– NS Mỹ Chi: Động lực đó là khán giả. Tôi vào nghề mong làm nghệ sĩ hát những vai đào chánh. Thú thiệt ước mơ đó mãnh liệt lắm. Khiến tôi từ một tiểu thơ “trâm anh đài các”, con của chủ hãng xe đò lớn nhất nhì Sài Gòn lúc đó dám khăn gói đi theo đoàn hát của má Út Bạch Lan chỉ để làm người giúp việc cho má. Động lực đó giúp tôi trải nghiệm mọi thứ, để biết thế nào là thăng hoa trên sân khấu, đem lại nhiều niềm vui cho khán giả. Trở ngại lớn của nghệ sĩ tuổi về chiều là đã mỏi gối, chồn chân, sức khỏe không cho phép đi xa, ngồi xe bây giờ đau lưng, bước đi thật chậm, nhưng hễ lên sàn diễn thì quên hết mọi thứ.
Nữ quái kiệt Mỹ Chi
Nghe nói thân sinh của bà cố ngăn cản bà đến với nghệ thuật?
– Ba tôi cấm cản vì sợ tôi khổ. Mà khổ thiệt chứ. Khi tôi chuyển hướng sang diễn hài kịch, được khán giả yêu mến, ba tôi đã ra đi vĩnh viễn, không nhìn thấy thành quả của con gái. Dù vậy, ba tôi là thần tượng của đời tôi.
Có câu nói: “Mất tiền bạc là mất một phần, mất danh dự là mất một nửa, mất niềm tin là mất tất cả”. Nếu chúng ta không thể tin tưởng vào bản thân mình thì chẳng thể tin người khác và cuộc sống này sẽ dần trở nên vô nghĩa? Bà có nghĩ như thế?
– Điều đó là sự trải nghiệm rất lớn để tôi tìm đến chân lý của nghề. Hồi đó chị Kim Cương dựng vở kịch “Bão biển”, nói về những người sống mất niềm tin. Tôi có đóng một vai trong đó. Câu chuyện kịch rất hay, cho tôi nhiều trải nghiệm. Làm những điều tầm bậy mà vẫn nghĩ mình làm đúng. Theo tôi đã bước vào nghề hát thì phải biết hai chữ “Tổ phạt”. Nên tôi theo nghề hát mải miết tìm cho mình điểm tựa để được bảo ban, được dạy dỗ. Niềm tin lớn dần trong tôi chính là Tổ nghiệp.
Nữ quái kiệt Mỹ Chi và hai danh hài Tùng Lâm, Thanh Hoài
· Rõ là niềm tin, hy vọng quan trọng cho cuộc sống. Nhưng cũng có lúc mất niềm tin vào một điều gì đó, bà làm gì để vượt qua?
– Tôi có một người bạn, biết bao lần bị lừa dối, bị phản bội nhưng dường như lòng từ bi của chị ấy quá lớn để vượt qua được những nghịch cảnh trớ trêu, không oán giận, không ghét bỏ một ai được, chị ấy đã nói rằng: “Đó cũng là trả nghiệp, và trả cho hết để nhẹ tấm lòng… “. Nếu chị ấy không có niềm tin vào chính mình, niềm tin vào một cái nhìn thấu đáo thì làm sao vượt qua được những phiền muộn trong lòng. Riêng tôi, khi nhận thấy mình không may mắn lắm trong sự nghiệp ca hát, tôi đặt niềm tin vào chồng, con, và nghĩ “Mọi chuyện rồi sẽ qua, chỉ còn tình người ở lại… “.
Khi sân khấu tấu hài rơi vào cảnh đìu hiu, có ai nghĩ cả TP HCM thời đó có đến gần 100 nhóm hài phải co cụm lại, chuyển sang thể loại kịch ngắn. Các game show bùng phát, khán giả xem truyền hình không thèm đến rạp xem tấu hài. Cảm thấy chạnh lòng. Nhưng xu thế mới bắt buộc mọi thứ phải mới, bị cuốn theo. Tôi không mất niềm tin vì bản thân xác định mình sống với nghệ thuật tạo tiếng cười. Không diễn tấu hài thì diễn kịch dài, diễn cải lương. Miễn sống với nghề một cách lương thiện.
Nghe nói con trai của bà quyết định xuất gia theo Phật Pháp. Bà có một người con trai duy nhất và cũng chưa có cháu nội. Điều này có gây sốc đối với bà?
