Hằng ngày, lịch đóng phim, tập kịch của Bảo Quốc vẫn dày đặc. 62 tuổi, trông ông khỏe mạnh và tròn trịa, phúc hậu, nên vào vai nào cũng dễ thương, đạo diễn cải lương không “tha”. Bởi có mặt ông thì vé bán nhiều. Ông cười nói: “Tôi đã từ chối bớt rồi đó. Bà xã không cho đi nhiều, chỉ làm vừa sức thôi, coi như vui chơi cho đỡ nhớ nghề”. Con cái và cháu nội cháu ngoại đều ra riêng gần đó, có hai đứa thì sống ở Mỹ. Năm nào hai ông bà cũng đi Mỹ mấy tháng thăm con cháu, tuổi già thật thảnh thơi.
NSƯT Bảo Quốc vai Nhan Tấn (vở Nỏ thần) đoạt huy chương vàng Liên hoan Sân khấu toàn quốc 2009 - Ảnh: H.Kim
|
Bảo Quốc cho biết khi bán hết xe hơi thì ông còn thảnh thơi hơn nữa. Hai vợ chồng có việc gì đều đi taxi, hoặc nhờ người chở bằng xe máy cho khỏe. Ông có người bạn rất giàu, có thể làm từ thiện mỗi tháng cả chục tỉ đồng, có khi làm mà giấu tên, và sống cực kỳ giản dị. Bà Thủy - vợ ông, nói: “Tụi tôi chơi thân với nhau, tôi và anh Quốc ngộ ra một điều, hình như mình càng giản dị thì càng khỏe cái thân. Xe taxi đầy đường, muốn đi là có ngay. Chứ hồi trước đi xe hơi riêng mà cứ lo chỗ đậu xe, lo tài xế phiền lòng, lo hư hao, bảo trì... Rồi ra đường người này người kia so sánh xe 3 tỉ, 7 tỉ, 10 tỉ... thiệt là mệt. Chúng tôi học tập gương của bạn, sống giản dị, thấy sung sướng quá!”. Bảo Quốc cười: “Từ ngày tôi đi taxi và xe máy cũng đâu có ai coi thường tôi. Giá trị con người đôi khi không phải ở cái xe, căn nhà. Sư thầy của tôi giảng rằng niết bàn ở ngay cuộc sống hiện tại, khi nào mình thấy nhẹ nhàng thì chính đó là giải thoát”.
|
Trong một gia đình nghệ thuật mà đến hai người lãnh giải Thanh Tâm có lẽ là chuyện hy hữu. Càng thú vị hơn khi người chị Thanh Nga nhận giải đầu tiên (1958), còn người em Bảo Quốc lại nhận giải sau cùng (1967). Đợt đó còn có Phương Bình, Mỹ Châu, Ngọc Bích, nhưng Bảo Quốc là người làm nghề bền bỉ cho đến tận bây giờ.
|
|
Có lẽ niềm vui lớn nhất của vợ chồng nghệ sĩ Bảo Quốc là hai đứa cháu nội cùng tên Gia Bảo. Một đứa 5 tuổi đang sống bên Mỹ nhưng đặc sệt dòng máu nghệ thuật Việt Nam. Hai ông bà nói mãi về cháu không biết chán. Cậu bé nói sõi tiếng Việt, cứ đòi về nước đi học, và hầu như ngày nào cũng gọi điện trò chuyện với ông bà nội. Bé thích uống sữa Vinamilk, cứ nhắc ông bà nội gửi sang, lại còn đòi ăn cá kho, không thích thức ăn nhanh của Mỹ. Đặc biệt là bé mê cổ nhạc, cải lương, hát Dạ cổ hoài lang rất ngọt. Bảo Quốc nói: “Nếu nghề hát của tôi mà truyền được đến đời của cháu thì mừng chứ sao. Thôi kệ, nghiệp dĩ thì cứ theo, đừng nghĩ nó làm ra tiền nhiều hay ít. Quan trọng là nó có hạnh phúc. Cầu mong thế hệ sau này giữ được cải lương”. Cháu nội Gia Bảo lớn của ông thì mở công ty dựng kịch, diễn thường xuyên ở số 7 Trần Cao Vân (TP.HCM). Hai ông bà vừa mua tặng cháu một căn nhà, để 3 anh em cùng sống chung với nhau, vì cha mẹ đã chia tay từ lâu. Hai ông bà cứ nuôi hết đứa cháu này tới đứa cháu kia như thế, và yên lòng khi thấy chúng đều chăm ngoan, thành đạt. Con gái Hồng Loan vừa lo kinh doanh vừa đi hát thêm, và tự tay tổ chức chương trình biểu diễn cho cha trong năm rồi tại Mỹ. Cả gia đình theo nghề xem ra rất vui vẻ, hạnh phúc.
