Xuất hiện trước công chúng ít đi, guitarist Châu Đăng Khoa - chàng thủ khoa Nhạc viện TP HCM, một trong những người khai sinh phong trào guitar cổ điển ở TP HCM hơn 30 năm trước - được cho rằng dường như anh lui về ở ẩn.
Nghệ sĩ guitar Châu Đăng Khoa (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Nhưng đó là một cách nói, một dạng ở ẩn theo cách của anh mà thôi. Đâu đó trong các buổi họp mặt bè bạn thân tình, anh vẫn diễn tấu bằng tài hoa của một guitarist hàng đầu. Kỷ niệm 55 năm Nhạc viện TP HCM vào năm 2011, khoa guitar vẫn trang trọng dành cho anh trình tấu 2 bài anh sáng tác: "Bức tranh guitar" và "Bolero Flamenco". Thỉnh thoảng tại quán Guitar Gỗ, anh lại trình tấu trong một số chương trình do bạn bè vì quý mến mà bày "show", để được thấy bóng dáng anh, để được nghe anh qua những bản kinh điển cực khó mà cực hay, bao người mộ điệu muốn nghe hoài không chán từ tài hoa của những danh cầm thế giới.
Châu Đăng Khoa với cây đàn. Chìm đắm cả không gian, lắng hết vào 6 dây reo, tiếng bass kỳ tài. Ngón đàn vẫn ngọt. Tài hoa vẫn đầy. Lần này, anh trở lại với tần suất dày hơn mà người thân nói vui: Trở lại, lợi hại như xưa. Anh cười hiền, mái tóc dài xõa tung, những đốm nắng đậu trên vai áo trưa nào một góc quán sân vườn Sài Gòn.
Mới đây, giữa tháng 4-2017, anh trình tấu tại quán Cây, địa chỉ mới của anh thay cho Guitar Gỗ, tiếp tục là nơi "góc nhỏ lắng nghe mình". Anh chỉ thông báo cho bạn bè trong diện hẹp nhưng khán phòng không đủ chỗ bởi nhiều người mộ điệu ghé đến nghe anh trình diễn. Để trở lại, dù chỉ với số đông công chúng có hạn hay trên sân khấu lớn "thánh đường" nhạc viện, Châu Đăng Khoa vẫn trau luyện từng ngón đàn, từng tuyệt kỹ. Anh có thể ngồi ôm đàn cả buổi, cả ngày với niềm đam mê bất tận dành cho guitar cổ điển, đã đi trọn đời với guitar. Từ thuở hoa niên, dưới vòm cây bên bờ sông ở bến Bình Đông tập đàn trong nắng gió đến chàng sinh viên Nhạc viện TP vừa đạp xe vừa "luyện ngón" ôn bài, ăn bánh mì uống nước phông-tên những năm 70-80 của thế kỷ trước đến một Châu Đăng Khoa vang danh, vẫn là người được nhắc nhớ nhiều nhất trong những danh cầm Việt Nam hiện đại.
Đêm 11-4, Châu Đăng Khoa trình tấu những bản đã thành kinh điển ở đẳng cấp một cao thủ, từ "Serenade" của Franz Schubert, "Five pieces from Venezuela" của Vicente Emilio Sojo, "Mandolinata" (G. Albert), "Capricho Arabe" (Francisco Tarrega)... đến "Prelude no.1" (Heitor Villa Lobos), "Sonata A" (Domenico Scarlatti)... Anh cũng đáp ứng niềm mong đợi của người mộ điệu khi trình tấu 2 bản anh sáng tác: "Con sóng" và "Bolero Flamenco". Cùng góp mặt trong đêm diễn là học trò của anh - nghệ sĩ trẻ Lê Minh Ngọc - với một số bản trình tấu khá thành công. Những tràng pháo tay không dứt khi đêm diễn khép lại thay cho mọi lời hoa mỹ, là hiện thân sức sống bền bỉ, lắng sâu của guitar cổ điển giữa dòng chảy tân thời.
Tuần sau, Châu Đăng Khoa lại có 2 đêm (13 và 14-5) trình tấu cùng một số người bạn và học trò tại Hội An và Đà Nẵng. Lâu lắm rồi anh chưa trở lại miền Trung nên lần tái ngộ này sẽ sâu đậm tình bằng hữu, tình tiểu sử nghệ sĩ và người mộ điệu háo hức chờ nghe tiếng guitar của Châu Đăng Khoa réo rắt, tài hoa.
BÙI VIỆT QUÝ
Nguồn: nld.com.vn