Nhà văn Mạc Can nổi tiếng với các vai hài
Khán giả Việt Nam đã quá quen thuộc với gương mặt nhà văn Mạc Can trong trong vai trò diễn viên cải lương chuyên đóng các vai hài cả trên sân khấu lẫn điện ảnh. Cuộc đời ông có nhiều ngã rẽ, số phận nhiều khúc quanh, nghề nghiệp và tình ái - chuyện nào cũng đầy những “tình tiết văn học” (chẳng hạn ông có một người con gái hiện đang định cư tại Mỹ cùng mẹ người Nhật Bản, nhưng mẹ của con gái nhất định không coi ông là chồng).
Nghiệp diễn theo ông từ thuở thanh niên cho đến lúc xế chiều, trải qua bao thăng trầm, biến cố; lắng nghe bao tâm sự của bạn nghề, bạn đời... khiến một ngày nghệ sĩ Mạc Can cầm bút viết văn như một lẽ tất yếu. Mạc Can viết văn muộn, khi bước vào độ tuổi “cổ lai hy” nên bạn bè thường gọi đùa ông là “nhà văn trẻ”.
Bản thảo tiểu thuyết “Tấm ván phóng dao” may mắn rơi vào tay “bà đỡ” Lê Minh Khuê (lúc đó còn làm biên tập viên cho Nhà xuất bản Hội Nhà văn). Được nhà văn giàu kinh nghiệm tận tình góp ý, chỉnh sửa, khi sách được phát hành đã tạo thành một bất ngờ lớn trên văn đàn. Cũng trong năm đó, Mạc Can giành giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và ít lâu sau ông được kết nạp vào hội.
Các nhà văn Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Quang Lập, Phạm Ngọc Tiến tham gia “Đêm hội làng năm ấy”
Nhà văn không biết... chấm câu
Nếu trên sân khấu, diễn viên Mạc Can sở hữu bí quyết nhà nghề để chinh phục khán giả qua các tiết mục ảo thuật thì trong văn chương, có một “bí mật nghề nghiệp” mà chỉ khi đọc bản thảo gốc của nhà văn Mạc Can mới biết: đó là ông không biết... đánh dấu chấm câu. Khi bản thảo gửi đến nhà xuất bản, bị kêu ca nhiều quá, ông bèn nghĩ ra cách đánh dấu (..) - dấu hai chấm đặt nằm ngang sau mỗi câu văn và bảo biên tập viên thấy dấu câu nào phù hợp thì điền vào giúp.
Diễn nhiều, viết hay nhưng đời sống của Mạc Can chưa bao giờ khá giả. Chiếc laptop cổ lỗ để ông viết văn cứ vài ngày lại giở chứng, phải mang ra cửa hàng quen nhờ sửa. Một lần anh thợ sửa máy tính năn nỉ: “Con xin chú để con làm ăn, chú cứ mang cái máy này ra sửa hoài, người ta nghĩ tay nghề con yếu, mất uy tín, chẳng có khách nào dám vào sửa nữa...”. Nghe vậy, nhà văn thấy tội nghiệp quá nên hứa: “Chú sửa nốt lần này, viết xong cuốn tiểu thuyết, bán cho nhà xuất bản sẽ sắm cái laptop mới”.
Nhà văn Kim Lân hóa thân thành lão Hạc
Chạy qua màn ảnh
Theo tư liệu trong cuốn “Cát bụi chân ai” của Tô Hoài, nhà văn đầu tiên của Việt Nam đóng phim chính là Nguyễn Tuân. Đầu năm 1938, nhà văn Nguyễn Tuân đã cất công sang tận Hồng Kông (Trung Quốc) để đóng phim “Cánh đồng ma”. Một chuyến đi công phu, tốn kém sang nước bạn để vào vai một y tá.
Khi lên phim, nhà văn nổi tiếng chỉ là một cái bóng trắng mờ đang khiêng cáng cứu thương. Sau vai diễn nhạt nhẽo đó, Nguyễn Tuân được mời vào vai có nhiều đất diễn hơn là vai Chánh tổng trong phim “Chị Dậu”.
