- NSƯT Cẩm Tiên: “Cuộc đời không nên bon chen”
- Cẩm Tiên tặng 3 tấn gạo cho dân nghèo ở Tiền Giang
- NSƯT Cẩm Tiên thương cảm số phận người mù
- NSƯT Cẩm Tiên mở trường dạy ngoại ngữ
- Cẩm Tiên tích cực làm từ thiện
NSƯT Cẩm Tiên: “Cuộc đời không nên bon chen”
Cẩm Tiên tặng 3 tấn gạo cho dân nghèo ở Tiền Giang
NSƯT Cẩm Tiên: “Cuộc đời không nên bon chen”
Cẩm Tiên tặng 3 tấn gạo cho dân nghèo ở Tiền Giang
NSƯT Cẩm Tiên thương cảm số phận người mù
NSƯT Cẩm Tiên mở trường dạy ngoại ngữ
Cẩm Tiên tích cực làm từ thiện
Men theo lối nhỏ, Cẩm Tiên đưa tôi về lại căn nhà ngày xưa lúc cô mới từ huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh đến TP HCM lập nghiệp. Đó là căn nhà nhỏ nằm dưới chân cầu Phú Lâm, nơi đây khi xưa đầy rác, sình lầy. Cẩm Tiên cũng thường về thăm lại bà con chòm xóm ở đó. "Tôi đã sinh sống tại đây, căn nhà nhỏ đơn sơ nhưng chứa đầy tình thương. Ở đây, tôi đã tập tành ca diễn, được soạn giả Đăng Minh hết lòng chỉ dẫn. Tôi phấn đấu không ngừng để vươn tới mục đích, trở thành cô đào hát chuyên nghiệp" - NSƯT Cẩm Tiên tâm sự.
Đi lên từ nghèo khó
Không quên quá khứ, rất ngại thêu dệt cho bản thân khi đã nổi tiếng, chị kể về ước mơ ngày còn bé muốn được trở thành cô giáo. Theo nghề sư phạm là mục đích chính của Cẩm Tiên. Thế nhưng, nhờ có giọng ca, mê vọng cổ từ năm lên 6 tuổi nên đi theo nghề này lúc nào không biết. "Tôi từng chui vào sân vận động Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh để xem "cọp" mỗi khi có đoàn cải lương về biểu diễn. Tôi mê nghệ sĩ Minh Vương, Lệ Thủy nhưng đâu dám nghĩ một ngày mình sẽ được đứng trên sân khấu ca diễn bên cạnh thần tượng" - Cẩm Tiên cho hay.
"Giấc mơ làm đào hát nghe đơn giản nhưng lắm thăng trầm, dâu bể. Tôi chịu không ít cơ cực đắng cay. Có lẽ nhờ vậy mà tôi có được sự nhạy cảm, thâm nhập nhanh những số phận gần giống như cuộc đời quá cực nhọc của tôi" - chị miên man kể về đời nghệ sĩ của mình.
Cẩm Tiên cho biết có những lúc mỗi ngày chị chỉ dám ăn nửa gói mì cho qua cơn đói. Son phấn hóa trang thiếu thốn nên phải cạo vôi tường trộn nhọ nồi làm mực kẽ mắt. Trang phục mới không đủ tiền may, phải mua vải trả góp, trừ dần từng suất diễn, khi manh áo khoác cho các số phận nhân vật bị sờn rách, cũng là lúc chị trả hết nợ trang phục. Đi lên từ cuộc sống thiếu thốn nên Cẩm Tiên sống có tình. Ai trong đoàn hát cần đến sự giúp đỡ của chị, dù trong túi không còn nhiều tiền, Cẩm Tiên cũng san sẻ mà không toan tính. "Tôi nghĩ đơn giản là mình giúp người khác, Tổ nghề sẽ cho lại lộc" - Cẩm Tiên bộc bạch.
Hoạt động từ thiện quen thuộc của NSƯT Cẩm Tiên. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Nhờ nghị lực vượt khó và tấm lòng chân thành của mình, Cẩm Tiên luôn đong đầy tình thương yêu của đồng nghiệp và số đông khán giả. "Ngày ba tôi qua đời, nhiều đoàn khán giả ở các tỉnh đến viếng đám tang. Có những khán giả từ thời tôi mới chập chững vào nghề, mang theo hình ảnh chụp chung với tôi, để nhắc tôi nhớ giai đoạn hát trên sàn diễn đầu tiên ở Đoàn Cải lương Trung Hiếu. Tôi ứa nước mắt vì biết bà con khán giả thương mình xiết bao. Đúng như lời căn dặn của ba tôi khi con gái theo nghề hát: "Tiền con tiêu, cơm con ăn mỗi ngày đều là của khán giả. Sống không thể bạc với khán giả".
Tôi nghe theo lời của ba nên nhiều lúc bệnh nặng, sốt cao cũng không dám bỏ hát. Có suất hát khi cánh màn nhung khép lại cũng là lúc tôi ngã quỵ trên sàn diễn, được người nhà cấp tốc đưa vào bệnh viện cấp cứu. Tôi nhớ có lần đoàn đi hát ở các tỉnh miền Trung, gặp bão, trú trong rạp, không về được. Cảnh trí, phông màn tan hoang, bầu gánh khánh kiệt chỉ còn biết xin khoai lang của bà con trong vùng luộc cho anh em cầm hơi. Hồi đó, mới sắm được sợi dây chuyền vàng, tôi quyết định lột bán, mua gạo phụ giúp cho đoàn. Khi cơn bão qua, đoàn hát chắp vá cảnh trí, mở màn biểu diễn. Bà con đến xem không có tiền mua vé đổi bằng gạo, khoai lang, khoai mì. Vãn hát, đong đếm lại có đến gần 1 tấn nông sản. Mang ra chợ, anh chị em từ nghệ sĩ đến hậu đài chia nhau ngồi bán lấy tiền mua xăng, dầu đưa đoàn về TP HCM. Nghề hát của chúng tôi như vậy đó. Cực mà ấm áp tình thương" - NSƯT Cẩm Tiên kể trong xúc động.
