung như mây hồng du ngoạn thanh thiên,
Dạ thảnh thơi như trăng ngọc tỏa sáng giữa trời thu.
Thế mới biết những khổ ải trần gian chỉ là ghềnh thác,
Sao ngăn được dòng chảy vô biên của một tâm hồn,
Của tình yêu văn hóa-nghệ thuật cổ truyền,
Của quá khứ và tương lai quê hương đất Việt.
Xin cho tôi gửi những cảm tình tha thiết,
Để tri ân người nghệ sỹ tài ba.
Cảm ơn một người chú, một người cha,
Đang dẫn dắt cháu con những tinh hoa nghệ thuật!
Xin tri ân,
Diễn giả văn hóa HỒ NHỰT QUANG (Solomonvietnam)
Lúc 08:30 ngày 15/04/2016