Thật sự khi Bảo Quốc vào nghề, tuy là con ruột của bà bầu Thơ đoàn Thanh Minh, nhưng ông không có điều kiện vượt trội, bởi lúc đó đang hiện diện một loạt kép chánh “thứ dữ” như Hữu Phước, Út Trà Ôn, Thành Được, Hùng Cường... còn lâu Bảo Quốc mới có “cửa”. Vì thế, ông toàn vào vai lẳng hoặc lẳng độc. Đùng một cái, ông được giao vai hiệp sĩ mù (vở Hiệp sĩ mù), vai chánh duy nhất đã đưa ông lên bục danh dự của giải Thanh Tâm. Nhưng định mệnh đã khiến ông rẽ sang diễn hài một cách tình cờ. Hôm diễn tuồng Con ma nhà họ Hứa cho đoàn Dạ Lý Hương, hề Thanh Việt bị bệnh, Thanh Nga bảo: “Em cũng có khiếu hài, em đóng thử coi!”. Thế là Bảo Quốc vào thế vai, đóng cặp với nữ quái Hồng Nga, nổi tiếng luôn. Từ đó, các soạn giả như Nguyễn Phương, Hoàng Khâm đo ni đóng giày cho Bảo Quốc hàng loạt tuồng như Người chồng triệu phú, Bóng chim tăm cá... toàn vai lẳng hài duyên dáng. Sau 1975, Bảo Quốc lại có những vai diễn để đời như Chương Hầu (Tiếng trống Mê Linh), Y xì ke (Bóng tối và ánh sáng), chưa kể các vai hài khác trong Hoa Mộc Lan, Bên cầu dệt lụa, Tấm lòng của biển... cùng hàng loạt vai của chương trình Trong nhà ngoài phố.
Cả gia đình cùng làm nghệ thuật: con gái Hồng Loan, NSƯT Bảo Quốc, Hữu Châu (cháu gọi bằng chú), cháu nội Gia Bảo - Ảnh: H.Kim
|
Cho đến giờ, danh hài Bảo Quốc chưa bao giờ thấy “tủi thân” khi từ kép mùi của giải Thanh Tâm trở thành người diễn hài. Ông nói: “Tôi đi đúng sở trường của mình nên mới hoạt động được cho tới bây giờ. Và tôi còn thấy vinh dự vì đã “nâng cấp” hài lên trong mắt khán giả. Hồi xưa vai hề chỉ lãnh lương bậc 4, nhưng khi tôi về Nhà hát Trần Hữu Trang đã lãnh lương hạng A, bằng với vai chánh. Tiếc rằng bây giờ vai hài đã rớt xuống hạng 3, 4 vì nhiều em trẻ không nghiêm túc trong nghề, cứ diễn vô bổ, tục tĩu, khiến mọi người coi thường”.
Hiện nay, hai vợ chồng Bảo Quốc theo đạo Phật, đi chùa, làm từ thiện rất nhiều. Những ngày ở nhà hai ông bà tranh thủ chăm sóc khu vườn nho nhỏ trước sân. Những cánh hoa sim tím ngắt nở ngay trong lòng thành phố mang một cảm xúc bâng khuâng khó tả. Rồi sen, nguyệt quế, sứ, trang... nhuộm đầy hương sắc. Biệt thự Lư Nguyễn vừa mở cửa ra là một không gian dịu dàng hiển hiện...
Hoàng Kim
Nguồn: cailuongvietnam.com