Khán giả yêu mến Cẩm Tiên bởi giọng ca theo trường phái hơi dài, rõ chữ, độ ngân luyến độc đáo. Chị đã tạo cho vai diễn những cung bậc tình cảm sâu lắng nhờ vào sở trường này. Sự nghiệp nghệ thuật của Cẩm Tiên thành công nhờ một phần không kén bạn diễn, nhất là đối với nam nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ. Khôi Nguyên vọng cổ Minh Vương cho biết: "Tôi phát hiện ra khả năng nhập vai số phận bi thương của Cẩm Tiên từ sau vở "Tâm sự người đàn bà" của nhà văn Ngọc Linh. Khi đó, Lệ Thủy tách ra, theo đoàn hát khác. Đoàn Văn Công TP HCM (tiền thân của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang ngày nay) đã không lung lay khi Cẩm Tiên đủ sức thay thế. Từ đó, Cẩm Tiên diễn cặp với tôi trong nhiều vở tuồng khác; diễn cặp với cả Thanh Sang, Minh Phụng, Thanh Tuấn, Trọng Hữu…".
Miệt mài làm thiện nguyện
Theo NSND Kim Cương, Cẩm Tiên là nghệ sĩ làm nghề bằng cái tâm trong sáng. Bên sân khấu cải lương, sau Lệ Thủy có lẽ Cẩm Tiên là người phát tâm nhiều chuyến đi từ thiện, trao tặng quà, lương thực, thực phẩm cho người nghèo, những mảnh đời bất hạnh.
Còn NSND Lệ Thủy thì gọi "yêu" cô đào trẻ mà bà thương mến: "Cẩm Tiên được chị em bạn trong giới làm công tác xã hội gọi là "người bao đồng". Thương lắm, nửa khuya ai bệnh, ai đau trong giới sân khấu, lập tức có Cẩm Tiên. Với tôi, cô là người bao đồng hữu ích".
Cẩm Tiên cho biết hiện nay lịch diễn của chị song song với lịch làm công tác xã hội. "Nơi nào cần thì tôi và các bạn hữu lại tìm đến. Hạnh phúc nhất là đi tới đâu bà con cũng nhắc đến các vở tuồng tôi đã diễn như: "Trên đỉnh yêu thương", "Hãy gọi nhau là cố nhân", "Tâm sự người đàn bà", "Lệnh truy nã", "Ánh sáng tình yêu"… - NSƯT Cẩm Tiên mở lòng.
Là người con của Tây Ninh thành danh, chị không ngoảnh mặt với vùng đất đã nuôi mình khôn lớn. Chị từng nhiều lần tham gia biểu diễn tình nguyện trong các chương trình hoạt động có tính chất nhân đạo từ thiện, hướng tới người nghèo, nạn nhân chất độc da cam… ở Tây Ninh. Chị cho biết: "Sắp tới sẽ tiếp tục làm một chương trình gây quỹ cứu trợ những nạn nhân chất độc da cam tại quê nhà".
Làm công tác từ thiện với Cẩm Tiên giống như nghiện, cứ làm là lao vào và hết mình. "Tôi đi lên từ trong gian khó, nếm đủ mùi cơ cực. Tôi hiểu thế nào là sự san sẻ. Sàn diễn cải lương đang gặp khó khăn. Nghe anh Minh Vương mời làm lại sân khấu vàng với chị Lệ Thủy, để gây quỹ từ thiện là tôi vui lắm. Sau thế hệ của anh chị, tôi và các bạn đồng nghiệp sẽ đảm đương trách nhiệm này. Trước mắt sẽ cùng Minh Vương diễn một suất kỷ niệm 60 năm đời ca hát của anh tại Nhà hát VOH trong thời gian tới. Tôi và anh sẽ ca diễn những vai tuồng mới, cùng với chị Lệ Thủy và thế hệ diễn viên cải lương chuông vàng vọng cổ" - NSƯT Cẩm Tiên nói.
Vinh dự lớn
Chồng của NSƯT Cẩm Tiên là nhà doanh nghiệp, định cư tại Canada, luôn đồng hành cùng vợ. Dù bận rộn với công việc kinh doanh nhưng mỗi khi có dịp lại về quê hương làm công tác thiện nguyện với vợ. "Vợ chồng tôi đều đi lên trong gian khó, từ hai bàn tay trắng lập nghiệp nên phải dốc sức để giúp đỡ, san sẻ lại những gì được hưởng. Vừa qua, Cẩm Tiên sang Mỹ lưu diễn đã nhận được bằng khen của Hội Thương mại Việt - Mỹ trao tặng vì những đóng góp của chị trong suốt quá trình hoạt động văn hóa nghệ thuật, hoạt động thiện nguyện xã hội và kết nối thương mại, văn hóa giữa Việt Nam và Mỹ. "Đối với tôi, đây là vinh dự lớn vì một nghệ sĩ sân khấu cải lương đầu tiên của Việt Nam được một tổ chức thuộc chính phủ Mỹ trao bằng khen" - NSƯT Cẩm Tiên cho biết.
Thanh Hiệp
Nguồn: nld.com.vn