Giả gái, lời thoại sáo rỗng, nội dung ít mà chọc cười khán giả bằng sự dung tục, uốn éo hình thể, ngôn ngữ… đang nhan nhản trong các gameshow hài trên truyền hình.
Chuyện tưởng “biết rồi… nói mãi”, thế nhưng những hệ lụy mà những tiết mục này để lại không khỏi khiến những người nghệ sĩ chân chính đau xót. Ông “bầu” sân khấu Idecaf Huỳnh Anh Tuấn đã phải thốt lên “Một năm gameshow truyền hình đã bóp chết 15 năm lao động nghệ thuật của sân khấu chính thống”.
Giả gái và nhảm… nhan nhản!
Chẳng khó để tìm một chương trình gameshow có yếu tố hài trên truyền hình hiện nay như Danh hài đất Việt; Thách thức danh hài; Diêm vương xử án; Làng hài mở hội… Nhưng để tìm kiếm một chương trình “tử tế” không chọc cười bằng giả gái, uốn éo và dung tục thì quả là… khó!
Các gương mặt như Trấn Thành, Trường Giang, Chí Tài, Đại Nghĩa… nhẵn mặt các gameshow cũng gắn liền với các vai uốn éo, giả gái. Đến nỗi các thí sinh tham gia các chương trình cũng bắt chước “trào lưu” này. Sẽ không có gì để trách nếu như giả gái để phục vụ cho ý đồ nghệ thuật. Nhưng phần lớn các “màn” giả gái hiện nay mới chỉ dừng lại ở mục đích chọc cười khán giả một cách khiên cưỡng, thiếu sáng tạo, thậm chí là dung tục, phản cảm. Hình ảnh người phụ nữ được đóng giả trở nên khiên cưỡng na ná với trang phục lòe loẹt, đi đứng uốn éo, lời nói thì chanh chua, đanh đá. Đằng sau tiếng cười tưởng chừng như dễ dãi đó lại là sự xem thường khán giả. Sự việc Trấn Thành giả Tô Ánh Nguyệt vừa qua là một minh chứng cho sự quá đà của chính những người nghệ sĩ. Mải chạy theo thứ tiếng cười tầm thường, dung tục… họ đang quên đi “thiên sứ” nghệ thuật của mình.
Nghệ sĩ hài Xuân Hương cho biết: “Tôi đã từng hai lần viết kịch bản cho chương trình Táo quân của HTV, nhưng sau tôi phải từ chối vì diễn viên cải lương hài hiện nay hiếm có người nào diễn được chính kịch. Hài với họ là giả gái ẹo ọ, uốn éo… mà không diễn theo hài chính thống. Casting nhiều lần nhưng cứ hở ra là họ giả gái, nói tục để cho khán giả cười”.
Trấn Thành giả gái trong “Tô Ánh Nguyệt” và Trường Giang, Chí Tài dung tục... cô Tấm
Trên thực tế, sự dễ dãi của nghệ sĩ cùng với việc chạy theo lợi nhuận, không ít đài truyền hình “tiếp tay” cho những màn hài nhảm, phản cảm. Một nghệ sĩ hài cho biết, nhiều lần từ chối vai giả gái nhưng không được, bởi chính những người làm chương trình thuyết phục mọi cách để anh giả gái. Đồng ý giả gái để chương trình có sức hút hơn với khán giả. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho những màn giả gái ngày càng nhiều. Bất kể từ trẻ em đến những nghệ sĩ lớn tuổi.
Gameshow truyền hình đang trở thành nơi của “nhảm hóa”, khiến cho không ít những người làm nghề chân chính ngao ngán. NS Xuân Hương đã phải thốt lên “kinh hoàng” với mật độ dày đặc của các gameshow hài đổ bộ trên truyền hình. “Người làm nghề cảm thấy kinh hoàng khi thấy trên tivi cả HTV, VTV… đưa những gameshow không biết phục vụ cho khán giả cái gì. Giải trí không, thỏa mãn nghệ thuật càng không. Chỉ thấy uốn éo, đè nhau lên sàn hôn... Khi Trấn Thành làm Tô Ánh Nguyệt remix gây ồn ào, phẫn nộ trong dư luận thì HTV Awards lại trao ngay 2 giải thưởng cho Trấn Thành. Có nhiều giải thưởng trao khiên cưỡng làm người trong nghề nhụt chí…”.
