“Sầu nữ” ơi...!
Vĩnh biệt giọng ca được mệnh danh là “sầu nữ” của sân khấu cải lương. Cuộc đời và giọng hát của bà như vận vào nhau
Hàng ngàn khán giả mộ điệu và nghệ sĩ nhiều thế hệ đã khóc thương vì sự ra đi của nữ danh ca Út Bạch Lan, được mệnh danh là “sầu nữ” của sân khấu cải lương Nam Bộ từ nhiều thập niên qua.
Từ cô bé hát rong thành nghệ sĩ lớn
Căn bệnh ung thư gan quái ác ập đến ở tuổi 82 khiến bà không đủ sức chống đỡ được lâu. “Út sắp được về bên má của Út rồi, mọi việc đến và đi nhẹ nhàng lắm. Nhìn lại cõi đời mà Út đã đi qua, không có gì hối tiếc vì đã sống hạnh phúc với niềm đam mê của mình” - NSƯT Út Bạch Lan tâm sự khi bệnh tình nặng hơn.
Thuở đầu khởi nghiệp, bà cùng danh cầm Văn Vĩ đã tạo nên mối lương duyên với sân khấu cải lương chuyên nghiệp để cả hai sau này một người trở thành danh ca, còn người kia trở thành danh cầm.
Nghệ sĩ Năm Cần Thơ là người phát hiện ra giọng ca trầm ấm, trữ tình của bà nên tìm đến chợ Bàu Sen, nơi hai người đi hát rong kiếm sống, để mời về đài phát thanh Pháp Á thu bài “Trọng Thủy - Mỵ Châu”. Sau đó, bà được đài ký hợp đồng làm việc cho đài với nghệ danh Bạch Lan. Để nhớ tên mẹ đã đặt, bà đã xin nhà đài gắn tên Út vào, từ đó chính thức bước vào nghề hát với nghệ danh Út Bạch Lan.
Từ cô bé hát rong thuở nào nơi vỉa hè góc chợ, bà đứng trên sân khấu và tỏa sáng rực rỡ. Giữa thập niên 1950, “sầu nữ” Út Bạch Lan bắt đầu được báo chí và khán giả chú ý qua vở cải lương “Đồ Bàn di hận” trên sân khấu Thanh Minh. Cặp diễn viên Út Bạch Lan - Thành Được đã làm rạng rỡ sân khấu Kim Chưởng. Bà cùng nghệ sĩ Thành Được làm nên thương hiệu của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga. Sau đó, bà lập đoàn hát Tân Hoa Lan.
Bà là tấm gương không ngừng khổ luyện trong diễn xuất, trau chuốt kỹ thuật ca ngâm để những vai diễn của mình luôn được mới mẻ, đầy sáng tạo. NSƯT Út Bạch Lan đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả qua các vở diễn: “Dưới hàng phượng vĩ”, “Nước mắt kẻ sang Tần”, “Tình cô gái Huế”, “Thuyền ra cửa biển”, “Thần nữ dâng ngũ linh kỳ”, “Nước chảy qua cầu”, “Biên Thùy nổi sóng”, “Tình tráng sĩ”, “Nhớ rừng”...
Thành công nối tiếp thành công, bà được các hãng đĩa tranh nhau mời thu thanh đĩa đơn, đĩa tuồng, đa dạng từ đề tài xã hội, cổ tích, lịch sử Việt Nam đến Trung Hoa, Tây, Nhật... với số lượng nhiều nhất so với những danh ca khác. Chị Hằng (vở “Con gái chị Hằng” của Hà Triều - Hoa Phượng) là vai diễn “vàng” giúp bà đạt tới đỉnh vinh quang.
Hơn 60 năm gắn bó với nghề, Út Bạch Lan là nữ danh ca có nhiều vai diễn để đời, được báo giới và công chúng đặt cho nhiều biệt danh như: “Đệ nhất đào thương”, “Nữ hoàng vọng cổ”, “Vương nữ sương chiều”, “Sầu nữ Út Bạch Lan”. Trong đó, biệt danh “sầu nữ” là đúng nhất. “Nhớ có lần má tôi - NSND Bảy Nam - nói: “Hễ nghe vọng cổ mà khóc thì tìm Út Bạch Lan, trong cái sầu não, bi thương có sự chia sẻ”. Đúng như vậy, công chúng sẽ không bao giờ quên chất giọng ngọt lịm mang nhiều ưu tư nhưng không quá bi lụy của chị” - NSND Kim Cương nói.
