Nghệ sĩ Ánh Hoa
Nghệ sĩ lão thành Ánh Hoa bán căn nhà dưới chân cầu Chữ Y, quận 8, TP HCM để dọn về làm hàng xóm với NSƯT Phương Quang. Bề bộn công việc, bà vẫn nhận lịch đi quay, đi diễn và tâm đắc với phương châm: “Hãy sống chậm lại! Nghĩ những điều vui, không u phiền... Dùng tình người sưởi ấm tâm hồn nhiều người khác”.
Nữ nghệ sĩ này cho biết đóng vai già từ năm 16 tuổi và đến nay đã có gần 200 vai lão do bà thủ diễn. Hạnh phúc và tự hào vì "vốn liếng" kha khá của mình, bà nói không thấy buồn phiền gì khi bị giao vai già, bởi dường như đây là duyên là nợ với nghề.
Nghệ sĩ Ánh Hoa trải lòng rằng sống đủ lâu để cảm nhận cuộc sống. Giữa cõi đời muôn màu bà chỉ sợ mất niềm tin vào những điều tốt đẹp. May thay, bà vẫn còn cảm xúc trước những nghịch cảnh, những mảnh đời bất hạnh giữa chốn đô thị xô bồ, còn chỗ để trút tâm sự vào những vai diễn trên phim, sân khấu... Bà kể có lần đi xe ôm đến trường quay ở quận 9, TP HCM, khi xe dừng trước đèn đỏ, bà nhìn thấy đứa trẻ đen đúa, tay cầm xấp vé số chìa trước mặt:"Bà ơi mua giùm con, con đói quá!". Giọng nói của cậu bé làm tim bà thắt lại, mua 10 tờ dẫu trước nay không thích chơi vé số.
Bức chân dung nghệ sĩ Minh Chí – người có biệt danh “Vua xàng xê”, chồng bà đã hoen ố theo thời gian nhưng vẫn được treo ở một góc trang trọng trong phòng khách. Ông ra đi gần 20 năm, bà vẫn ở vậy! Có lúc sàn diễn ế ẩm, bà bán cơm tấm ở dưới chân cầu chữ Y để sống qua ngày, chờ sàn diễn sáng đèn lại quay về với khán giả. Với ông, bà là một học trò, một tri kỷ.
Nhắc về ông, bà kể: “Lúc sinh thời ông nhà tôi thích trồng hoa phong lan. Ông nói loài hoa này chịu nhiều chông gai nhất, vì thân nó cằn cỗi nhưng khi đơm hoa lại tuyệt đẹp. Ví như con người chịu cực nhọc sẽ đạt thành tựu rực rỡ. Ông nhà tôi chăm chỉ làm việc, lao động nghệ thuật đúng nghĩa, nên được khán giả thương”.
Nghệ sĩ Ánh Hoa và NSND Bạch Tuyết trong vở Kiều Nguyệt Nga
50 năm chuyên đóng vai già, nghệ sĩ Ánh Hoa từng nhiều lần đưa cuộc sống vào vai diễn và có thói quen quan sát những chuyển động xung quanh mình. Là nghệ sĩ, trái tim mẫn cảm phải đau cái đau của nhân loại. Bà nói mình cũng có những đứa cháu, biết đâu nó cũng cần những bài học từ việc làm nho nhỏ của niềm tin.
Bà chia sẻ người nghệ sĩ về chiều có nhiều cảm xúc khó tả nhưng bà không sợ đối diện với những được – mất trong đời. Bởi dù đã sẵn sàng hay chưa, một ngày kia, chúng ta cũng phải chia tay thế giới này. Tiền bạc, danh vọng, quyền lực,… tất cả trở thành vô nghĩa. Còn ý nghĩa chăng là những gì ta tạo ra đối với thế giới này. Vậy điều gì là thật sự quan trọng lưu lại dấu ấn của ta trong cuộc sống là gì?
"Theo tôi, điều quan trọng không phải là những thứ bạn mang theo bên mình mà là những gì bạn đóng góp cho đời. Hồi đó khi sân khấu khó khăn, tôi buộc phải gánh cơm tấm ra cầu chữ Y để bán. Cứ ngỡ sẽ khó mà sống nổi nhưng rồi cũng quen, vì mỗi ngày mấy ông xe ôm, xe ba gác, chị bán xôi tích cực ủng hộ, mà hôm nào tôi nghỉ họ lại nhớ. Vậy đó, đóng góp một chút thôi, cũng thấy mình hạnh phúc. Theo tôi, quan trọng không phải là những thứ bạn nhận được, mà là những gì bạn đã cho đi. Quan trọng không phải là những thành công bạn đã có được trong đời, mà là ý nghĩa thật sự của chúng” - nghệ sĩ Ánh Hoa kể.
Nghệ sĩ Ánh Hoa và NSND Bạch Tuyết, NSƯT Thanh Sang, NS Thanh Phú trong vở Kiều Nguyệt Nga (chương trình Làn điệu phương Nam tại Nhà hát TP)
Vai lão bà trong vở Kiều Nguyệt Nga - vai diễn nổi tiếng của nghệ sĩ Ánh Hoa
Không chỉ tâm sự về nghề, cuộc sống, nữ nghệ sĩ này cũng nói nhiều về bí quyết sống khỏe tuổi xế chiều. Bà không ăn mỡ, ăn mặn, mỗi sáng đi bộ 8 vòng... và tâm nguyện luôn sống thanh thản, khi lòng cảm thấy đủ cuộc sống sẽ đủ.
Nghệ sĩ Ánh Hoa xuất thân từ gia đình hát bội, bà là con của nghệ sĩ cải lương Văn Danh - Ánh Nguyệt cùng thời với Kim Chưởng, Thúy Nga. Bà được sinh bà ra ở một bãi hát tại Bến Tre, ngay trong đoàn Tỷ Phượng. Thế là mới 7 tuổi, Ánh Hoa lên sân khấu, nổi tiếng với vai Na Tra. Rồi bà lấy chồng là kép Minh Chí cũng nổi tiếng một thời với NSND Út Trà Ôn, đặc biệt với kiểu ca rất hay trong bài bản xàng xê, nên được mệnh danh là “vua xàng xê”.
Hai vợ chồng lại tiếp tục sống đời gạo chợ nước sông, cho tới năm 1976 thì về đoàn Trần Hữu Trang. Ở đây, bà có những vai rất hay như nhũ mẫu trong Dương Vân Nga, bà mẹ trong Kiều Nguyệt Nga…Bà nổi tiếng chuyên đóng những vai bà mẹ trên phim, từ video ca nhạc cho đến #cailuong#, minh họa cho các tiểu phẩm kịch. Khi đoàn làm phim Người tình của Pháp qua Việt Nam quay, người ta chọn rất nhiều nữ diễn viên đến casting cho vai bà Đô, cuối cùng NS Ánh Hoa lọt mắt xanh đạo diễn. Và đạo diễn Trần Anh Hùng xem phim Người tình, liền giao cho bà vai bà Ty trong phim Mùi đu đủ xanh. Bà được sang Pháp quay ba tháng, tiền thù lao lúc đó rất cao. Sau này bà còn tham gia Sài Gòn nhật thực cũng do Pháp sản xuất. Bà còn để lại nhiều dấu ấn qua các bộ phim: Người đẹp Tây Đô, Đồng tiền xương máu, Đất phương Nam, Xóm nước đen, Hải Nguyệt, Giao thời, Giã từ dĩ vãng, Người Bình Xuyên, Mùa len trâu...
Bài và ảnh: Thanh Hiệp
Nguồn: cailuongvietnam.com