Tang lễ được cử hành tại Nhà Tang lễ TPHCM số 25 đường Lê Quý Đôn quận 3.
Đây là một tin buồn, gợi nhiều thương tiếc, chẳng những cho nghệ sĩ Minh Vương và ba con chung của Minh Vương – Bà Thu mà còn là một tin buồn của nhiều nghệ sĩ tài danh từng đứng dưới bảng hiệu đoàn cải lương Việt Nam – Minh Vương của bà Bầu Thu trước năm 1975.
Trong giới bầu gánh hát cải lương, có 5 bà bầu nổi danh có tài điều khiển đoàn hát hoạt động được lâu năm, quản trị được các nghệ sĩ tài danh, bảo đảm làm tăng tiến nghệ thuật trình diễn trên sân khấu. Đó là bà Bầu Thơ đoàn Thanh Minh Thanh Nga; bà bầu Kim Chưởng đoàn cải lương Kim Chưởng; bà bầu Mười Cơ đoàn cải lương Tinh Hoa; Bà Bầu Thu đoàn cải lương Việt Nam – Minh Vương; bà Bầu Tư Yến đoàn cải lương Trùng Dương – Vũng Tàu.
Tết Mậu Thân 1968, chiến cuộc xảy ra trong đô thành Saigon- Chợ Lớn – Gia Định và trong các thành phố, thị xã ở miền Tiền Giang, Hậu Giang, nhiều đoàn hát cải lương ngưng hoạt động, nhiều đoàn rã gánh, rất nhiều nghệ sĩ tài danh thất nghiệp. Sau đó chánh phủ VNCH ban hành lệnh Tổng Động viên, nhiều nghệ sĩ gia nhập quân đội, phục vụ trong các Ban Ban Văn Nghệ thuộc các Tiểu đoàn Chiến Tranh Chính Trị, Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương, Ban Văn Nghệ Hoa Tình Thương.
Năm 1971, bà Lê Thị Thu, một nữ doanh nhân thành đạt, thối tiền contrat của nghệ sĩ Minh Vương cho ông bầu Long đoàn Kim Chung để Minh Vương cùng bà Thu lập gánh hát Đoàn cải lương Việt Nam – Minh Vương. Các nghệ sĩ Phượng Liên, Mỹ Châu, Ngọc Bích, Thanh Nga lần lượt được mời về đóng vai đào chánh hát cặp với kép chánh Minh Vương. Theo lời của anh Trưởng đoàn Kim Chung 1 hát thường trực tại rạp Olympic thì đáng lẽ Minh Vương cũng bị gọi nhập ngũ như các nghệ sĩ Thanh Tú, Diệp Lang, Thanh Việt, Thanh Sang, Thành Được, Hùng Cường… nhưng vợ của Minh Vương là bà Bầu Thu, con gái của một vị đại tá Tổng Nha Quan Thuế của VNCH ở Bến Bạch Đằng; nhờ sự can thiệp của ông đại tá đó mà Minh Vương khỏi bị bắt lính. Không biết lời đồn có đúng không vì không ai biết rõ hoàn cảnh gia đình của bà Thu, không có tài liệu báo chí nào đề cập đến gia đình của bà Lê Thị Thu
Lúc này là thời hoàng kim của loại tuồng kiếm hiệp, màu sắc, phóng tác theo các truyện kiếm hiệp của các tác giả kịch bản cải lương Kim Dung, Từ Khánh Phụng, Cổ Long, Nam Kim Thạch…Nghệ sĩ Minh Vương gia nhập vào cái thế giới của những “kiếm sĩ” cô đơn, dấn thân vào khung cảnh mưa gió bão bùng hoặc sa mạc khô cháy, rong ruổi tìm kẻ thù hoặc tìm những mối tình ảo ảnh dịu vợi. Đó là những khung cảnh lãng mạn, trữ tình với những lời ca ai oán hay mùi mẫn, Minh Vương có giọng ca gợi buồn, gợi nhớ, có sắc vóc sáng đẹp trên sân khấu, dễ dàng hóa thân vào những nhân vật anh hùng kiếm sĩ trong tuồng. Khán giả đoàn Kim Chung vẫn còn ghi nhớ Minh Vương trong vai Hà Sơn Thái tuồng Vầng Trăng Năm Cũ, vai Lý Nhị Lang trong tuồng Hắc Sa Thôn Huyết Hận, vai Lữ Phụng Sơn (Người Trai Sa Mạc), vai Cao Bình Nguyên (Đêm Lạnh Trong Tù), Trác Phùng Quân (Mùa Thu Trên Bạch Mã Sơn)… Các nhân vật của Minh Vương thủ diễn bàng bạc chất lãng mạn, chung chung cho nhiều phận đời nhưng làn hơi của kép trẻ Minh Vương làm đọng lại những bài ca vấn vương trong lòng khách mộ điệu.
