Cuốn sách như bộ phim âm bản mở đầu qua cảnh một đêm khuya vắng lặng ở thành phố Atlanta (Mỹ), nơi nhân vật chính - nghệ sĩ Mỹ Châu - trằn trọc, khẽ khàng lui tới trong nhà, tự đếm những bước chân của mình. Trong khung cảnh ấy, những hồi ức, nhớ nhung của cuộc đời một cô đào hát vang bóng một thời được tái hiện.
|
Bìa sách "Châu, chút tạ tình tri âm". |
Nghệ sĩ kể câu chuyện đời mình bằng giọng văn thủ thỉ, tâm tình, như thể dẫn người đọc cùng bà trở về ngồi giữa sông nước mây trời miền Tây, lắng nghe ngôi sao nhí Mỹ Châu cất vang giọng ngân bài vọng cổ thắm đượm tình quê. Cô bé ấy tỏa sáng ở quê nhà từ năm bảy tuổi, 14 tuổi làm đào chánh ở Sài Gòn, 17 tuổi gần như trở thành triệu phú khi có thể sắm xe hơi, xây nhà lầu dễ như chơi cũng nhờ danh vọng từ nghề hát. Không chỉ tập trung vào cận cảnh cuộc đời nghệ sĩ Mỹ Châu, sách còn giúp người đọc hình dung những lát cắt về sân khấu cải lương đầy thăng trầm qua hồi ức về những tên tuổi quen thuộc như nghệ sĩ Út Bạch Lan, Thành Được, Minh Cảnh, Hùng Cường, Minh Phụng, Thanh Tuấn...
* Trích đoạn tân cổ 'Em có buồn không em' - Mỹ Châu, Minh Phụng
"Câu chuyện trường thiên về một thời khi cải lương là nguồn sống tinh thần của hàng triệu dân Việt từ nơi phố thị đến chốn thôn quê. Câu chuyện buồn vui theo vận nước tình người nổi trôi mà Mỹ Châu đã dịu dàng kể lại với tôi. Tôi thấy mình bất lực khi muốn dùng chữ nghĩa để diễn tả”, tác giả Thanh Thủy - người chấp bút cuốn sách - chia sẻ.
Nghệ sĩ Mỹ Châu, tên thật là Nguyễn Thị Mỹ Châu, sinh năm 1950 tại Thủ Thừa, Long An. Với chất giọng trầm đặc biệt, vẻ đẹp đậm chất Á Đông, bà được mệnh danh là ngôi sao của thế hệ vàng cải lương Việt Nam, cùng thời nghệ sĩ Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Phượng Liên, Minh Vương,… Mỹ Châu bước chân vào làng sân khấu từ năm 11 tuổi qua các đoàn như Tiếng Chuông, Út Bạch Lan - Thành Được, Thủ Đô, Kim Chung 1 và 2, Thái Dương, Thanh Nga, Hương Biển... Bà nổi tiếng qua các vở tuồng như: Hai lần thu hẹn, Trinh nữ lầu xanh, Khi rừng mới sang thu, Kiếp nào có yêu nhau, Bên cầu dệt lụa, Tiếng trống Mê Linh, Khách sạn hào hoa...Mỹ Châu từng diễn chung với Minh Cảnh, Thành Được, Minh Phụng, Minh Vương...
|
Nghệ sĩ Mỹ Châu thời trẻ. |
Sau năm 2002, nghệ sĩ Mỹ Châu sang Mỹ để đoàn tụ với gia đình (chồng bà là nghệ sĩ Đức Minh đã sang Mỹ từ trước). Bà sống tại tiểu bang Georgia và từ chối mọi lời mời đi hát. Trước khi ra đi, Mỹ Châu tạm biệt khán giả qua hai vở tuồng gây tiếng vang là Võ Tắc Thiên (sân khấu) và Tơ Vương Sầu Ly Biệt(Hãng phim Tây Đô). Bà nhận Huy chương vàng triển vọng Thanh Tâm vào năm 1967, danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú vào năm 1993. Huy chương Vì sự nghiệp sân khấu Việt Nam 1999.
