Ngày 23-9 vừa qua, khuôn viên Trung tâm Văn hóa- Thể thao phường An Phú, quận Ninh Kiều rộn ràng như hội vì đông đảo nghệ sĩ, diễn viên cải lương về dự Giỗ Tổ. Thành viên của các câu lạc bộ sinh hoạt tại Trung tâm như CLB Lân- Sư- Rồng, CLB Đờn ca tài tử… đều có mặt đông đủ, thành kính thắp nén nhang lên hương linh Tổ nghiệp, rồi cùng ôn lại những vui buồn, chia sẻ với nhau những thành quả nghề nghiệp. Ông Lê Quang Việt, Trưởng Đoàn Lân- Sư- Rồng Việt Anh Đường, cho biết, dù không hẳn theo nghiệp sân khấu nhưng ông và các đệ tử vẫn luôn xem ngày Giỗ Tổ hằng năm là dịp để mỗi thành viên của Đoàn xem lại cách làm nghề của mình và cảm tạ Tổ nghiệp đã ban cho sức khỏe, tài nghệ để cống hiến cho khán giả.
Ông Trần Ngọc Tâm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa- Thể thao phường An Phú, chia sẻ, hoạt động Giỗ Tổ Sân khấu đã được các câu lạc bộ tổ chức suốt nhiều năm qua, quy mô ngày càng lớn hơn. “Đây cũng là dịp để “xốc” phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương đi lên”- anh Tâm nói.
Nghệ sĩ hát bội cung nghinh Tổ nghiệp phù trợ trước khi lên diễn trên sân khấu. Ảnh: DUY KHÔI
Tại Trung tâm Văn hóa thành phố, Nhà hát Tây Đô… các nghệ sĩ, diễn viên cũng đang chỉnh trang bàn thờ Tổ nghiệp, tập luyện văn nghệ cho buổi Giỗ Tổ.
Ông Huỳnh Nhật Danh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ, cho biết, đây là hoạt động được đơn vị duy trì suốt nhiều năm qua. Nhiều anh em từng công tác, cộng tác với Trung tâm cũng về thắp nhang tưởng nhớ Tổ nghiệp.
Theo ông Danh, đây còn là ngày hội của những người làm nghề dù đang công tác hay về hưu, họ ngồi lại để tâm sự chuyện nghề, chuyện sân khấu, từng khóc cười sau cánh màn nhung để thấy nghề sân khấu thật đẹp.
Ngoài ra, ở các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ khắp thành phố cũng thành kính tổ chức ngày Giỗ của nghiệp diễn. Ông Trần Văn Bưởi, mọi người quen gọi là Nhạc Bưởi, nhà ở rạch Ông Chăn, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, được xem là “đệ nhất” nhạc lễ ở Cần Thơ hiện nay.
Nhạc Bưởi là thế hệ thứ 4 trong gia đình có truyền thống nhạc lễ vùng Ô Môn, các con ông cũng nối nghiệp cha. Ông cũng đào tạo nhiều đệ tử có tiếng. Trong ngôi nhà đơn sơ, nơi trang trọng nhất ông dành thờ Tổ nghiệp Nhạc sư.
Mỗi năm đến dịp Giỗ Tổ, các học trò của Nhạc Bưởi không ai bảo ai lại tìm về nhà thầy để tạ ơn Tổ nghiệp. Bên làn hương lan tỏa, thầy trò Nhạc Bưởi người cò, người trống… cùng hòa khúc nhạc lễ linh thiêng dâng lên Tổ nghiệp.
“Kính nghề mới được làm nghề”- Nhạc Bưởi tâm niệm. Nửa thế kỷ theo nghiệp, nghề nhạc lễ nuôi sống cả gia đình, vậy nên Nhạc Bưởi luôn tâm niệm, đó là nhờ “chén cơm của Tổ nghiệp”.
Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc Tổ nghiệp Sân khấu và vì sao ngày 12-8 âm lịch hằng năm là ngày Giỗ Tổ, nhưng các nghệ sĩ từ bao đời qua vẫn cùng chung tâm nguyện hướng về Tổ nghiệp. Tùy khả năng, điều kiện mà mỗi nghệ sĩ tưởng nhớ Tổ nghiệp theo cách riêng của mình.
Nghệ nhân Phương Ánh, Trưởng Đoàn nghệ thuật tuồng cổ Phương Ánh từng chia sẻ với chúng tôi về lòng tín cẩn của đào kép dành cho Tổ nghiệp. “Ai làm nghề chân chính thì “Tổ đãi”, bằng dối trá thì “Tổ chác”. Làm gì cũng phải nhớ ơn Tổ nghiệp, hột cơm Tổ nghiệp còn dính kẽ răng mà”- nghệ nhân Phương Ánh nói.
Vậy nên trong hành trang rày đây mai đó hát bội, diễn tuồng, nghệ nhân Phương Ánh trân trọng nhất vẫn là bàn thờ Tổ. Trước khi mở cánh màn nhung hát, bà Ánh và các nghệ sĩ lại thành kính thắp nhang cầu Tổ phù trợ.
Không chỉ bà Ánh mà những nghệ sĩ có tiếng ở Đoàn Tuồng cổ Minh Tơ (TP Hồ Chí Minh), các Đoàn Cải lương, nghệ thuật tổng hợp… đều có chung niềm tin như thế.
Suy cho cùng, niềm tin ấy cũng là biểu thị cho tình yêu nghề sân khấu, trách nhiệm với nghề và rèn đạo đức của người nghệ sĩ. Nhất là trong thực tế có nhiều người mang danh nghệ sĩ nhưng lại coi nghiệp của mình thật rẻ, trục lợi trên lòng ngưỡng mộ của khán giả, thì Giỗ Tổ chính là dịp để họ “soi” lại chính mình!
ĐĂNG HUỲNH
Nguồn: cailuongvietnam.com