Tôi trao cơ hội cho các bạn trẻ
* PHÓNG VIÊN: Sau những gì đã diễn ra với 100 ngày bên em, ở thời điểm này tâm thế của anh ra sao?
- Đạo diễn VŨ NGỌC PHƯỢNG: Thực sự rất hạnh phúc khi nhận được đánh giá cao về chất lượng từ báo chí và giới chuyên môn. Hạnh phúc hơn nữa khi thấy khán giả thực sự đã cùng khóc, cùng cười với Ánh Dương và Nhật Minh. Bản thân mình cũng tự hào, dám tự nhận xét là phim này tay nghề đã tiến bộ hơn rất nhiều so với phim trước. Tuy nhiên, vẫn không tránh khỏi cảm giác buồn một chút.
* Khi phim ra rạp không đạt doanh thu như mong đợi, nhiều người cho rằng ê kíp sản xuất và phát hành đã tính toán sai một bước?
- Trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã cùng ngồi lại và bàn bạc rất kỹ về thời điểm ra mắt. Tôi ủng hộ quyết định của nhà phát hành và cũng tin đó là thời điểm hợp lý nhất. Tuy nhiên, doanh thu một bộ phim dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, trong đó chuyện may rủi là rất quan trọng. Tôi có đọc được phân tích từ một nhà báo và thấy rất thấm thía: Làm một bộ phim về ung thư và cái chết rất khó ăn khách vào dịp lễ, vì khi đó, mọi người vẫn thích một tác phẩm có tính hài và giải trí nhiều hơn.
Cá nhân tôi biết rằng, vì thương ê kíp nên nhiều người mới lên tiếng trách đơn vị phát hành, nhưng trong trường hợp này, không thể đánh giá đó là quyết định mù quáng. Chúng tôi có niềm tin và đã lường trước cả những rủi ro, nhưng rất tiếc may mắn đã không mỉm cười. Thay vì trách cứ lẫn nhau, toàn bộ ê kíp đều đang đồng lòng với nhà phát hành, nỗ lực cùng chiến đấu để trong vòng 2-3 tuần nữa phim vẫn trụ rạp, để có thể đón được nhiều khán giả hơn. Cũng vui là hiệu ứng truyền miệng vẫn đang rất tốt.
* Với bộ phim, điều gì khiến anh chưa hài lòng?
- Tôi nghĩ, mình hơi tham lam về sân khấu kịch bản khi vừa cố gắng tạo sự khốc liệt và nỗi buồn cho câu chuyện về căn bệnh, đồng thời vẫn muốn có các chi tiết hài. So với phim đầu tay 12 Chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy khá thuần nhất về kịch bản, 100 ngày bên em có nhiều yếu tố đối lập về cảm xúc. Khi nhìn lại, bản thân tôi cũng như nhận xét của nhiều người trong nghề đều cho rằng, có thể đạt được điều đó đã là rất khó rồi. Tuy nhiên, nếu cân bằng khéo hơn, có lẽ phim tôi phải đạt điểm 9, 10 thay vì điểm 8.
* Nhưng, một thành công lớn ai cũng nhận thấy, đó là anh đã góp phần nâng tầm tên tuổi hai diễn viên cải lương chính: Jun Phạm và Khả Ngân?
- Tôi không nghĩ là mình nâng tầm ai cả. Chính bản thân Jun và Ngân đều rất nỗ lực và tài năng. Tôi chỉ đơn giản đã trao đúng cơ hội cho những người đang khao khát được chứng tỏ và thử thách bản thân. Các bạn đã dành thời gian 1-2 tháng tập luyện, sáng tạo nhân vật cùng tôi. Tôi không đo ni đóng giày nhân vật cho các bạn, mà cũng không bị khóa cứng trong những định hình quá xa xôi. Trên nền tảng những mô tả mà mình muốn, chính Jun, Ngân cùng Bê, Kiệt, Dâng đã góp phần định hình và thổi hồn khiến nhân vật đặc biệt hơn.
Với 100 ngày bên em, tôi cũng thấy mình may mắn khi được nhà sản xuất trao toàn quyền quyết định chọn lựa diễn viên. Tôi tin rằng nhà sản xuất và đạo diễn cải lương phải thực sự tin tưởng nhau mới có sản phẩm chất lượng.
Bước tiếp theo là phim remake
* Sau 2 dự án đầu tiên chỉn chu và được đánh giá khá cao, đến thời điểm này, anh có hoàn toàn tự tin ở bản thân?
- Hồi xưa không tự tin lắm, nên tôi luôn nghĩ “cần cù bù thông minh”. Tuy nhiên, sau khi kết thúc 2 dự án, tôi nhận ra mình cũng có năng khiếu và rất hợp công việc này, nên cũng tự tin hơn nhiều. Tôi theo học về điện ảnh khá trễ, 28 tuổi, mà chuyên ngành chính lại là biên kịch (tại London, Anh - PV). Trong công tác đạo diễn, tôi hoàn toàn tự mày mò, tìm hiểu, làm rất bản năng, học hỏi từ các đàn anh đi trước và đặc biệt xem rất nhiều phim để tích lũy kinh nghiệm. Thực sự để làm công việc này, không thể chỉ có lý trí và kiến thức, mà cần có bản năng đạo diễn và chút năng khiếu thì mới có thể đi xa được.
* Vậy bước tiếp theo mà anh chuẩn bị là gì?
- Dự án tiếp theo sẽ là một phim remake (phim làm lại). Sau 4-5 lần từ chối các dự án remake, cuối cùng tôi cũng nhận được một dự án ưng ý. Từ khi xem phim gốc đã có rất nhiều cảm xúc. Dự án này cũng có độ mở để mình có thể đưa vào đó dấu ấn cá nhân. Tôi chưa bao giờ đặt nặng chuyện có làm phim remake hay không, bởi với thực tế hiện nay, không chỉ Việt Nam mà các nền điện ảnh thế giới đều nhất loạt làm phim remake.
* Nhìn từ góc độ người trẻ, anh cảm nhận như nào về thị trường điện ảnh Việt hiện nay?
- Có 4 điều tôi cảm thấy. Thứ nhất, thị trường đang phát triển mạnh cả về số lượng phim ra rạp và doanh thu.
Thứ hai, quá trình phát triển về lượng và chất diễn ra không đồng đều, số lượng tăng nhanh nhưng chất lượng câu chuyện chưa có nhiều đột phá. Tuy nhiên, chất lượng kỹ thuật, kỹ xảo, hình ảnh, âm thanh, ánh sáng... có tiến bộ vượt bậc.
Thứ ba, khán giả chưa hoàn toàn có niềm tin vào phim Việt. Mức độ tăng trưởng niềm tin còn chậm và phải mất rất nhiều thời gian nữa mới cải thiện điều đó.
Và cuối cùng, tần suất tới rạp của khán giả vẫn còn thấp, doanh thu trung bình chưa cao, dẫn đến thù lao cho người làm nghề chưa tương xứng. Với người làm phim trẻ, cơ hội mở là điều chắc chắn, nhưng nó cũng không thể tránh khỏi quy luật đào thải khắc nghiệt từ thị trường nếu không thật sự chỉn chu, tâm huyết cho mỗi dự án.
VĂN TUẤN thực hiện