Nghệ sĩ Minh Vương tiếp tục thu hút được khán giả qua các vở tuồng kiếm hiệp đưa đến sự thành công rực rỡ cho đoàn cải lương Việt Nam của bà Bầu Thu trong lúc đó thì đoàn Thanh Minh Thanh Nga ngưng hoạt động.
Minh Vương chỉ lo hát trên sân khấu; thực quyền về chi thu tài chánh, tuyển chọn nghệ sĩ và điều khiển đoàn hát Việt Nam nằm trong tay của bà bầu Thu.
Sau 30 tháng 4 năm 1975, Đoàn hát Việt Nam của bà bầu Thu và các đoàn hát tư nhân khác bị giải tán. Minh Vương về hát cho đoàn hát cải lương tập thể Saigon 3 (tức một loại đoàn Văn Công do cán bộ của Sở Văn Hóa Thông Tin thành phố được phái xuống làm trưởng đoàn). Kép chánh Minh Vương cũng như các kép chánh Út Trà Ôn, Thành Được,… chỉ được lãnh lương 10 đồng một suất hát và phải ăn cơm hội như tất cả các nghệ sĩ khác. Các trưởng đoàn cải lương tập thể (đảng viên CS) giải thích 1 đồng bạc của chánh phủ mới bằng 500 đồng của chánh phủ VNCH, đổi tiền lần thứ hai 10 đồng đổi được 1 đồng mới như vậy có nghĩa là một đồng bạc của chánh phủ miền Bắc giá trị bằng 5 ngàn đồng thời Cộng Hòa. Nghệ sĩ Minh Vương hạng A tuy lãnh 10 đồng cho một suất hát nhưng giá trị bằng 50. 000 đồng thời Cộng Hòa.
Chỉ độ năm sau (1976), bầu Thu xúi Minh Vương lấy cớ đau, nghỉ hát để đòi tăng lương, tăng thêm tiền cơm. Các nghệ sĩ chánh như Út Trà Ôn, Thành Được, Thanh Kim Huệ… từng ép mình chấp nhận tiền lương 10 đồng một suất hát cũng bắt đầu tranh đấu đòi tăng lương. Các cán bộ trưởng đoàn bắt buộc phải trả “lương tối” cho các nghệ sĩ đó. Các nghệ sĩ kép nhì, kép ba lôi kéo các kép đào chánh bỏ đoàn, đi hát chui ở các đoàn hát ở các tỉnh miền Hậu Giang. Nghệ sĩ Minh Vương dưới sự điều khiển của vợ anh (bà bầu Thu) đã rời đoàn cải lương tập thể Saigon 3, đi hát cho các đoàn Sống Chung, đoàn Trung Hiếu, đoàn Hương Mùa Thu, đoàn sân khấu Tài Năng Trần Hữu Trang, đoàn 2/84, đoàn Văn Công. Ngoài ra Minh Vương còn bỏ đoàn chạy đi hát show cho các đoàn tỉnh với lương một chỉ vàng cho một suất hát. Tiền lương và vàng thu được ở các suất hát chui ở các đoàn tỉnh đều bị vợ anh (bầu Thu) thu giữ hết.
Cachet của Minh Vương hát ở các đoàn hát (dù hát chui hay hát chánh thức ở một đoàn) đều cứ được bà bầu Thu giựt dây buộc Minh Vương đòi tăng lên hoài. Các cán bộ điều khiển đoàn hát cho là Minh Vương làm theo “lịnh của bà”. Họ tung tin Minh Vương sợ vợ để mong Minh Vương thoát khỏi sự khống chế của cô vợ.
Năm 1991, một cán bộ “báo chí” của nhà nước phỏng vấn bà bầu Thu và đăng lên báo để giải thích về dư luận bà Thu ức hiếp Minh Vương (đoạn nầy tôi chép nguyên văn đăng trên báo Sân Kkấu Thành Phố HCM tháng 10 năm 1991- NP):
Phóng viên: “Tôi đã được nghe nhiều “chiến tích của người vợ Minh Vương (cười) vậy chị cho tôi hỏi vài điều… được không? “
Bà Thu : Anh dùng từ “chiến tích” nghe ghê quá! Tôi có ở trong rừng như các anh đâu mà có chiến tích!”
PV (nói riêng) Chị nầy dữ thiệt! Chưa gì mà chị ta mắng mình là dân rừng rú!(…hỏi Hình như chị quê ở Hà Đông hay Bình Định?