Cùng thế hệ Nguyễn Tuân, nhà văn Kim Lân cũng là một gương mặt điện ảnh điển hình. Kim Lân từng góp mặt trong phim “Chị Dậu”, rồi phim “Vợ chồng A Phủ”. Những vai diễn trên đều nhận được sự khen ngợi từ các đạo diễn cải lương. Nhưng xuất thần nhất trong sự nghiệp diễn xuất của nhà văn này phải nói đến vai lão Hạc trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”.
Nuôi “mộng” lên phim
Chuyện đóng phim cũng được nhà văn Phạm Ngọc Tiến kể lại bằng một kỷ niệm “nhớ đời”. Từ dạo được mục kích 2 nhà văn “tiền bối” đóng phim, ông đã nuôi mộng một ngày nào đó mình được lên phim dẫu chỉ vài giây thì có chết cũng cam lòng. Ước mong đó của Phạm Ngọc Tiến được đạo diễn Quốc Trọng biến thành hiện thực vào dịp Tết 1998 trong phim ngắn - “Đêm hội làng năm ấy”.
Bộ phim này được phát sóng vào đúng giao thừa. Đạo diễn mời hẳn mấy nhà văn gồm: Phạm Ngọc Tiến, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Quang Lập, Phạm Xuân Nguyên vào vai các lý dịch tụ họp ở đình làng phân xử một vụ trai gái yêu nhau bị khép tội ngoại tình.
Cảnh quay có vài phút nhưng phải chuẩn bị mất gần buổi sáng. Các nhà văn xúng xính khăn xếp, áo the. Trời mùa đông lạnh run cầm cập nên các diễn viên liên tục sử dụng “đạo cụ” thuốc lá, thuốc lào, trà nóng và cả rượu mạnh. Chưa quay được “đúp” nào mà họa sĩ bối cảnh đã phải liên tục tiếp tế. Cả đám tính đánh bài chuồn nhưng bị đạo diễn Quốc Trọng phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Cứ tưởng đóng phim sung sướng thế nào, ai ngờ hết đạo diễn chỉ đạo lại bị họa sĩ quát tháo. Chưa kể lúc đang quay, mấy ông nhà văn còn chí chóe cãi nhau phải vung tay thế này, phải quẹt trầu thế nọ...
Diễn viên ho khù khụ vì lạnh và lảo đảo vì say trầu. Phải mất đến “đúp” thứ tám cái trường đoạn “lịch sử” này mới quay xong. Đạo diễn mặt mũi méo xệch chắp tay vái dài: “Con lạy các bố, từ giờ xin cạch đến già”.
Còn nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm trước khi nổi danh với “Bác sĩ Hoa Súng” đã từng tham gia đóng phim “Số đỏ” (vai chàng thi sĩ dở hơi suốt ngày mơ mộng nhưng viết ra toàn những vần thơ quảng cáo thuốc chữa hôi nách) và một vai diễn khác khiến khán giả ghét cay ghét đắng là gã nghiện hút, ham cờ bạc lại đánh vợ như két với nghề chính là dắt lợn đực đi phối giống thuê trong phim “Mảnh đời của Huệ”.
“Đắt show” điện ảnh nhất, tính đến nay trong làng văn chưa ai vượt qua cố nhà văn Tạ Nghi Lễ. Ông từng đóng các vai như linh mục Hiếu trong phim “Người đẹp Tây Đô”, ông giáo Tám trong phim “Trở lại vườn xưa”, Giáo sư Trần Văn Giàu trong phim “Những nẻo đường phù sa”, chủ hãng nước mắm Hải Hương trong phim “Hải Nguyệt”... Tính ra cũng phải tới 20 vai diễn, chưa kể ông còn đóng quảng cáo cho nhiều sản phẩm.
HƯƠNG LAN