Khán giả “dị ứng” khi xem những màn biểu diễn như thế này
Một màn giả gái vụng về
Bao giờ nghệ sĩ hài… có tâm với tiếng cười?
Hài chưa bao giờ lại gây tranh cãi như bây giờ. Nhất là khi các gameshow đang lạm dụng hài để “câu” khán giả. Thiếu nội dung, thông điệp nhưng lại thừa sự dễ dãi, đơn điệu và nghiêm trọng hơn là… thiếu tâm của chính những người nghệ sĩ. Ông bầu sân khấu Idecaf đã phải thốt lên “Một năm gameshow truyền hình đã bóp chết 15 năm nghệ thuật của sân khấu”. Thực trạng này ai cũng nhận ra nhưng cũng chỉ biết than trời.
Đổ lỗi tại thị hiếu khán giả… không ít nghệ sĩ đã tự thỏa hiệp với sự dễ dãi quá đà của bản thân để chiều chuộng nó. Nhưng họ không hiểu rằng, những thứ bề nổi rồi sẽ qua nhanh chóng. Cái gì dễ cười thì cũng dễ quên.
NS Xuân Hương cho rằng: “Đừng đổ lỗi cho khán giả, khán giả không hề dễ dãi. Trước đây khi tôi làm chương trình “Những người thích đùa” là dòng hài kịch chính thống, khó xem. Không giả gái, không nói bậy nhưng khán giả vẫn đến chật rạp để xem. Tại sao mất khán giả? Vì chúng ta làm không đúng, nghệ thuật phải đáp ứng thị hiếu của khán giả, khán giả đang quan tâm điều gì, cách đặt vấn đề như thế nào? Chúng ta phải làm nó nghiêm túc. Đừng nghĩ thị hiếu của khán giả như thế nào thì chúng ta chiều theo để nói tục. Hiện nay có lượng khán giả khá đông thích cười với cách diễn thô tục, một số anh em nghệ sĩ hài cứ vin vào cách cười đó để níu kéo. Níu kéo như vậy hài sẽ chết. Chúng ta không đổ lỗi cho khán giả mà phải tự tìm con đường hướng khán giả phải đi theo. Bằng cách hoạt động nghề nghiệp một cách có tâm”.
Bao giờ nghệ sĩ hài… có tâm? Câu trả lời chỉ những người nghệ sĩ mới trả lời được. Nghệ sĩ còn muốn chạy theo sự dễ dãi, những giá trị ảo bề nổi, lấy việc giả gái, chọc cười dung tục để thu hút khán giả… thì sân khấu hài càng khó có đất sống.
Mai Linh
Hài nhảm: SOS truyền hình và sân khấu!: Hết nạc vạc đến xương
|
Tấm Cám trong “Ơn giời, cậu đây rồi!” |
Chưa bao giờ hài lại trở nên “hot” như hiện nay, đến nỗi các gameshow ca nhạc… cũng phải có yếu tố hài. Khi hàng loạt các gameshow hài bùng nổ, các “danh hài” được dịp “cày xới” trên mảnh đất màu mỡ này.
Điều nghịch lý ở đây là càng nhiều gameshow hài ra đời lại tỷ lệ nghịch với chất lượng nghệ thuật. Kịch bản hài hay, chất lượng thì đếm trên đầu ngón tay, trong khi đó những tiểu phẩm nhảm nhí, dung tục lại đang “tung hoành” trong các gameshow, truyền hình thực tế. Tệ hại hơn, những tác phẩm kinh điển sân khấu, kho tàng truyền thuyết, truyện cổ… đang trở thành “mồi ngon” cho chính các nghệ sĩ đem ra “bôi bẩn”, bóp méo để chọc cười.