– Đâu có, tôi sanh ra và lớn lên ở Saigon…(chị Thu đáp rất thành thật, rồi hơi ngẩn người, hỏi lại)Ủa! Sao bỗng dưng anh lại nghĩ tôi quê Hà Đông hay Bình Định?
– Chẳng là…thiên hạ đồn rằng con gái Hà Đông ra đường không sợ cọp, còn con gái Bình Định rất giỏi múa roi dạy chồng.
Nghe câu hỏi đó đúng với tâm sự ẩn ức của mình, bà bầu Thu như được dịp đính chánh tin đồn: “Trời ơi! Ai mà đồn ác ôn! Họ nói tôi là sư tử Hà Đông, là ăn hiếp chồng! Tôi không biết tại sao thiên hạ cứ đồn đại tôi ghê gớm, dữ dằn. Cả đời tôi, tôi chưa từng nói lớn tiếng với ai mà tôi cho rằng không có nguyên nhân chính đáng. (đụng vào quyền lợi tôi?) Rất nhiều người gặp tôi, trong đó có cả những anh lãnh đạo, nhà văn, nhà báo, họ đều nói với tôi: Gặp gỡ nói chuyện với cô Thu, chúng tôi không ngờ cô lại khác hẳn với những gì người ta nói về cô. Nhưng ở đời “Đi với bụt thì mặc áo cà sa, đi với ma phải mặc áo giấy” Anh thử nghĩ xem, anh Minh Vương là một người quá hiền lành, bao giờ ảnh cũng dốc hết tâm hồn cho nghệ thuật, chẳng quan tâm gì đến chuyện đời, nên cứ bị người ta cắt xén, ăn hiếp, lấn lướt đủ điều. Đi hát, đi làm phim video, ai trả lương bao nhiêu cũng nhận. Ở trong đoàn hát thì nhiều người không tài năng bằng ảnh, nhưng người nầy có tiền, người kia có tiếng, người nầy móc ngoặc với người kia, còn ảnh, ảnh có được gì đâu?Dạo trước 75, có nghệ sĩ ganh tài còn thuê cả du đãng vây đánh Minh Vương…(Xin lỗi, để coi lại à! Có thiệt vậy không bà?) Nói thiệt với anh, Minh Vương là một nghệ sĩ rất có tài, nhưng ảnh lại thiếu khả năng đương đầu với những chuyện xấu. (Câu nầy đem áp dụng giữa Minh Vương và Bà Thu là quá đúng!) Tất nhiên, một phần do bản tánh nghệ sĩ của ảnh, chẳng muốn bận tâm đến những chuyện đó.
Anh nhà báo cười mỉm, nói: “Nếu trong mọi trường hợp “phải xáp lá cà” chị đã ra tay chứng minh cho họ biết “Vợ Minh Vương là ai! Phải vậy không?”
Bà Thu trả lời: “Thử hỏi nếu đặt anh ở vào địa vị Minh Vương, một người luôn bị kẻ khác chơi xấu… thì vợ anh ở nhà sẽ xử trí ra sao?”
Nhà báo cười cười: “Hình như, trước đây vợ tôi cũng có học võ Karaté hay Akido gì đó…”
Bà Thu: “Tôi nghĩ rằng người đàn bà nào cũng thương chồng, lo lắng bảo vệ sự nghiệp của chồng nhưng mỗi người đi bằng con đường khác nhau. Riêng tôi, tôi sẫn sàng lao vào cuộc nếu như chồng tôi gặp nạn và tôi luôn luôn đi tới cùng để bảo vệ lẽ phải/”
Nhà báo: “Tôi nhớ cái thời Minh Vương còn hát ở đoàn 2/84, người ta nói rằng, chị đã buộc Minh Vương phải nghỉ hát? Chị có nghĩ rằng như vậy là chị đã can thiệp quá sâu vào con đường nghệ thuật của Minh Vương?”
Bà Thu: “Chuyện ở đoàn 2/84 thực ra rất dài dòng. Khi đó anh Minh Vương hát, còn tôi thì lo về âm thanh, ánh sáng. Tôi thấy nội bộ trong đoàn có chuyện không ổn, cách thức trả lương cho nghệ sĩ còn thiếu công bằng, không đúng với tài năng nên tôi đã đặt những vấn đề nầy ra. Tôi đã làm việc công khai, đàng hoàng với lãnh đạo đoàn, lãnh đạo Sở VH, cả với lãnh đạo của thành phố…Và hơn nữa, trong chuyện nầy tôi hoàn toàn không làm chuyện gì bậy bạ thiếu suy xét. Tất nhiên sau này nguyện vọng của vợ chồng tôi không được giải quyết, nên chúng tôi xin nghỉ. Anh Minh Vương là một nghệ sĩ danh tiếng, là chồng tôi… tại sao có người lại nghĩ là tôi bắt buộc Minh Vương phải nghỉ hát?”