NS Mỹ Chi và Quán quân cuộc thi Cười Xuyên Việt – Nguyễn Anh Tú
– Ban đầu tôi rất sốc. Sau khi hôn nhân của con tôi tan vỡ. Cháu không buồn mà nhận ra đó là nghiệp phải trả. Và cháu muốn xuất gia theo Phật Pháp. Mỗi ngày đọc kinh, ăn chay trường. Con tôi hát rất hay, diễn hài cũng nhanh nhẹn, nhưng không theo nghề của mẹ mà muốn nương mình vào cửa Phật để giải thoát mọi ưu phiền. Không có cháu nội thì tôi có cháu ngoại. Khó bắt buộc con mình phải làm theo ý của mình. Đó cũng là duyên nghiệp của con tôi.
Gần đây bà gắn bó với CLB Sân khấu Lạc Long Quân, tổ chức những suất hát từ thiện, trao tặng quà cho trẻ em mồ côi, nghệ sĩ già yếu neo đơn, bệnh nhân tâm thần. Vì sao bà gắn bó với CLB này?
– Các bạn diễn viên cải lương của CLB đến từ nhiều đơn vị nghệ thuật như: Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Kịch IDECAF, Nụ cười mới, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TPHCM…Có bạn vừa đoạt giải Quán quân cuộc thi “Cười xuyên Việt” như Nguyễn Anh Tú, hoặc đậu vào vòng 12 người của chương trình “Học viện danh hài”, được vào ở trong ngôi nhà chung như diễn viên Huỳnh Quý, hoặc có bạn là diễn viên quen mặt với khán giả cải lương như: Bình Tinh, Tâm Tâm, Chấn Cường, Cao Mỹ Châu, Nhật Khánh…
NS Mỹ Chi và Anh Vũ
Các bạn cùng với tôi đi diễn từ thiện. Tôi vui vì được đồng hành làm việc thiện với các bạn trẻ. Không ai đặt điều kiện gì ngoại trừ duy nhất một mục tiêu, đem lại niềm vui cho những người bất hạnh. Tôi đi quyên góp từ bạn bè thân hữu là doanh nhân, bác sĩ, kỹ sư,… những món quà thiết thực: gạo, thực phẩm, thuốc men, quần áo, sách vỡ…lên đường đến với những con người đang cần giúp đỡ. Chúng tôi vừa đi diễn tại Bà Rịa nhân kỷ niệm 5 năm thành lập CLB, rất hạnh phúc và ấm lòng.
Nhìn về quá khứ vàng son, lối rẽ từ ước mơ làm đào chánh sang thành một nữ quái kiệt. Bà có hài lòng với những gì đạt được?
– Rất hài lòng. Vì tôi là người biết nhận thấy ưu khiếm điểm của bản thân. Khi không làm dào chánh, vì hơi ca không ngọt ngào, chiều sâu tâm lý nhân vật có thể tôi chưa đào sâu. Nhưng những bài học của thầy cô từ khoa diễn viên cải lương Viện quốc gia kịch nghệ Sài Gòn, Nhạc Viện TP HCM ngày nay, vẫn ở trong tim tôi. Tôi học cải lương nên vận dụng nghề cho việc tạo tiếng cười, đưa cải lương vào hài rất ngọt. Thầy tôi là Năm Châu, Phùng Há, Kim Cúc, Duy Lân, Chín Trích…Sau này khi chuyển qua hài tôi có thêm thầy là nghệ sĩ Phi Thoàn.
Quá khứ vinh quang cho tôi áp lực lớn, đó là dù về chiều rồi, nhưng vẫn sống tử tế với những gì đạt được, để không làm xấu đi tên tuổi một thời được công chúng yêu mến.
Dường như bà thành công trong nghệ thuật nhưng bà lại rất bất hạnh trong hôn nhân?
– Đúng. Tôi chia tay những cuộc hôn nhân. Ba lần lên xe hoa, ba lần được mặc áo cô dâu và hiện nay tôi vẫn ở với các con, chứ không có ông chồng nào. Tất cả cũng vì đã là nghệ sĩ thì rất nhạy cảm và cái tôi rất lớn. Khi sự cảm thông cho nghề hát của tôi bị tổn thương, tôi chấp nhận bỏ chồng chứ không bỏ nghề, phụ nghề. Lương tâm tôi chẳng làm điều gì sai, có chăng là vì tôi quá yêu ánh đèn sân khấu và yêu tiếng cười của khán giả.