Hết nạc thì vạc đến xương
Phải đến khi Trấn Thành bị phản ứng dữ dội khi làm “Tô Ánh Nguyệt remix” một cách phản cảm, lệch lạc so với thông điệp mà tác giả kịch bản cải lương muốn hướng tới cho người xem, người ta mới giật mình nhìn lại, cùng với việc lạm dụng hài trong gameshow truyền hình, nghệ sĩ đang “tấn công” kho tàng truyện cổ tích, tác phẩm sân khấu. Sẽ không ai lên tiếng nếu nghệ sĩ làm hay, làm mới, sáng tạo nhiều yếu tố nghệ thuật. Điều đáng buồn, không ít nghệ sĩ, trong đó phần lớn những người trẻ đang thể hiện sự thiếu hiểu biết, thiếu tôn trọng với khán giả của mình. Không ít lần khán giả truyền hình phải lên tiếng phản ứng với hành động bóp méo, coi thường các tác phẩm sân khấu như Lan và Điệp; Đời cô Lựu, hay truyện cổ tích Tấm Cám.
Trước đó, trong chương trình Cặp đôi hoàn hảo, hai thí sinh Nam Cường - Quế Vân đã sử dụng trích đoạn “Lan và Điệp” làm phần thi của mình. Cái đáng lên án ở đây là họ không làm nổi bật ý nghĩa tác phẩm mà khiến người xem nổi giận bởi những lời đọc ráp thêm vào “Yêu em anh không đòi quà mà em cần gì anh sẽ chi... Audi, túi LV hay là ta xách va li, cùng tới Bali, mình đi du hí… em không cần gì chỉ cần tình si, miễn là anh đừng có bồ nhí…”.
Trong chương trình Ơn giời, cậu đây rồi!, người xem ngỡ ngàng bởi cô Tấm ngoan hiền, chịu thương chịu khó trong truyện cổ tích “Tấm Cám” lại biến thành một cô gái hư thân. Thật khó chấp nhận khi nghệ sĩ tự đặt lời vào miệng nhân vật Cám “Chị Tấm nó đi với trai đó mẹ”. Thêm hình ảnh bao cao su trong giỏ của Tấm khiến cho người xem càng không chịu nổi.
Đoạn đối thoại giữa anh thợ bạc và cô Bảy cán vá trong “Đời cô Lựu” cũng bị đem ra đùa giỡn với những lời thoại phản cảm trong Hội ngộ danh hài “Anh đi ngao du khắp chốn chưa thấy người phụ nữ nào có nét đẹp hội tụ như em. Thịt, cá, trứng, sữa nằm trong em hết đó. Em là tháp dinh dưỡng bao béo phì đó em”…
Mua vui chẳng được "một vài trống canh"
Tôi chắc rằng những sản phẩm như clip hài Tô Ánh Nguyệt hay Tấm Cám trong Ơn giời, cậu đây rồi!... sẽ không bao giờ lọt qua được khâu thẩm định cấp phép của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Sự trôi nổi của các băng đĩa, clip trên thị trường và đặc biệt là nguồn trên mạng internet đang là một vấn đề vô cùng nan giải đối với cơ quan quản lý nhà nước. (Ông Đào Đăng Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn)
|
Câu hỏi đặt ra, cuộc sống hiện đại với ngồn ngộn những thông tin, những vấn đề nóng về con người, xã hội… để đưa lên sân khấu thì nghệ sĩ lại bỏ qua. Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai - Nhà hát Cải lương Việt Nam cho rằng: “Những clip, tiểu phẩm hài như Tô Ánh Nguyệt, Tấm Cám trong Ơn giời, cậu đây rồi!... đã làm hỏng đi những hình tượng nhân vật đẹp, mẫu mực trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật kinh điển. Những tác phẩm này gắn với chiều dài của nghìn năm văn hiến lịch sử của VN. Tôi mong các đồng nghiệp, các nghệ sĩ đừng tiếp tục đi theo xu hướng dàn dựng xuyên tạc, bịa đặt như thế. Tôi thấy rằng việc đi vào khai thác những tác phẩm nổi tiếng một cách bịa đặt, xuyên tạc cả câu chuyện lẫn tính cách nhân vật đã chứng tỏ sự cạn kiệt trong sáng tạo của sân khấu hài hiện nay. Các nghệ sĩ hài đang đánh mất đi ưu thế mũi nhọn của thể loại hài kịch đó là phản ánh trực diện những vấn đề nóng bỏng của đời sống hôm nay bằng những tiếng cười sâu cay, có tác dụng giáo dục nhận thức của khán giả. Thực tiễn cuộc sống có biết bao những vấn đề đáng để các nghệ sĩ khai thác đưa lên sân khấu hài vậy tại sao các nghệ sĩ lại quay lại quá khứ để dàn dựng xuyên tạc, bịa đặt, làm biến dạng tính cách nhân vật và đưa vào những lời thoại đầy dung tục... Làm hài không chỉ mua vui, giải trí mà còn làm sao để tác phẩm chứa được những triết lý sâu sắc về cuộc sống, tình người, phê phán những mặt trái của đời sống xã hội”.
Khán giả Phương Thùy, Q.1 bức xúc: “Tôi cảm thấy nghệ sĩ đang xem thường khán giả chúng tôi. Xem qua những tiểu phẩm hài trên truyền hình thú thật tôi cười không nổi. Với những kiểu õng ẹo, giả gái và dung tục… đã quá nhàm chán. Càng không thể chấp nhận được việc nghệ sĩ xuyên tạc hình ảnh cô Tấm trong chuyện cổ tích một cách phản cảm như vậy. Một câu chuyện không những thế hệ tôi mà các con cháu tôi đều được đọc và học với nhiều ý nghĩa nhân văn”.
Phản ứng của khán giả, những người làm nghề là hồi chuông cảnh tỉnh cho việc lạm dụng hài trong các gameshow truyền hình. “Hết nạc, vạc đến xương”, chính các nghệ sĩ đang tự giết cái “đạo” mà bất kì người nghệ sĩ nào khi đứng trên sân khấu phải nhớ. Cái “đạo” của người làm nghề, của lòng tự trọng và ý thức.
“Tôi chắc rằng những sản phẩm như clip hài Tô Ánh Nguyệt hay Tấm Cám trong Ơn giời, cậu đây rồi!... sẽ không bao giờ lọt qua được khâu thẩm định cấp phép của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Sự trôi nổi của các băng đĩa, clip trên thị trường và đặc biệt là nguồn trên mạng internet đang là một vấn đề vô cùng nan giải đối với cơ quan quản lý nhà nước. Cục NTBD không đủ chức năng để quản lý và kiểm soát những hoạt động ngoài phạm vi quản lý của mình như các chương trình do các Đài Truyền hình sản xuất, các băng đĩa lậu lọt vào thị trường và đặc biệt là nguồn mạng xã hội. Theo tôi các cơ quan quản lý có trách nhiệm trong lĩnh vực này như Bộ TTTT, các Đài Truyền hình, các địa phương... cần có sự phối hợp với Bộ VHTTDL để có sự kiểm soát chặt chẽ các chương trình nghệ thuật, đặc biệt là ngăn chặn trào lưu xuyên tạc, bịa đặt những tác phẩm văn học, nghệ thuật như những sự việc dư luận báo chí đã lên tiếng vừa qua. Những hiện tượng như Tô Ánh Nguyệt, Tấm Cám đã thể hiện rõ sự vi phạm bản quyền tác giả”, ông Đào Đăng Hoàn - Cục phó Cục NTBD cho biết.
Hiền Lương- Trần Hà
Nguồn: cailuongvietnam.com