Bà là nữ danh ca thể hiện xuất sắc hàng trăm vai đào thương, cộng thêm vô số nhân vật người mẹ, già hơn tuổi đời của bà mà ấn tượng nhất là những số phận phụ nữ truân chuyên, bất hạnh. Điển hình như: Cô The (“Nửa đời hương phấn”), cô Hằng (“Con gái chị Hằng”), bà vú (“Tấm lòng của biển”)..., tất cả đều được đúc kết từ hình ảnh của người đã sinh thành ra bà.
Diễn hàng trăm vai tuồng, trải qua gần 20 đoàn hát, có lúc bà còn làm cả công tác quản lý nhưng ở vai trò nào và ở đoàn hát nào, bà đều làm tốt trách nhiệm của mình. Út Bạch Lan may mắn có được nhiều người thầy giỏi, lại chịu học hỏi nên nhanh chóng lĩnh hội những bài học hay. “Cô Út hiểu hơn ai hết, nghề diễn viên mênh mông như biển rộng, nếu người nghệ sĩ nản tay chèo thì khó mà trưởng thành. Đối với cô Út, bao giờ bà cũng đặt mình trong tâm thế thiếu để nuôi cho no đầy cảm xúc trước khi nhận vai tuồng mới” - nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành Huỳnh Công Minh - người gắn bó với “sầu nữ” từ lúc bà con trẻ - chia sẻ.
“Hoa Lan trắng” vẫn ngát hương
Cách đây 2 năm, một ngôi chùa khá lớn ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã xây hẳn ngôi mộ có kim tỉnh để chuẩn bị hậu sự cho “sầu nữ”. Khi thầy trụ trì báo tin sẽ tặng ngôi mộ đó cho bà, “sầu nữ” Út Bạch Lan đã từ chối chỉ với một lý do: “Cả đời bôn ba theo nghề hát, khi qua đời, Út chỉ mong được về với mẹ nên hãy hỏa táng cho Út, sau đó đặt tro cốt ở chùa Xá Lợi bên cạnh ông bà nội, ngoại và mẹ”.
Tất cả những nghệ sĩ đến viếng tang lễ của “sầu nữ” Út Bạch Lan đều xúc động khi nghe lại bài ca cổ “Hoa Lan trắng” mà soạn giả - NSND Viễn Châu đã sáng tác tặng riêng bà. Ở đó, khái quát cuộc đời của bà với cay đắng, ngọt bùi, những vinh nhục nhưng cánh hoa lan trắng vẫn kiêu hãnh tỏa hương.
Những năm tuổi già, kinh tế gia đình khó khăn nhưng 2/3 cuộc đời còn lại của bà chỉ dành cho công tác thiện nguyện. Bước chân của bà cùng với nghệ sĩ trẻ ở 2 CLB sân khấu: Lạc Long Quân và Hoa Lan Trắng đã đến khắp nơi, đem những món quà từ vật chất đến tinh thần để xoa dịu bớt nỗi bất hạnh của nhiều hoàn cảnh khó khăn. “Sau mỗi chuyến đi, má Út vui và phấn khởi hẳn, rồi tự lên kế hoạch cho những chuyến đi mới. Nơi nào đến, má cũng ca bài “Hoa Lan trắng”, rồi “Lan và Điệp”. Sau này, má còn tham gia diễn trích đoạn với CLB Sân khấu Lạc Long Quân. Má nói phải diễn vai bà mẹ để nhớ về bà ngoại, người mà má sắp được gặp lại ở suối vàng, sau tháng ngày rong chơi với nghệ thuật” - nghệ sĩ Tô Châu kể.
Ngày 24-10 là suất tập cuối cùng của NSƯT Út Bạch Lan tại rạp Công Nhân, chuẩn bị diễn vở “Mẹ ngồi sàng gạo” (kịch bản: NSƯT Bắc Sơn). Nhưng đến tối 27-10, gia đình báo tin bà không thể tham gia vì căn bệnh ung thư gan đã trở nặng, nghệ sĩ Cao Mỹ Châu (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) thay thế bà thể hiện vai người mẹ trong vở diễn này. Đây là vở diễn nhằm gây quỹ trao học bổng cho con em nghệ sĩ nghèo và công nhân sân khấu gặp hoàn cảnh khó khăn.
Theo NSND Kim Cương, đáng nể ở Út Bạch Lan là sự vượt khó của bà, một nghệ sĩ đi lên từ trong nghèo khó. “Điều đọng lại cuối cùng của chị với cuộc đời này là nhân cách của một nghệ sĩ cống hiến trọn vẹn cho nghề đến hơi thở cuối cùng” - NSND Kim Cương nhận xét.
XEM THÊM HÌNH ẢNH VÀ BÀI VỞ VỀ ĐÁM TANG CÔ ÚT TẠI ĐÂY