Đông đảo khán giả Bạc Liêu đến thưởng thức, cổ vũ cho cuộc thi. Ảnh: H.T
RỦ NHAU COI CẢI LƯƠNG
Từ sự yêu thích cải lương, lại là lần đầu tiên cuộc thi này được đăng cai ở tỉnh nhà, từ những lời mời mọc của bạn bè, những thông tin loan truyền qua các pa-nô, áp-phích treo dọc các tuyến đường, và cả cảm giác muốn trải nghiệm việc đi coi hát ở Nhà hát Cao Văn Lầu (Nhà hát 3 nón lá), một công trình văn hóa lớn của Bạc Liêu... Bằng những “kênh” như thế, nhiều khán giả Bạc Liêu đã đến với cuộc thi! Nghĩa là có người đến với cuộc thi cho thỏa đam mê, nhưng có người đến chỉ để thử cảm giác đi coi hát ở trong rạp - một rạp hát lần đầu tiên được đầu tư xây dựng quy mô, chuyên nghiệp…, dù từ “động cơ” nào thì ai đã đến với cuộc thi đều cảm nhận được thế nào là “sống” cùng sân khấu để chạm đến những giá trị đích thực của loại hình nghệ thuật này.
Thanh Thoảng, lớp NV6 - Trường đại học Bạc Liêu đã có mặt cùng cuộc thi ngay đêm khai mạc. Những cảm xúc thật bật ra từ hình tượng người mẹ giàu lòng nhân từ và độ lượng trong vở “Quê hương và mẹ” của Đoàn #cailuong# Cao Văn Lầu (Bạc Liêu) đã để lại nhiều ấn tượng cho những khán giả như Thanh Thoảng ngay đêm khai mạc. Vốn đam mê nghệ thuật #cailuong#, Thanh Thoảng đã trở thành một trong những khán giả trung thành với cuộc thi. Lịch học, lịch làm việc, công tác đã không cho nhiều khán giả đến với những vở tuồng thi vào mỗi buổi sáng, nên những khán giả thuộc thành phần sinh viên, cán bộ, công nhân, viên chức… chỉ có thể góp mặt buổi tối. Suất thi diễn buổi tối khai màn đúng 19 giờ 30 phút, nhưng tầm 19 giờ là khán giả phải đến nhà hát để “chiếm” chỗ ngồi. Những khán giả đến đúng giờ coi như không còn chỗ để coi! Những vở diễn buổi sáng tuy thưa khán giả hơn nhưng vẫn luôn nhận được những tràng pháo tay nhiệt tình từ ghế khán giả, không chỉ là lúc mở màn, khi khép lại vở diễn hay đúng lúc xuống một câu vọng cổ mà có thể vang lên bất cứ lúc nào, vì hình như nó bật ra từ chính cảm xúc thật của những khán giả chứ không đơn thuần mang ý nghĩa cổ vũ tinh thần cho nghệ sĩ trên #sankhau#…
KHÁN GIẢ - TIẾP SỨCTHÔNG TIN CHO CUỘC THI
Mạng xã hội facebook được rất nhiều khán giả Bạc Liêu chọn để thông tin cho cuộc thi. Anh Vưu Long Vĩ (Trung tâm Văn hóa tỉnh Bạc Liêu) đến với cuộc thi như một “fan” chính hiệu của #cailuong#! Trên tài khoản facebook cá nhân, anh Vĩ đã cập nhật liên tục nhiều thông tin về cuộc thi, từ lịch diễn đến từng vở diễn sau mỗi suất diễn của các đơn vị dự thi. “Tất cả các vở được đầu tư rất tốt về nội dung và hình thức, mang thông điệp, triết lý sâu xa, tính giải trí cao… nâng #sankhau# #cailuong# Việt Nam trên tầm cao mới…”, đây chỉ là một chia sẻ ngắn trong số rất nhiều cung bậc cảm xúc được anh đăng trên facebook.
Cũng là một trong những khán giả đến với cuộc thi qua lời rủ rê của bè bạn, khán giả Mai Thanh Trúc sau khi thưởng thức vở “Mai Hắc Đế” của Nhà hát Cải lương Việt Nam đã chia sẻ nhận xét mới về #cailuong#: “Hát hay, diễn tốt, đầu tư từ trang phục, vũ đạo và cả kỹ thuật, kỹ xảo hiện đại, lần đầu Trúc được coi một vở #cailuong# mà không thấy… sến”.
Coi một vở hay, khán giả này lại rủ rê khán giả kia, cứ như thế mà hàng ghế khán giả mỗi ngày một đông hơn. Người không thể đi coi cũng “cất công” quảng bá cho người khác bằng những lời mời đại loại như: “Đi coi được thì hãy đi vì đơn vị nào cũng đem vở tinh túy của mình để dự thi, cuộc thi cấp toàn quốc mà…”. Cứ như thế, không phải thuộc thành phần Ban tổ chức hay đơn vị dự thi, nhưng nhiều khán giả đã có công thông tin cho cuộc thi, tiếp sức cho sự lan tỏa của cuộc thi đến với đông đảo khán giả hơn từ hành trình “trái tim đi đến trái tim”, bởi những cảm xúc chân thật dành cho nghệ thuật #cailuong#, khi những hỉ - nộ - ái - ố trên #sankhau# đã chạm đến trái tim khán giả Bạc Liêu…
Chỉ chưa đến nửa chặng đường, còn sớm để nói về thành công nhưng cuộc thi đã chinh phục được khán giả đồng hành. Sự thành công của cuộc thi trước mắt và ít nhất là dưới góc độ cảm nhận của khán giả Bạc Liêu!
CẨM THÚY
XEM THÊM TIN TỨC HÌNH ẢNH TẠI ĐÂY
Nguồn: cailuongvietnam.com