Có chủ đề “Nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật sân khấu trong thời kỳ mới”, hội thảo là hoạt động do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang phối hợp tổ chức.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Nghệ sĩ ưu tú Trần Minh Ngọc nhận định: Sân khấu hiện đang khủng hoảng khán giả ở cả hai hình thức hoạt động gồm sân khấu công lập (Nhà nước) và xã hội hóa (tư nhân).
Sân khấu công lập hướng tới những đề tài nghiêm túc, ẩn chứa những chủ đề chính trị, triết lý, nhân văn, nhân loại. Sân khấu tư nhân chủ yếu hướng về những đề tài giải trí, hài, cười, qua các chủ đề đời thường, tình yêu tay ba hoặc những xung đột gia đình…
Cả hai hình thái sân khấu trong và ngoài công lập đều có chung một tình trạng khó khăn là vắng khách. Hội thảo lần này là dịp các nhà quản lý, lý luận cùng các tác giả,
đạo diễn cải lương,
diễn viên cải lương tìm kiếm, đưa ra các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật sân khấu, đưa sân khấu thoát khỏi khó khăn hiện nay.
Biểu diễn chào mừng hội thảo
Nghệ sĩ ưu tú Lê Chức cho rằng sân khấu hiện nay cứ như là người đang nằm ở khoa hồi sức cấp cứu. Sắp tới liên hoan sân khấu, lần đầu tiên, trong thông báo phát đi của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Lê Tiến Thọ đã buộc phải kêu gọi đổi mới nhưng chắc chắn là rất khó. Ngay bản thân ông đã được đào tạo đạo diễn sân khấu bài bản nhưng hiện nay không dám đi dựng nữa vì e ngại ông dựng cho đơn vị xã hội hóa, họ không bán vé được thì sẽ làm nặng gánh cho đơn vị sân khấu.
Nghệ sĩ ưu tú Trần Minh Ngọc đến từ TP Hồ Chí Minh
chỉ ra nhiều "căn bệnh" trầm kha của sân khấu
Tại hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sân khấu khủng hoảng như: Lạc hậu, chậm phát triển so với hiện thực đang thay đổi nhanh theo đà phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội.
Nhiều mâu thuẫn mới nảy sinh, thậm chí cả xung đột giữa các thế giới mới – cũ, trong khi đó sân khấu chúng ta chỉ quanh quẩn với các đề tài về quá khứ lịch sử, về đời sống hàng ngày với những mâu thuẫn cá nhân vụn vặt, đời thường…
Sân khấu chập chững bước vào thị trường cạnh tranh nhưng nhiều yếu, kém, ít hiểu biết về thị trường, mò mẫm làm mà không nắm được quy luật dẫn đến bế tắc. Sân khấu xã hội hóa phía Nam càng chạy theo một bộ phận khán giả, biến sân khấu thành một thứ nghệ thuật tiêu dùng, biến khán giả thành người thụ động, người chứng kiến những trò kinh dị, đồng tính, ma mị…
Khán giả không còn là người thẩm định những giá trị đích thực của sân khấu. Sân khấu không còn là chỗ dựa cho công tác phê bình. Giới phê bình lý luận cũng hoàn toàn bế tắc trước hiện trạng của sân khấu xã hội hóa…
Các ý kiến chỉ ra khá nhiều giải pháp cho sân khấu
Để đưa sân khấu thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, PGS.TS Trần Trí Trắc cho rằng cần đổi mới tổ chức nhân sự, sáng tạo tác phẩm, tiếp thị sản phẩm, nâng cao chất lượng biểu diễn. Cần có các nhà tài trợ biết kinh doanh để chăm lo lợi nhuận kinh tế và dành cho
nghệ sĩ lo toan lợi nhuận tinh thần. Nhà nước hỗ trợ nhưng vẫn đa dạng nhà tài trợ và tài trợ với những ràng buộc thông minh hơn cho dòng nghệ thuật chất lượng cao.
Với dòng tác phẩm phục vụ đại chúng phải sáng tạo hướng tới nhân dân, hòa vào cảm xúc thẩm mỹ của nhân dân, mang niềm vui, nỗi buồn của nhân dân để thành “văn nghệ dân gian” thời công nghiệp hóa, là “đồ ăn nhanh” nhưng không “ngộ độc”… Như thế không thể chỉ có lý luận cho tác phẩm đỉnh cao, tác phẩm đỉnh cao mà không có lý luận cho tác phẩm sân khấu đại chúng. Cần có lý luận phê bình đại chúng.
PGS.TS Phạm Duy Khuê cho rằng, sân khấu muốn thoát khỏi phải đổi mới từ cách thức tổ chức đến biểu diễn, quản lý. Riêng người làm sân khấu phải thay đổi cách cảm, cách nghĩ, cách nhìn nhận, phản biện và phản ánh mới đối với hiện thực cuộc sống, các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống.
Với sân khấu biểu diễn xiếc, NSND Vũ Mạnh Hợp đặc biệt nhấn mạnh, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, nhà quản lý, các đơn vị nghệ thuật xiếc cần đổi mới trong cách tiếp cận nguồn nhân lực tiềm năng trong xã hội, thu hút tạo điều kiện, đào tạo thành những tài năng cho ngành xiếc…
Hơn 30 tham luận, ý kiến đã được các đại biểu đóng góp tại hội thảo. Các đại biểu đã đóng góp nhiều giải pháp tích cực, cả về vĩ mô đến vi mô nhằm đổi mới hoạt động, đưa nghệ thuật sân khấu thoát khỏi khủng hoảng. Các ý kiến được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổng hợp, vừa phục vụ hoạt động chuyên môn vừa đóng góp ý kiến để cơ quan quản lý có những định hướng hoạt động phù hợp, hiệu quả nhằm phát triển nghệ thuật sân khấu trong thời gian tới.
Hoa Nguyễn / cand.com.vn
Nguồn: cailuongvietnam.com