Bà Năm Sa Đéc tên thật là Nguyễn Kim Chung, con thứ năm của ông bầu gánh hát bội Nguyễn Duy Tam, thập niên 20 lúc ấy phong trào hát bội còn tương đối thịnh hành, dù chỉ ở các rạp nhỏ hay hát cúng kỳ yên ở các đình làng. Lúc 7, 8 tuổi, bà đã theo gánh hát bội của thân phụ diễn khắp các vùng quê nghèo ở miền Nam. Bà đã chứng kiến những buổi tập tuồng nghiêm khắc của thân phụ bà, vì ông bầu vừa là thầy tuồng, vừa là đạo diễn cải lương mà phong cách diễn xuất, xướng âm của hát bội Tân Đông Ban của thân phụ bà trình diễn bất cứ nơi nào cũng được ban hội tề làng và khán giả địa phương khen ngợi. Bà Năm Sa Đéc đã mang dòng máu nghệ sĩ của người cha, lại nhiễm phong cách hát xướng của các nghệ sĩ từ lúc nhỏ cho nên khi trưởng thành, bà nghiễm nhiên trở thành một diễn viên thanh sắc lưỡng toàn của sân khấu hát bội lúc bấy giờ. Gánh hát bội Tân Đông Ban từ lúc có nữ diễn viên Năm Sa Đéc hát chính, bỗng tiếng tăm vang dội khắp vùng, nơi nào cũng muốn mời cho được gánh hát Tân Đông Ban về trình diễn. Từ nhan sắc đến bộ diễn của nữ nghệ sĩ hát bội Năm Sa Đéc đã chinh phục lòng khán giả từ miền quê ra tới tỉnh thành.
Đến khi ông bầu Nguyễn Duy Tam qua đời thì gánh Tân Đông Ban cũng rã theo, sau khi thọ tang cha xong, nữ nghệ sĩ Năm Sa Đéc gia nhập gánh hát bội Phước Thắng của bà bầu Ba Ngoạn. Phước Thắng là một gánh hát bội lớn nhất vùng Chợ Lớn, trình diễn thường trực tại rạp Palikao với những vở tuồng trích từ truyện Tàu như : Triệu Tử đoạt ấu chúa, Huê Dung đạo, Tam chiến Lữ Bố, Hoàng Phi Hổ Quy Châu, Phàn Lê Huê phá Hồng Thủy Trận, Tổng Tửu Đơn Hùng Tín, Lưu Kim Đính hạ sang … và nữ diễn viên Năm Sa Đéc đã làm say mê khách mộ điệu khắp vùng Chợ Lớn, Sài Gòn và cả những miền phụ cận. Khoảng đầu thập niên 30, một loạt các đoàn cải lương lần lượt ra đời, với tầm mức quy mô và phong cách trình diễn hoàn toàn mới lạ, thu hút khán giả thật đông đảo, đẩy các gánh hát bội về các vùng quê hẻo lánh, hoặc tan rã dần dần. Các đoàn cải lương ra đời lúc bấy giờ như : Đồng Bào Nam, Huỳnh Kỳ, Bầu Bòn, Song Phụng, Trần Đắc, Tân Hí Ban, Tái Đồng Ban, Kỳ Lân Bang, Tân Phước Ban v.v… và những soạn giả đầu tiên viết tuồng cho các sân khấu ấy gồm có: Trương Duy Toản, Đào Châu, Mộc Quán, Nguyễn Trọng Quyền, Trần Phong Sắc, Ngô Vĩnh Khang, Mộng Vân … Đồng thời một loạt nghệ sĩ cải lương xuất hiện, bên nữ có: Hai Cúc, Năm Phỉ, Phùng Há, Tư Sạn, Hai Xiêm, Ba Hai, Mười Nhàn, Bảy Ngọc, Hai Phụng, Tư Mão v.v… Bên nam có : Hải Giỏi, Bảy Cam, Tám Thông, Năm Châu, Tư Chơi, Tám Mẹo, Tư Út, Ba Vân, Ba Du, Hai Bông, Năm Long, Tư Thạch …
Phong trào cải lương như một luồng gió mạnh, tỏa rộng khắp tỉnh miền Nam, dần dần lan rộng ra tới miền Trung, miền Bắc, nơi nào khán giả cũng yêu thích cải lương. Nữ nghệ sĩ hát bội Năm Sa Đéc đành phải chuyển sang hát cải lương và bà đã diễn trên các sân khấu Trần Đắc, Bầu Bòn, Huỳnh Kỳ, Song Phụng với các vai nữ võ tướng rất thành công. Bà đã theo đuổi nghiệp diễn sân khấu đến những năm lớn tuổi và là người chuyên thủ diễn vai bà mẹ. Có lẽ, vì vậy bà đã tham gia đóng nhiều vai bà mẹ trên phim.
Khoảng năm 1971 phim Lệ Đá trình chiếu. Bà Năm Sa Đéc xuất hiện trong phim và khán giả la ó lên: “Tại sao bà Năm Sa Đéc nói tiếng Bắc”? Thật ra người ta đâu có lạ gì tiếng nói rặt Nam Kỳ của bà Năm. Sở dĩ có như vậy là do kỹ thuật chuyển âm thu tiếng Bắc thay thế. Do bởi Thanh Lan nói giọng Bắc thì dĩ nhiên bà mẹ cũng nói tiếng Bắc luôn vậy!
Sau một cuộc hôn nhân tan vỡ, năm 40 tuổi, nữ nghệ sĩ Năm Sa Đéc chính thức kết hôn với nhà khảo cổ Vương Hồng Sển, một học giả tiếng tăm của miền Nam, quê ở Sóc Trăng, ông viết nhiều sách về văn học, về khảo cứu rất có giá trị. Mối tình già gắn bó keo sơn hơn 40 năm để lại nhiều giai thoại rất đẹp về cuộc đời tình cảm của hai người.
Bà mất năm 81 tuổi, để lại trong lòng cụ Vương Hồng Sển là một niềm cảm thương sâu lắng.
Cụ đã đưa thi hài của người vợ thân yêu về chôn cất nơi quê hương của bà ở Tân Đông, Sa Đéc. Sau đó cụ Vương Hồng Sển có ghi lại bài điếu văn của thi sĩ thân hữu đọc trong lễ an táng nữ nghệ sĩ Năm Sa Đéc, đã đóng góp một thời gian dài cho nghệ thuật sân khấu, từ hát bội sang qua lĩnh vực cải lương và kịch, luôn cả phim ảnh.
LQTT (TH)
Nguồn: cailuongvietnam.com