Nhạc sĩ Trần Hữu Bích vào thăm Giáo sư nhạc sĩ Ca Lê Thuần
“Anh tôi đã vượt qua cơn nguy kịch, nhận biết mọi người chung quanh, tuy không thể nói chuyện. Khi mọi người hỏi, ông trả lời bằng cách chớp mắt. Thật thương tâm, căn bệnh đột quỵ đã cướp đi sức khỏe của anh tôi khi anh còn rất nhiều dự án âm nhạc chưa hoàn thành”.
Trên trang cá nhân của các nhạc sĩ thuộc các thế hệ học trò của Giáo sư nhạc sĩ Ca Lê Thuần, nhiều ngày qua đã liên tục có những chia sẻ rất xúc động. Nhạc sĩ Trần Hữu Bích viết: “Nhìn Thầy nằm đấy mà không kìm được nước mắt, mới hôm nào còn đẹp như tiên ông với mái tóc bạc phơ, phong thái ung dung, điềm đạm, giọng nói sang sảng mà giờ đây thầy phải thở bằng ống thở, không nói được nhưng vẫn nhận biết bằng cách chớp mắt và vẫn tỉnh táo. Cầu mong phép mầu đến với thầy, giúp thầy bình phục, khỏe lại”.
NSƯT ca sĩ cải lương Hồng Vân tâm sự: “Năm 1972 , giáo sư Ca Lê Thuần đang học tại Nhạc viện Odessa, thời gian này ông hoàn thành một số tác phẩm khí nhạc. Sau ngày thống nhất đất nước, ông trở về miền Nam công tác tại Nhạc viện TPHCM . Từ năm 1987 đến năm 1997 , ông là đại biểu Quốc hội, là phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. Năm 1989 , ông nhận chức Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin TPHCM. Năm 1997, ông là giám đốc Nhạc viện TPHCM cho đến khi nghỉ hưu. Đây là giai đoạn chúng tôi được làm việc nhiều với ông, khi ông chủ trương mời các ca sĩ, nhạc sĩ về Nhạc viện thực hiện những chương trình biểu diễn, truyền thụ kinh nghiệm ca diễn cho các thế hệ sinh viên đi chuyên sâu vào nghiên cứu học tập dân ca ba miền. Và từ năm 2001, ông là Tổng thư ký Hội Âm nhạc TPHCM, sau này là chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM. Ông gắn bó mật thiết với chúng tôi, tạo cơ hội để chúng tôi giao lưu biểu diễn với khán giả trẻ. Hay tin ông lâm bệnh, tôi rất buồn, cầu nguyện cho ông sớm bình phục”.
Giáo sư nhạc sĩ Ca Lê Thuần
Giáo sư nhạc sĩ Ca Lê Thuần sinh ra trong một gia đình trí thức , bố mẹ đều là nhà giáo, anh chị em hầu hết hoạt động văn hóa - nghệ thuật. Ngay từ nhỏ, ông đã thấm nhuần những âm điệu hò, dân ca trữ tình, điều đó ảnh hưởng đến ngôn ngữ âm nhạc của ông sau này.
“ Năm 16 tuổi, anh tôi là diễn viên cải lương văn công sau đó theo đơn vị tập kết ra Bắc. Đến năm 1957, anh theo học sáng tác tại Trường Âm nhạc Việt Nam. Từ năm 1959 , anh học sáng tác và lý luận âm nhạc tại Nhạc viện Odessa ( Liên Xô cũ). Trở về nước năm 1964 , anh làm công tác giảng dạy sáng tác và lý luận tại Trường Âm nhạc Việt Nam, góp phần xây dựng các chương trình, giáo trình các mô kiến thức âm nhạc cơ bản và chính quy, đồng thời tiếp tục sáng tác, nổi bật là 12 bản prélude dành cho piano dựa trên cảm hứng nảy sinh từ những câu thơ, khai thác những âm hưởng trong âm nhạc dân gian Việt Nam, đặc biệt là chất dân ca Nam Bộ. Tôi trưởng thành từ sự dìu dắt của anh mình” – NSƯT đạo diễn cải lương Ca Lê Hồng tâm sự.
GS nhạc sĩ Ca lê Thuần đoạt giải nhất cuộc thi sáng tác khí nhạc với tác phẩm "Người giữ cồn"
Ông có các tác phẩm cho dàn nhạc giao hưởng: Giao hưởng thơ cung Rê trưởng; Tranh giao hưởng "Dáng đứng Việt Nam" ( 1974 ); Bản ballad -giao hưởng ( 1999 ); Tác phẩm "Mặt trời và niềm tin" ( 2001 ); Concerto cho piano và dàn nhạc ( 1983 ); Các tác phẩm dành cho hợp xướng, trong đó có: Cantata -giao hưởng Việt Nam "Tiếng hát trái tim ta" ( 1979 ), "Bài ca Việt Nam" ( 2001 ), "Âm vang Bình Dương" ( 2002 ); Tổ khúc giao hưởng- kịch múa "Ngọc trai đỏ" ( 1998 ); Nhạc cho vở ballet "Lục Vân Tiên" và Kiều Nguyệt Nga ( 2001 ); Các tác phẩm nhạc thính phòng, trong đó có: Chủ đề và biến tấu cho piano ( 1973 ); Sonata cho piano ( 1973 )…Nhiều năm liền ông là chủ tịch Hội đồng Tư vấn nghệ thuật của Giải Mai Vàng do báo Người Lao Động tổ chức.
Hiện giáo sư nhạc sĩ Ca Lê Thuần đang được điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất, phòng 548, lầu 4 khoa Cán bộ cao cấp.
Tin ảnh: Thanh Hiệp