Nghệ sĩ Giang Bích Phượng, con dâu soạn giả Yên Lang, xác nhận tin trên với nhật báo Người Việt.
“Ba tôi mất lúc 8 giờ 55 phút sáng nay, Thứ Hai, 5 Tháng 6, 2017 ở bệnh viện Garden Grove, vì bệnh tim và suy thận,” nghệ sĩ , vợ soạn giả Lam Tuyền (con trai thứ ba của soạn giả Yên Lang) nói qua điện thoại.
Con dâu soạn giả Yên Lang kể, “Ba tôi được đưa vô bệnh viện từ 11, 12 ngày trước vì thấy bị mệt, bị cảm thường thôi. Nhưng sau khi làm các xét nghiệm, thử máu, bác sĩ mới cho hay ba tôi bị tim yếu, rồi bị suy thận hơi nặng. Tim làm cho ba bị suy tim, không thở được. Tuy nhiên, sau khi điều trị thì ba tôi cũng khỏe lại, đi đứng, ăn uống được, họ đưa qua bên điều dưỡng nằm tiếp.”
“Hôm Thứ Bảy, cháu nội còn chở ba đi ra ngoài ăn uống rồi trở lại bệnh viện, không sao hết. Sáng Chủ Nhật y tá vào đi huyết áp vẫn bình thường. Đến khoảng 10 rưỡi sáng họ đưa cơm vô cũng bình thường. Nhưng khoảng 5-10 phút sau em rể tôi vào đã thấy ba tôi nằm bất động. Em rể tôi la lên, nhưng khi đó đã trở tay không kịp rồi. Ba tôi được cấp cứu, đút ống trợ thở, và mất sáng nay,” chị nói thêm.
Ông qua đời có sự chứng kiến của con trai ông, soạn giả Lam Tuyền, và vợ chồng người con gái út.
Vợ ông, nghệ sĩ Kiều Oanh, cũng nằm cùng bệnh viện Garden Grove từ nhiều tháng trước, được con dâu đẩy xe sang nhìn mặt chồng lần cuối, “nhưng đang trên đường đẩy má tôi sang thì hay tin ba tôi tắt thở rồi,” Giang Bích Phượng cho biết.
Soạn giả Yên Lang tên thật là Nguyễn Ngọc Thanh, sinh năm 1940, tại Bạc Liêu.
Từ những năm 1960 ông bắt đầu nổi tiếng với những vở cải lương của mình, là soạn giả của một số đoàn cải lương như Song Kiều, Kim Chung. Theo Wikipedia, nhiều nghệ sĩ được cho là đã nổi tiếng vì những vở tuồng do ông viết. Các vở cải lương nổi tiếng của ông có thể kể như Đường về quê ngoại, Tâm sự loài chim biển hay Áo vũ cơ hàn, Đêm lạnh chùa hoang, Máu nhuộm sân chùa, Mùa Thu trên Bạch Mã Sơn… Ngoài ra ông còn sáng tác nhiều bản vọng cổ và tân cổ giao duyên.
Sau biến cố 1975, ông bị đi tù cải tạo 6 năm, sau đó sang định cư ở Hoa Kỳ từ năm 1995.
Năm 2000, với sự giúp đỡ của thương gia Nguyễn Minh Chiêu, soạn giả Yên Lang cùng giáo sư Trần Văn Chi, và giáo sư Nguyễn Thanh Giàu thành lập Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu Hải Ngoại tại Hoa Kỳ.
Nói về soạn giả Yên Lang, Giáo sư Nguyễn Thanh Giàu, Hội trưởng Phật giáo Hòa Hảo miền Nam California, đồng thời là phó chủ tịch Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu Hải Ngoại, cho rằng, “Đối với tôi, anh Yên Lang là một soạn giả có tiếng tuy chưa phải là xuất sắc. Nhưng ra đến hải ngoại thì anh là viên ngọc quý của ngành cổ nhạc cải lương, vì anh là một trong những soạn giả nổi tiếng nhất, đóng góp nhiều nhất cho nền cổ nhạc hải ngoại. Qua anh, ngoài những trích đoạn anh viết, mình còn biết thêm những sinh hoạt của nền cổ nhạc, nhất là ngành cải lương tại Việt Nam trước đây. Đó cũng là một tài liệu quý giá cho những anh em sau này ở hải ngoại muốn biết về ngành cải lương. Nếu nói ngành cải lương hải ngoại vẫn sống đến ngày nay thì kể đến một phần rất lớn sự đóng góp của anh Yên Lang.”
“Ba tôi đi quá đột ngột, không ai chuẩn bị trước tinh thần gì hết. Thay mặt gia đình, xin cám ơn sự quan tâm của mọi người,” nghệ sĩ Giang Bích Phượng nói trong xúc động. Ngày giờ tang lễ sẽ được gia đình gửi thông báo sau.
Ngọc Lan
Soạn giả Yên Lang qua đời
Theo tin từ gia đình soạn giả Yên Lang tại quận Cam - miền Nam nước Mỹ, ông đã trút hơi thở cuối cùng lúc 8 giờ 50 phút ngày 5-6 theo giờ địa phương, hưởng thọ 78 tuổi.
Gia đình soạn giả Yên Lang đã đưa ông vào Viện Dưỡng lão tại quận Cam, tiểu bang California - Mỹ cách đây 10 ngày. Ông được đưa vào Bệnh viện Garden Grove Hospital do căn bệnh suy thận và ruột bị biến chứng khiến khó thở. Khi vào bệnh viện, ông đã hôn mê sâu. Dù được các bác sĩ chuyên khoa tận tình cứu chữa nhưng ông vẫn không qua khỏi.