Nhà báo: “Điều đó cũng có thể lắm chớ, nếu như trong gia đình, chị cũng lấn lướt Minh Vương như ngoài đời đã từng lấn lướt Minh Vương?”
– Chuyện tôi có lấn lướt chồng hay không, anh nên hỏi thẳng Minh Vương.
– Ôi! bọn đàn ông tụi tôi có anh nào dễ chấp nhận hai tiếng “sợ vợ?”
– Vậy theo anh, một người đàn ông sợ vợ phải như thế nào?
– Thì… không đứng một mình chỗ đông người, nghĩa là đi đâu thì cũng phải rước bà vợ cùng đi theo, vợ biểu gì nghe nấy, vợ sai gì làm nấy, lúc nào cũng ngơ ngác như kẻ trốn tù….
– Anh Minh Vương của tôi không phải như vậy!
– Vâng, ảnh còn tệ hơn vậy! Phải ý chị muốn nói vậy không? Cám ơn chị về cuộc phỏng vấn nầy!
Bài báo đăng tháng 11 năm 1991, xưa nay nghệ sĩ cải lương đều nghe danh sợ vợ của Minh Vương, bây giờ đọc bài phỏng vấn đăng trong báo Sân Khấu, nghệ sĩ thông cảm cho Minh Vương. Nghệ sĩ Minh Vương buộc phải tranh cãi với vợ của anh và cuộc bất hòa bấy lâu nay Minh Vương giữ âm ỉ trong lòng, nay bùng nổ ra. Hai vợ chồng to tiếng, cải nhau đưa đến chỗ ly dị.
Năm 1994, Minh Vương bị vợ (bà Thu) đuổi ra khỏi nhà ở đường Trần Qúy Cáp cũ (đường mới là Võ Văn Tần). Minh Vương ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng, phải qua sống tạm ở nhà em gái ở số 10 đường Nguyễn Thị Tần, Phường 3 quận 8. Lúc này Minh Vương hát cho Nhà hát Trần Hữu Trang và thu video, thu nhập không được nhiều như khi còn đi hát chui, tuy nhiên Minh Vương sống được tự do, thoát khỏi chế độ “toàn trị” của bà vợ.
Minh Vương sống với bà Thu có được ba con: hai gái một trai. Con gái lớn tên Nguyễn Minh Thanh, đã lập gia đình, định cư tại Hoa Kỳ. Con gái thứ hai Nguyễn Minh Ánh, có chồng thương buôn ở Việt Nam. Con trai Út tên Nguyễn Minh Quốc Nam, tốt nghiệp Đại Học bách Khoa, vừa mới làm lễ thành hôn với sự chứng kiến của ông bà Minh Vương (dù Minh Vương và vợ xa nhau gần ba mươi năm rồi)
Năm 1995, Minh Vương về Cà Mau thu video 5 bài ca cổ. Dịp này anh được bà Bé Tư cán bộ của tỉnh Cà Mau vì mê kép trẻ đẹp trai Minh Vương mà mua cho một căn nhà khang trang ở đường Nơ Trang Long Phường 13 quận Bình Thạnh với giá là 158 lượng vàng bốn số 9. Anh cũng phải hầu tòa 4 lần để giải đáp số vàng của anh do đâu mà có.
Ngày tang lễ của bà Lê Thị Thu, Minh Vương dù chưa khoẻ hẳn sau cơn bịnh suy thận nặng, dù bác sĩ điều trị khuyến cáo Minh Vương không nên đến đám tang vì sợ vi rút xâm nhập nhưng Minh Vương vẫn đến viếng tang vợ tuy phải đứng xa quan tài mà khấn nguyện. Minh Vương cho biết anh rất đau buồn trước sự ra đi của bà Thu, người đã có một thời gian dài cùng anh chia ân sẻ ái, tình nghĩa mặn nồng.
Ở cách quê hương hơn hai mươi ngàn cây số, Nguyễn Phương xin thắp nén nhang thành tâm cầu nguyện cho hương linh chị Thu sớm tiêu diêu miền cực lạc.
Xin chia buồn cùng Minh Vương và các cháu.
Tháng 10 năm 2017
Soạn giả Nguyễn Phương
Nguồn: cailuongvietnam.com