An Sơn
Những ngày chập chững vào đoàn hát, người ta sợ giọng ca của chị sẽ lấn lướt các ngôi sao đương thời, nên mỗi lần phát rôn tuồng lại cắt hết phần ca, chỉ để lại phần thoại và ngâm thơ. Không ngờ chính điều này đã tạo nên một cô đào chuyên ca vọng cổ chữ trắc, không xài vần bằng quen thuộc.
|
Nghệ sĩ Mỹ Châu. |
Thật ra hồi nhỏ, Mỹ Châu không hề có ý niệm gì về nghệ thuật. Nhưng mẹ cô lại mê hát như điếu đổ, bất kỳ gánh hát nào về làng bà cũng đi coi cho bằng được. Bất ngờ gặp một ông bầu cải lương, Mỹ Châu nghỉ học đi hát cho mẹ vui lòng. Con đường vào nghề bất đắc dĩ như thế, nên khi nổi danh rồi, Mỹ Châu vẫn giữ một khoảng cách nào đó cho mình. Người phụ nữ tuổi Canh Dần thừa nhận mình gai góc, nhưng không thể đánh đổi cá tính lấy sự trơn tru của sự nghiệp, hoặc sự dễ dãi trong sinh hoạt. Chị nói: "Tôi không thích đùa giỡn với nghệ thuật, nhiễm thói cờ bạc thâu đêm suốt sáng. Đời nghệ sĩ lang bạt kỳ hồ, dễ nhiễm thói xấu lắm. Còn trong đối xử với nhau, nếu đáng kính trọng thì một anh hậu đài tôi cũng kính trọng, bằng không, thà mích lòng còn hơn chịu cong lưng".
Chị kể: "Có lần, hai khán giả Việt kiều về nước, mời tôi đi ăn nhà hàng nhưng tôi lại đề nghị món bánh xèo bình dân khiến họ... trố mắt. Tụi tôi đã trèo lên xích lô dạo quanh phố phường không cần xe hơi hay taxi. Từ xưa tới nay, tôi luôn tự tay hồi âm thư của khán giả gửi đến chứ không nhờ ai viết giùm cả. Và điện thoại, nếu có ở nhà là tôi bắt máy, không né tránh khán giả. Phải trân trọng lòng ái mộ của người xem. Bởi vinh quang rồi cũng có lúc tắt, cái còn đọng lại là tình cảm với nhau".
6 năm nay, chị không xuất hiện trên sân khấu. Dường như chị cảm thấy không tìm được chỗ thích hợp cho giọng và nét diễn của mình. Quay video thì thỉnh thoảng, nhưng sự vội vàng, chắp nối, thiếu nghiêm túc cũng làm chị nản. Chị quay về cộng tác với Đài Truyền hình Cần Thơ trong vai trò đạo diễn cải lương, vì ở đó có sự tin cậy, chăm chút, không chia ê kíp này nọ, đạo diễn có quyền chọn người đúng vai, đúng tính cách.
Mỹ Châu là người ưa sống trong hoài niệm, giữ gìn truyền thống. Mái tóc dài tới thắt lưng không hề thay đổi, trang phục màu tối, nhã nhặn và một căn nhà gần 30 năm ấp ủ mẹ con, anh chị em, không tách riêng, không dời đổi, sang bán gì hết. Chị giải thích: "Tôi thích món ăn nào thì ăn hoài món đó, thích quán nào ngồi chết luôn quán đó. Còn đi hát dù khuya tới đâu, sáng đúng 6 giờ là thức dậy. Đào kép sợ nhất buổi sáng ca không có hơi, nhưng mình cứ tới phòng thu làm liền tù tì mấy bản".
(Theo Thanh Niên)
Nguồn: cailuongvietnam.com