Soạn giả Yên Lang tên thật là Nguyễn Ngọc Thanh, sinh năm 1939 tại Giồng Me, Cầu Kè, Bạc Liêu. Ông được biết đến với hơn 30 kịch bản cải lương nổi tiếng đưa tên tuổi nhiều nghệ sĩ lên đài danh vọng. Kịch bản của ông luôn được công chúng mộ điệu yêu mến trong suốt nửa thế kỷ qua.
Cách đây 2 năm, trong đợt tổ chức liên hoan đờn ca tài tử Nam Bộ lần thứ nhất tại Bạc Liêu, miền đất nơi ông ra đời từng tổ chức một đêm vinh danh ông và người soạn giả đồng nghiệp cũng tài hoa không kém là Trọng Nguyễn.
"Vì tình yêu nghệ thuật cải lương mà soạn giả Yên Lang đã cống hiến cả đời cho bộ môn này. Năm 1955, khi mới 15 tuổi, ông đã khăn gói rời quê lên Sài Gòn lập nghiệp. Cơ duyên đến với ông khi gặp gỡ ký giả Phong Vân và nhà thơ Hoài Ngọc. Lúc đó, ông đang học tại Trường Trung học Tân Thịnh (Sài Gòn). Vốn thích làm thơ nhưng được sự khuyến khích của Phong Vân và Hoài Ngọc, ông mạnh dạn dấn thân vào lĩnh vực sáng tác cải lương với một tinh thần cầu tiến cao độ. Điều này minh chứng cho một nguyên tắc sáng tác, đó là hầu hết các tác phẩm của ông đều lồng vào những vần thơ mượt mà, day dứt, đi vào lòng người nghe và dễ tìm được sự đồng cảm sâu sắc" – soạn giả Nguyễn Phương nhìn nhận.
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu trao bức liễng vinh danh soạn giả Yên Lang
Trong sự nghiệp sáng tác, soạn giả Yên Lang đã cho ra đời rất nhiều kịch bản cải lương, được giới chuyên môn thời đó nhận xét là mang lại luồng gió mới cho sân khấu. Nhiều vở tuồng nổi tiếng của ông cho đến nay vẫn được khán giả mộ điệu yêu thích như: Đêm lạnh chùa hoang, Máu nhuộm sân chùa, Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, Tâm sự loài chim biển (tức Áo Vũ cơ hàn - viết chung với soạn giả Nguyên Thảo), Khi rừng thu thay lá, Người đẹp Tây Thi, Bão biển, Bão cát, Manh áo quê nghèo, Nắng thu về ngõ trúc, Người phu khiêng kiệu cưới, Tình bằng hữu, Tình hận trên băng hồ, Hỏa Sơn thần nữ, Khi trời lạnh sương khuya, Nhất kiếm bá vương… Những vở cải lương này đã đưa tên tuổi của ông lên ngang hàng những soạn giả được nhiều hãng dĩa đặt hàng lúc bấy giờ.
"Sở trường của soạn giả Yên Lang là sáng tác kịch bản cải lương thuộc đề tài kiếm hiệp kỳ tình, thể loại được khán giả yêu thích trong thập niên 1960-1970. Văn phong của ông mộc mạc nhưng chứa đựng chất tự sự về số phận những con người luôn khao khát mưu cầu hạnh phúc. Tuồng của ông dễ thuộc, đi vào lòng người và có những câu ca thắm đượm tình quê, nghe một lần rất dễ nhớ" - NSƯT Minh Vương nhận xét.
"Bậc thầy chuyên sáng tác kịch bản màu sắc kiếm hiệp kỳ tình", "thầy viết tuồng Yên Lang"… là những mỹ từ được dùng để nói về ông. Không chỉ chuyên sáng tác, ông còn là người dìu dắt, đào tạo nhiều cây viết trẻ như soạn giả Nguyên Thảo (tác giả vở cải lương Kiếp nào có yêu nhau), cũng như con trai ông là Lam Tuyền (người chuyển thể vở Lá sầu riêng) hiện theo nghiệp của ông…
Nghệ sĩ nhân dân, soạn giả Viễn Châu từng đánh giá: "Soạn giả Yên Lang là một trong những người Bạc Liêu đã được khán giả khắp nơi ái mộ không chỉ bằng ngòi bút trữ tình, sâu lắng mà còn là một bậc thầy chuyên sáng tác kịch bản màu sắc kiếm hiệp kỳ tình, đưa thể loại này lên đỉnh cao, từng tạo cơ hội vàng cho nhiều nghệ sĩ trở nên nổi tiếng. Họ đã bước ra từ kịch bản của ông và tỏa sáng rực rỡ, khán giả nhớ đến tên tuổi của họ như: Minh Cảnh, Minh Vương, Lệ Thủy, Minh Phụng, Mỹ Châu…".
NSƯT Minh Vương - NSND Lệ Thủy trong vở "Đêm lạnh chùa hoang" của soạn giả Yên Lang
Tang lễ của soạn giả Yên Lang sẽ được tổ chức tại quận Cam trong thời gian tới. Soạn giả Lam Tuyền xúc động bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với khán giả mộ điệu của sân khấu cải lương, nhiều ngày qua đã thăm hỏi, động viên, chia buồn với gia đình của anh. "Ba tôi đã được khán thính giả trong và ngoài nước yêu mến, đó là niềm hạnh phúc rất lớn đối với gia đình chúng tôi" - soạn giả "Lá sầu riêng" xúc động.
Bài và ảnh: Thanh Hiệp
XEM THÊM TIN TỨC HÌNH ẢNH VIDEO TAI ĐAY
Nguồn: cailuongvietnam.com