Văn sĩ họ Tô tên thật là Lê Mộng Ngân, sinh ngày 1.5.1926 tại Huế, mất ngày 20.10.2012 tại Sài Gòn. Ông bước vào làng văn nghệ đầu những năm 1946, tham gia ban kịch của Vệ quốc đoàn khu 4, từ Huế ra Thanh Hóa. Năm 1955, cùng nguyên soái Đinh Hùng và Thanh Nam, Hồ Điệp, Hoàng Oanh... sáng lập Ban Thi văn Tao Đàn trên Đài Phát thanh Sài Gòn. Cộng tác với Đời mới, Thẩm mỹ, Sáng tạo, Nghệ thuật, Khởi hành...
Tác phẩm đã xuất bản: Người đi qua lô cốt (truyện, 1957), Người lính Việt Nam (thơ, 1966), Nghìn năm mây trắng (thơ, 1998), Tự học thổi sáo và ngâm thơ (1967, tái bản chừng mươi lần), Cổ tích Đông Tây (1974), Ngã ba đường (kịch thơ), Tiếng sáo Tao Đàn (ca khúc), Chuyện Huế ít ai biết (biên khảo)... Sáng tác khá đa diện từ văn thơ đến cả nhạc kịch, nhưng có lẽ ông được mến mộ hơn cả vẫn từ giọng ngâm truyền cảm và tiếng sáo du dương.
Nghệ sĩ Tô Kiều Ngân (1926 - 2012). Ảnh TL
Tô Kiều Ngân từng trải, thông tường và can dự trực tiếp vào ngõ ngách đời sống sáng tạo trên nhiều địa hạt. Chính thẩm quyền này đã thôi thúc ông “phục sinh” phong khí trẩy hội của thời sinh hoạt nghệ thuật một đi không trở lại. Tài năng, cốt cách, sở trường, chuyện văn, mảnh đời... của từng nghệ sĩ lấp lánh qua sự giao thoa và thẩm thấu của hồi ức, tả thực, quan sát, góp nhặt, ghi chép, chú giải... Vì vậy, không có gì lạ, chính loại văn liệu đặc sắc ấy làm nên sức nặng và giá trị ưu trội của tập di cảo đáng quý Mặc khách Sài Gòn.
Tôi cứ nghĩ đến câu thơ “Của tin gọi một chút này làm ghi” (Nguyễn Du) khi tác giả kịch bản cải lương lãng đãng nhớ về cái thời mình đã sống, đã viết và đã xa rồi. Nặng trĩu nỗi buồn về bức tranh văn chương đa sắc. Hết những mộng mơ. Thôi những ước nguyện. Chỉ còn hoài niệm của người trong cuộc, như người trong cuộc về bè bạn thân quý thấm đẫm tình yêu chữ nghĩa. Từ đáy sâu tâm khảm, tác giả mở lòng với bằng hữu thâm giao nay kẻ mất, người còn và kể được ít nhiều về những người tri âm tri kỷ, cùng cảnh ngộ. Mà hầu hết đều thầm lặng, khép mình và ngơ ngác trước lẽ phải và đố kỵ. Và lần lượt từng gương mặt tài hoa hiển hiện, những Nguyễn Vỹ, Lê Thương, Đinh Hùng, Bùi Giáng, Cung Trầm Tưởng, Nguyên Sa, Hoàng Trúc Ly, Tô Thùy Yên, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Phạm Thiên Thư... Tất cả đều dốc hết tâm trí, tâm lực ươm trồng những lẵng hoa thanh khiết và trang nhã khoe hương sắc với đời.
Từng sự kiện văn học khuất lấp được tác giả chưng cất bằng một hai chi tiết đắt giá ít ai biết. Chẳng hạn, Mai Thảo cuối đời chỉ ước mong hành trình “Cho tôi về Ký Con!”, nơi đặt trụ sở tạp chí Sáng tạo, bến bờ mê hoặc của những tháng ngày tươi trẻ, tự do dệt mộng văn chương (hơn 40 cuốn tiểu thuyết, hơn 50 truyện ngắn và tùy bút): “Mai Thảo vĩnh viễn ra đi. Con người viết hàng triệu chữ, nói hàng vạn lời, giờ đây chỉ còn nguệch ngoạc được năm chữ xiêu đổ rã rời “1 cà phê sữa đá...”. Tình tiết dung dị tưởng chừng như vụn vặt và có thể gặp đâu đó nhưng đậm tính cách miệt mài với nghiệp bút nghiên, sáng tạo không ngừng nghỉ.
