Hiện nay, nhu cầu D.O.P (director of photography - đạo diễn cải lương hình ảnh) đang tăng do bùng nổ lượng phim rạp. Các nhà sản xuất muốn phim mình đẹp, thu hút khán giả thì buộc phải tìm D.O.P. Song, nhiều D.O.P cho rằng vì đam mê nên dấn thân chứ đây là một trong những nghề bạc bẽo.
Áp lực vô cùng
Như bao lĩnh vực khác trong nghệ thuật, người làm nghề D.O.P cần đam mê, có tâm mới trụ được vì áp lực rất lớn. Với những người tạo được thương hiệu, nhà sản xuất, đạo diễn sẽ mời cộng tác thường xuyên. Ngược lại, ai mới vào nghề thì phải chật vật tìm cơ hội thể hiện.
Nghề D.O.P chịu áp lực lớn nhất là thời gian. Diễn viên chạy sô nhiều, lịch quay thay đổi liên tục nên đòi hỏi D.O.P phải lo nghĩ cách làm sao quay kịp thời gian, tiến độ. Nếu nhà sản xuất đặt yêu cầu bối cảnh nào đó phải quay trong ngày, không có cơ hội quay lần nữa thì càng áp lực hơn. D.O.P sẽ phải ngồi cùng đạo diễn tính toán, cắt bớt góc quay, gói gọn số lượng cảnh quay. “Đạo diễn luôn muốn quay nhiều để dựng phim, tôi cũng muốn quay nhiều góc đẹp nhưng kinh phí, thời gian không cho phép, đôi khi phải chấp nhận” - James Ngô bày tỏ.
D.O.P Minh Trí tác nghiệp trên trường quay. (Ảnh từ Facebook nhân vật)
Ở phim truyền hình, đôi lúc nhà sản xuất vì tiết kiệm chi phí nên bắt D.O.P kiêm luôn quay phim chính (máy 1). Do không giám sát được máy 2, đến khi quay xong, kiểm tra lại thấy không đạt thì sự việc đã rồi, chẳng thay đổi được gì.
“Hiện nay, phim truyền hình quay 2 ngày/tập, 1 tập khoảng 45 phút, quay liên tục, nhịp độ nhanh, cường độ cao. D.O.P bám đoàn, đi từ sáng sớm đến tối muộn mới về, thời gian ngủ không đủ thì khó có thể sáng tạo. Chúng tôi cố tận dụng hôm nào lịch quay thư thả để phô diễn khả năng, thấy cảnh đẹp sẽ phiêu một chút nhưng đa phần phải chạy nước rút” - D.O.P Minh Trí của các phim: “Yêu từ thuở nào”, “Ngược sóng”, Thuyền giấy”, “Mặn hơn muối”, “Trả giá”, “Hận thù hóa giải”… cho biết.
Minh Trí tiết lộ do sự giới hạn thời gian, kinh phí nên nhiều D.O.P cứ lấy “chiêu cũ” ra xài, không tìm tòi cái mới được. Muốn có cái mới thì cần phải thử nghiệm, có thành công cũng có thất bại nhưng trong kinh doanh, nhà sản xuất không chấp nhận thất bại. Họ chỉ muốn công việc đúng tiến độ, bảo đảm kinh phí dự định, không phát sinh.
Theo D.O.P Minh Luân, với phim truyền hình, anh phải luôn trong tinh thần sáng tạo liên tục. Phim nào cũng từ 30 tập trở lên, đôi lúc cùng một phòng khách phải quay nhiều phân đoạn. “Có thể nói D.O.P lúc ấy như họa sĩ, phải tự điều tiết, phối màu cho bức tranh bằng nguyên liệu ánh sáng, góc máy…” - Minh Luân nói.
Minh Luân kể anh từng chịu nhiều áp lực khi xử lý bối cảnh quay trong một căn nhà mà trước đó có 20 đoàn phim đã thuê quay. Anh phải suy nghĩ để tìm bố cục của riêng mình, để bối cảnh trở nên mới mẻ trên phim. “Tôi yêu nghề, sống chết với nghề nên mới trụ đến hôm nay. Tuy nhiên, làm phim thời kinh tế khó khăn nên cơ hội sáng tạo cho công việc như tôi đang theo không nhiều” - anh tâm sự.
