Vở diễn phần nào cũng chính là cuộc đời thực của Bình Tinh. Dẫu gặp bao khó khăn, trắc trở cả về cuộc sống lẫn nghề nghiệp thì cô vẫn bám trụ cải lương đến cùng, thay cha mẹ gánh vác trọng trách nối nghiệp, gầy dựng lại đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long lừng lẫy.
Nhận xét về Bình Tinh trong đêm chung kết, giám khảo Ngọc Sơn đã nói: “Nghệ thuật cải lương tuồng cổ tưởng chừng như bị quên lãng đã được em làm “sống lại” với đầy lòng tự hào. Đúng là danh bất hư truyền, những người yêu cải lương, các thành viên của đoàn tuồng cổ Huỳnh Long cũng như cha mẹ em sẽ luôn hãnh diện về em”.
Bình Tinh sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật lâu đời, ông bà là bầu đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long lừng lẫy một thời. Cha cô là nghệ sĩ Đức Lợi còn mẹ là nghệ sĩ, soạn giả Bạch Mai nổi tiếng với những vở cải lương lịch sử ca ngợi tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc. Bình Tinh nổi tiếng từ khi còn bé, mới 4 tuổi đã bước chân lên sân khấu.
Kể từ đó, cô không chỉ được đánh giá là “thần đồng cải lương” của đoàn Đồng ấu Bạch Long mà còn nổi tiếng, được yêu khán giả cả nước yêu mến qua những vai diễn nhí trong hàng loạt băng video cải lương cũng như các vai diễn trên sân khấu. Bằng các vở Long Lân Quy Phụng, Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, Quan Công đại chiến Bàng Đức Na Tra… , cô ghi đậm dấu ấn trong lòng người xem.
Tuy nhiên, nổi tiếng khi còn quá nhỏ cũng là một điều thiệt thòi cho Bình Tinh. Khi cô trưởng thành thì nghệ thuật cải lương cũng lâm vào cảnh “suy thoái. Tuy vẫn đi diễn đều đặn để kiếm tiền nuôi gia đình nhưng Bình Tinh lại không có nhiều cơ hội xuất hiện trên truyền hình. Với Sao Nối Ngôi, cô chính thức được trở lại, tái ngộ công chúng màn ảnh nhỏ sau hơn 10 năm “vắng bóng”.
Bình Tinh nói: “Từ nhỏ, tôi đã quyết định sống chết với nghề này, chưa bao giờ có suy nghĩ đi làm bất kỳ một nghề nào khác dẫu gặp muôn vàn khó khăn, nhiều lúc nản chí nhưng vẫn cố bám trụ với nghề. Khi được mời tham gia chương trình, thật sự tôi biết đây là cơ hội lớn để mình được đến với khán giả nhưng thật sự tôi không nghĩ mình được quá nhiều tình cảm như vậy!”.
Với những tiết mục được đầu tư hoành tráng, dàn dựng kỹ lưỡng…, Bình Tinh đưa người xem đến với các cung bậc cảm xúc khác nhau từ bi thương, cảm động của tiết mục Tình phụ tử, Đứa con lai đến chất hùng tráng, ngời ngời lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước của Mặt trời đêm thế kỷ, Bão táp nguyên phong…
Không gói gọn trong bộ môn nghệ thuật cải lương, cô còn thử sức mình với nhạc dân ca, diễn hài (Yêu chàng Hai Lúa) hay hát nhạc đỏ, nhào lộn, múa võ (Liên khúc Em ở đầu sông em cuối sông - Hãy yên lòng mẹ ơi)… Và cuối cùng kết lại bằng Mãi còn niềm tin với cái nôi cải lương, đoàn tuồng cổ Huỳnh Long và sự yêu nghề, đam mê đến hơi thở cuối cùng.
Để được khán giả yêu thương, dân trong nghề đánh giá cao, chặng đường của một “sao nối ngôi” như Bình Tinh trong cuộc thi cũng không hề dễ dàng. Đó là mồ hôi của công sức tập luyện, là những giọt nước mắt hạnh phúc khi nhận được những con điểm 10 hay liên tiếp trong nhiều tuần đứng đứng nhất đêm thi về điểm của ban giám khảo cũng như sự bình chọn của khán giả truyền hình, hạnh phúc vì được cha nuôi - NSƯT Kim Tử Long hỗ trợ hết mình khi diễn cùng trên sân khấu.
Ngay cả với những tiết mục mà Kim Tử Long không phụ diễn, ông cũng là người dàn dựng, đạo diễn cải lương, thậm chí lo cả phần phục trang, đạo cụ để Bình Tinh có được một màn trình diễn tốt nhất. Thậm chí, khi cô tập luyện, tổng duyệt tiết mục, Kim Tử Long cũng có mặt để góp ý, chỉ dẫn cho tiết mục của con gái nuôi. Anh bỏ hết các show diễn trong và ngoài nước để đồng hành cùng cô trong suốt chương trình, chưa từng vắng mặt một tập nào.
Sao Nối Ngôi không chỉ là dịp hai cha con Kim Tử Long – Bình Tinh có dịp tỏa sáng mà còn là nơi cô gửi lời tri ân đến cha mẹ, đến NSƯT Vũ Linh, NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Hữu Quốc, NSƯT Hoài Linh và tập thể các cô chú của đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long…
Ngoài ra mồ hôi và nước mắt, sự thành công này còn có cả máu của Bình Tinh, trước khi bước vào đêm thi thứ 11, Bình Tinh đã bị thương ở chân, rách da, chảy máu trong lúc tập luyện. Tuy nhiên cô vẫn mặc vết thương, thậm chí bỏ ngoài tai lời khuyên can không nên đánh võ, đi gối, vừa bò, trườn vừa hát trong các tiết mục, Bình Tinh vẫn diễn hết mình trên sân khấu như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Thậm chí sau khi hoàn thành tiết mục Bão táp Nguyên Phong ở tập 12, ống quần của cô ướt đẫm máu đỏ, “máu” của một nghệ sĩ cải lương quên mình vì nghề, vì khán giả.
Có thể nói, chính vết thương nhuộm đỏ máu trên sân khấu này, đã tiếp một nguồn sức mạnh vô tận cho Bình Tinh, để cô bước vào đêm thi chung kết với một quyết tâm lớn. Đứng trên sân khấu, cô kể câu chuyện về cuộc đời mình, về một cô đào hát một lòng với nghệ thuật cải lương.
Bình Tinh nói: “Quán quân Sao Nối Ngôi là một phần thưởng rất lớn và ý nghĩa với tôi. Đó là cả một quá trình biến giấc mơ thành hiện thực. Từ lúc sinh ra đến bây giờ, tôi chưa từng nghĩ rằng mình sẽ làm một nghề nghiệp nào khác. Dẫu sự nghiệp có lúc thăng, lúc trầm nhưng Bình Tinh chưa bao giờ rời xa nghề hát. Phần thưởng này là vinh dự với sự nghiệp của tôi, điều mà tôi cảm thấy mình đạt được quá lớn qua cuộc thi đó là tình cảm của khán giả khắp mọi miền đất nước, là tình thương của các anh chị, cô bác đồng nghiệp. Tôi hạnh phúc vô cùng”.
Tiểu Quỳnh
Ảnh: DL Duy, Minh Hiếu
Nguồn: Người đưa tin
Nguồn: cailuongvietnam.com