Và đây nữa, hình ảnh Tô Kiều Ngân khư khư ghì chặt Vũ Hoàng Chương “Để ta tròn một kiếp say”, tấm thân khẳng khiu chừng 40kg trên chiếc xích lô máy phi như bay giữa đường phố Sài Gòn để ngay sau đó, họ Vũ thao thao bất tuyệt và sang sảng ngâm bình thơ cho triệu triệu thính giả đài Pháp Á thưởng thức. Chấm phá thế thôi cũng đủ toát lên tư thế tự tin và đĩnh đạc, phong thái hào hoa và sang trọng của trang nam tử thuộc dòng dõi nho gia, khoa bảng.
Mặc khách họ Tô khắc họa gương mặt của chính mình cũng như Tạ Tỵ Thương về năm cửa ô xưa trong đợt học tập cải tạo khi chiếc tàu Sông Hương cập bến đất Bắc sau 1975. “Tôi gặp lại Tạ Tỵ ngồi kia bó gối, mặt buồn xo, chen giữa những anh em khác cùng đi chung một chuyến. Thấy tôi, anh đưa hai tay lên trời, kêu to: “Thôi! Hết cả rồi! Ngân ơi...”. Tôi nhìn anh, ái ngại, chẳng biết nói gì, chỉ nghĩ thầm trong lòng: “Hết làm sao được, còn chứ, còn nhiều điều sẽ xảy ra mà mình không biết trước đó thôi”. Từ nguồn tư liệu ngổn ngang kia, chỉ cần lướt qua vài nét đại lược, khung cảnh có một không hai như đang sống động vẽ ra trước mắt. Người đọc mường tượng thái độ quay lưng với thực tại hay bình thản đón chờ cơn giông tố thời cuộc nghiệt ngã.
Với cây bút Nguyễn Thị Thụy Vũ khai thác chất liệu từ cảnh đời trần trụi, gân guốc và tủi cực ở giới bán phấn buôn hương, ma cô đĩ điếm, hút xách cờ bạc..., Tô Kiều Ngân phác thảo chân dung thông qua một hai đoạn văn của chính tác giả chứ không bình điểm dài dòng. Chỗ này là đoạn trích nhấn mạnh lối văn hầm hập và sùng sục, bạo dạn và sắc sảo. Chỗ kia là đoạn trích gợi thức sự cảm thông. Cô gái ăn sương sống bạt mạng, ngày xuân vẫn thèm khát một mái ấm đoàn tụ, bên người thân yêu. Một khoảnh khắc thấm đượm tình người giữa cõi đời sa đọa: “Thoại dịu dàng ôm lấy vai tôi, khẽ nghiêng đầu xuống nói thật nhẹ bên tai tôi: - Sắp Giao thừa rồi. Chúng mình sẽ ăn với nhau một cái Tết thật vui. Anh đã sửa soạn đầy đủ cả...”.
Tập sách gặng hỏi về sự hiện diện của mảng màu bị chia cắt trong bức tranh toàn vẹn của lịch sử văn học nước nhà. Như chính tác giả dè dặt tâm tình nơi đầu sách, chỉ là để “cung ứng một ít tư liệu” cho “lớp hậu sinh có thể hoàn toàn không biết gì về diện mạo của mảng văn học nghệ thuật lúc họ chưa ra đời”.
Mặc khách Sài Gòn mời gọi lớp người sau hiểu thêm ân tình của tiểu sử nghệ sĩ với nhau, thêm yêu mến văn nhân tận tâm vun vén cho hồn cốt của đô thành này. Từ đó, đánh thức người đến sau đừng quên rằng những áng văn thơ của họ là một phần trong di sản của xứ sở nói chung cũng như của Hòn ngọc Viễn Đông nói riêng.
Khúc ca Mặc khách Sài Gòn đã ra mắt (NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2014) và gieo một dấu lặng vào lòng thế hệ kế tiếp. Chút nỗi niềm ở ông ít nhiều vơi đi phần nào. Còn mong gì hơn.
Nguyễn Duy Long
Nguồn: nguoidothi.vn