Theo Minh Luân, vấn đề kinh tế dẫn đến áp lực thời gian, đoàn phim không thể chờ mưa dứt hạt, nắng đẹp để quay mà buộc ngày giả đêm, đêm giả ngày, quay né mưa… đủ kiểu. D.O.P luôn phải suy nghĩ để hóa giải các tình huống “nắng mưa là chuyện của trời” này, cố làm sao cho hình ảnh trên phim ổn nhất có thể.
“Thế nhưng, phim đẹp, khán giả chỉ khen đạo diễn, họ không biết D.O.P hay quay phim là ai. Đến lúc phim không đẹp, khán giả chê, một số đạo diễn quay sang “đổ thừa” nhiều người, trong đó có D.O.P và quay phim” - Minh Trí cám cảnh.
D.O.P Minh Luân cho rằng anh yêu nghề, thích nghề nên phải chấp nhận, chứ thực tế làm D.O.P phim truyền hình rất bạc bẽo.
Dựa vào nhau để sống
Mối quan hệ giữa D.O.P và đạo diễn cũng như các thành viên khác trong ê-kíp (tổ ánh sáng, quay phim…) đều phải cộng hưởng lẫn nhau mới làm tốt được. Đây là công việc tập thể, thành quả có được là của chung. Quay phim hỗ trợ D.O.P, D.O.P hỗ trợ đạo diễn.
Thông thường, các D.O.P cũng có nhóm riêng gồm quay phim, ánh sáng…, do quen và hiểu ý nhau nên thường gọi nhau làm chung. Tuy nhiên, không phải lúc nào họ cũng mang được nhóm của mình từ đoàn phim này đến đoàn khác. Một D.O.P hay làm 2-3 phim một năm vẫn đủ sống nhưng phụ quay phải làm 4-5 phim mới ổn. Trong thời gian chờ, phụ quay không thể như D.O.P ngồi đợi hằng tháng, họ phải đi làm đoàn khác để mưu sinh. Vì thế, đôi lúc cần, họ lại bận rộn ở đoàn khác nên D.O.P phải làm quen với quay phim mới, tổ ánh sáng mới. Đôi lúc, nhà sản xuất có sẵn người quay phim quen, tổ ánh sáng quen, D.O.P luôn trong trạng thái chấp nhận một ê-kíp mới.
James Ngô cho biết các nhà sản xuất ngày càng chịu đầu tư để phim chất lượng hơn. Ngoài phim truyện, anh còn làm phim quảng cáo. Vì vậy, thu nhập từ nghề này ở mức khá so với nhu cầu của cuộc sống hiện tại.
“Thu nhập nói chung không dư dả nhưng đủ sống. Chi phí cho nhu cầu cá nhân và quan hệ giao tiếp trong quá trình thực hiện phim cũng ngốn không ít số tiền thù lao nhận được. Vì thế, tính đến hết phim, số tiền còn lại cũng ở mức đủ chi xài, nuôi gia đình” - Minh Luân cho biết. Anh cũng thường nhận quay quảng cáo, quay tự giới thiệu. Công việc này ít tốn thời gian hơn nhưng đa phần mọi người chỉ làm trong thời gian chờ phim mới.
“Nếu một năm làm 2-3 phim, thu nhập của D.O.P đủ sống vui vẻ, nuôi gia đình mà không đến mức cực như nhiều nghề khác” - Minh Trí khẳng định.
Cần có hiệp hội để bênh vực
Theo Minh Trí, công việc D.O.P luôn ở trạng thái bị động, nghĩa là nhà sản xuất, đạo diễn biết đến và có dự án thì họ chủ động gọi. Đôi lúc, họ đưa ra khoảng thời gian để chờ nhưng khi gần đến ngày, họ thông báo lại là dự án không triển khai được vì lý do này, lý do khác. D.O.P không được bồi thường hay bất cứ thứ gì trong suốt khoảng thời gian chờ đợi, từ bỏ các phim hoặc cơ hội khác và bị “xù” việc như thế. Minh Trí mong có một hiệp hội chuyên về D.O.P, quay phim để bênh vực người lao động trong lĩnh vực này.
Minh Khuê
Nguồn: nld.com.vn