Nguyện trọn đời cho âm nhạc dân tộc “Nếu được, tôi tình nguyện dùng cả cuộc đời mình làm công tác tuyên truyền, giữ gìn, bảo tồn và phát triển âm nhạc dân tộc”- Trần Văn Quang khẳng định chắc nịch như vậy trong một bức tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề xuất đưa âm nhạc dân tộc vào trường học. Đọc bức tâm thư này mới thấy hết những trăn trở, tâm huyết của chàng trai sinh năm 1993. Quang lập luận rằng: Có biết thì mới có hiểu, có hiểu mới có thương, có thương mới học, mới giữ gìn và bảo tồn, phát triển âm nhạc dân tộc. Dù hơn 1 năm trôi qua, chưa có thư hồi âm song Quang vui vì đã mạnh dạn nói lên suy nghĩ và tiếng lòng của mình.
Trần Văn Quang nhận hỗ trợ nhạc cụ cho CLB Đờn ca tài tử Liên chi hội sinh viên Bạc Liêu. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH
Mới đây, Trần Văn Quang lại viết đề án tham dự cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục” do Trung ương Đoàn phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức. Những trang viết của Quang không chỉ là đề án mà còn là sự trải lòng, góp tiếng nói cho chuyện dạy học âm nhạc dân tộc. Những giải pháp của Quang đưa ra dù không quá nặng tính lý luận, song có tính khả thi cao. Ví như Quang cho rằng, cấp Mẫu giáo các bé sẽ được nghe những làn điệu, bài bản, âm thanh các nhạc cụ dân tộc; cấp Tiểu học thì được giới thiệu về âm nhạc dân tộc và trình diễn các nhạc cụ dân tộc, một số bài bản nhập môn… “Mưa dầm thấm lâu”, tuổi trẻ Việt Nam sẽ tiếp xúc và yêu quý âm nhạc dân tộc bằng con đường này.
Quang tâm sự, sinh ra và lớn lên trên quê hương bản Dạ cổ hoài lang, từ nhỏ đã được nghe bà, cha mẹ hát đờn ca tài tử nên tình yêu Ngũ cung trong anh cũng lớn dần. Căn phòng trọ trong hẻm 15, đường Trần Văn Hoài, quận Ninh Kiều của Quang có cây đờn tranh để nơi trang trọng. Anh mày mò học, rảnh lại mang ra so dây chỉnh phím. Tiếng đờn tuy chưa thuần thục nhưng nhìn cách Quang thả lòng theo cung nhạc, tiếng đờn ấy lại thu hút lạ kỳ. Quang cười hiền, mắt long lanh trong đôi kính cận: “Không biết làm sao mà em mê đờn ca tài tử dữ thần vậy?”.
“Chuyện lạ” của Quang
3 năm liền, Liên chi hội sinh viên Bạc Liêu tại Trường Đại học Tây Đô luôn có những sự kiện rất hay như “Solo cùng vọng cổ”; giao lưu với diễn giả về đờn ca tài tử; đêm nghệ thuật “Cội nguồn hình thành đờn ca tài tử và sân khấu cải lương Nam bộ”… Khách mời của những chương trình ấy đều là những tên tuổi của âm nhạc truyền thống Nam bộ hiện nay như NSND Bạch Tuyết, NSND- nhạc sĩ Thanh Hải, NSƯT Huỳnh Khải, NSƯT Hải Phượng, cùng các nghệ sĩ trẻ như Ngọc Đợi, Ngọc Quyền, Lâm Ngọc Hoa… Nhiều người không nghĩ chương trình “cây nhà lá vườn” sẽ mời được các nghệ sĩ ấy. Nhưng Quang đã làm được. Bởi vậy, bạn bè gọi đó là “chuyện lạ” của Quang.
Chúng tôi có dịp dự khán những chương trình ấy, đã nhìn thấy NSND Bạch Tuyết tay cầm micro, sân khấu chỉ là hội trường nhưng hóa thân thành Lục Vân Tiên, hào hứng với vai tuồng. Đã nhìn thấy những tâm huyết của NSƯT Huỳnh Khải, NSƯT Hải Phượng khi kể cho giới trẻ nghe về cội nguồn và nét đẹp của đờn ca tài tử Nam bộ. NSƯT Huỳnh Khải nói rằng, rất bất ngờ khi những sinh viên đất Tây Đô lại tổ chức được chương trình như thế. Đó không chỉ là buổi nói chuyện mà còn là niềm tin về sự trường tồn của đờn ca tài tử.
Kể về “chuyện lạ” đã làm, Quang cười: “Làm bằng tấm lòng thì dễ lắm!”. Anh lần tìm cách liên lạc với những nghệ sĩ, trực tiếp trao đổi, nói về dự định của mình. Dĩ nhiên, trước tấm lòng như thế thì những nghệ sĩ tâm huyết ấy khó lòng chối từ. Các nghệ sĩ ấy khi chia tay Quang còn dặn rằng, cần gì cứ gọi điện, các cô chú sẽ xuống hỗ trợ. Họ trân quý tấm lòng yêu âm nhạc dân tộc của sinh viên 9X.
Trần Văn Quang còn là chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử thuộc Liên chi hội sinh viên Bạc Liêu, được UBND tỉnh Bạc Liêu hỗ trợ 20 triệu đồng mua nhạc cụ. Nhiều thành viên trong CLB hay ghẹo Quang rằng: “Anh ca không hay, anh đàn nghe cũng dở”, nhưng vị trí chủ nhiệm thì anh xứng đáng nhất. Bởi lẽ, ở Quang có tình yêu nghệ thuật, có tâm huyết với đờn ca tài tử và có sức gắn kết anh em cùng ngồi chung trong chiếu đờn ca. Đó là điều quan trọng nhất.
ĐĂNG HUỲNH
Nguồn: cailuongvietnam.com