1. Tháng 7 năm 2001, tôi cùng nhà thơ Nguyễn Duy, tham gia trại hè của Trung tâm William Joiner của Đại học Massachusetts, Boston, Hoa Kỳ. Ngoài những buổi đọc thơ ở Santa Fe và Boston, tôi có cuộc gặp với một nhóm độc giả Mỹ để thử dịch một bài thơ của tôi. Trong cuộc gặp, khi nhắc đến văn học Việt Nam, tôi nói nhiều về tác phẩm của Nguyễn Minh Châu và khẳng định Nguyễn Minh Châu là khuôn mặt đẹp nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại. Tôi hy vọng họ sẽ có dịp được đọc ông, đọc những truyện ngắn đặc sắc của ông và bản tuyên ngôn văn chương tuyệt vời Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa.
Nhà văn Nguyễn Minh Châu
Làm việc tại Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới, một nhà xuất bản có chức năng giới thiệu tác phẩm của các nhà văn đương đại, tôi có nhiều dịp gặp gỡ các nhà văn, nhà thơ, kể cả những người ở xa Hà Nội. Nhưng tôi không mấy khi gặp Nguyễn Minh Châu, dù ông đã cho in tại đây rất nhiều tác phẩm của mình.
Hồi đó, Tạp chí Văn nghệ Quân đội còn được Xuân Quỳnh gọi là “Hội nhà văn của những người viết trẻ”. Chúng tôi thường qua đó gửi bài và rất thân thiết với các anh chị lớp trước, nhưng tôi cũng chưa khi nào được “chạm mặt” Nguyễn Minh Châu. Hình như ông ít xuất hiện ở những nơi đông người, mà có tới, chắc cũng ngồi ở một căn phòng đóng kín cửa nào đó trong số 4 Lý Nam Đế, hay một góc khuất nào đó trong những lần họp hành của giới văn nghệ.
Mãi sau những năm tám mươi đầy biến động, tôi mới có vài lần gặp hiếm hoi và quý giá với nhà văn mà mình yêu mến, quý trọng.
Đó là một buổi sáng, khi Xuân Quỳnh, Lê Minh Khuê và tôi đang tụ tập tại phòng làm việc của tôi (Tổ Thơ, Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới), tán chuyện, cười nói rôm rả thì Nguyễn Minh Châu bước vào. Như lệ thường, ông mặc bộ quần áo màu cỏ úa của bộ đội, tay cầm một chiếc túi vải cũ, cùng màu. Ông hỏi: “Các cô có chuyện gì mà vui thế. Còn tôi thì có nhiều cái sợ quá”. Xuân Quỳnh hỏi ngay: “Anh sợ gì?”. Ông cười mà giọng thì buồn buồn: “Sợ đủ thứ, sợ ma quỷ, sợ đám phê bình, sợ tuyên huấn...”. Chúng tôi biết ông đang buồn bực vì bị một số người xúm vào phê phán các truyện ngắn mới xuất bản của ông, nào là phi hiện thực, nào là phi xã hội chủ nghĩa... Tôi và Lê Minh Khuê im lặng, chỉ có Quỳnh kịp ứng xử với tình cảnh. Quỳnh gọi những người phê phán ông với đủ thứ biệt danh: kẻ thì “chữ vón trong đầu”, người thì “mồm như ống nhổ thầy Đề”, kẻ lại giống “bươm bướm ma”... Cách làm của Quỳnh có hiệu quả lập tức. Ông phì cười, nét mặt chợt nhẹ nhõm.
Dịp thứ hai là chuyến đi cùng Ban Nhà văn trẻ lên Hội Văn nghệ Thái Nguyên, vào năm 1984. Nguyễn Minh Châu lúc này đã có Cửa sông, Những vùng trời khác nhau, Dấu chân người lính, Lửa từ những ngôi nhà, Miền cháy, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành... Trong khi chúng tôi giao lưu, trao đổi công việc với các anh chị ở Hội Văn nghệ địa phương thì ông được các thầy cô Đại học Sư phạm Việt Bắc mời nói chuyện với sinh viên. Không phải là người hoạt ngôn, lại ngại đám đông nên Nguyễn Minh Châu nhận lời không mấy vui vẻ. Thế nhưng, khi gặp lại chúng tôi, ông hào hứng khoe, trong đám thính giả có một cô áo đỏ rất xinh. Chúng tôi tò mò, tìm cách xem mặt cô gái bằng được. Cả bọn hơi bất ngờ vì đó là một nhan sắc rất bình thường.
Lại nhớ, Xuân Quỳnh kể chuyện đi Liên Xô cùng Nguyễn Minh Châu và một nữ văn sĩ khác. Nữ văn sĩ là người vốn kiểu cách. Nàng chê Nguyễn Minh Châu không biết trò chuyện, không biết cởi áo khoác, xách túi, kéo va-li cho phụ nữ... Một hôm, cả đoàn được mời đi tham quan viện bảo tàng. Nữ sĩ lên cơn đau tim, đòi ở nhà. Nàng bắt đoàn trưởng Nguyễn Minh Châu ở nhà để theo dõi bệnh tình. Xuân Quỳnh đi một mình, lúc quay về thấy nữ sĩ nằm đắp chăn trên giường, còn Nguyễn Minh Châu ngồi chồm hổm trên chiếc ghế kê bên cạnh, tay bó gối, mắt nhìn chăm chăm vào mặt người bệnh. Tôi ngờ rằng Xuân Quỳnh có thêm bớt chút ít nhưng những chi tiết đều phù hợp với tính cách Nguyễn Minh Châu, với cách cư xử có phần vụng về, nhất là đối với phụ nữ của ông.
Vậy mà lạ thay, các nhân vật nữ của ông lại đẹp vô cùng. Quỳ (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành) chẳng hạn. Đọc truyện rồi, tôi háo hức chờ đợi bộ phim Người đàn bà mộng du của đạo diễn cải lương Nguyễn Thanh Vân, để có thể thấy Quỳ bằng xương bằng thịt. Tôi hơi bị hẫng, dù diễn viên cải lương chính là một người nổi tiếng tài sắc. Mọi sự có lẽ, một phần do độ chênh tất yếu giữa văn học và điện ảnh, phần khác, do cách hình dung của tôi về vẻ đẹp khác thường của người đàn bà mộng du suốt đời đi tìm cái đẹp tuyệt đối của Nguyễn Minh Châu.
Dịp thứ ba là khoảng giữa 1987, khi tôi chuẩn bị dời vào Sài Gòn. Tôi không nhớ ai đã tổ chức chuyến lên công trường thủy điện Sông Đà, chỉ nhớ trong đoàn có Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh, Lê Lựu, Trần Chinh Vũ, tôi và con trai thứ hai của tôi.
Thủy điện Sông Đà lúc ấy là một công trình lớn và thu hút sự chú ý của toàn xã hội, trong đó có giới văn nghệ. Ban lãnh đạo công trường dường như đã quá quen với các chuyến “đi thực tế” (một khái niệm chỉ việc đưa nhà văn về các cơ sở sản xuất, các nông trường, hợp tác xã nông nghiệp... tìm hiểu đời sống người lao động để viết nên những tác phẩm theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa) nên việc đón tiếp cũng nhẹ nhàng: cử nhân viên đưa các nhà văn vào nhà khách, báo cơm ở nhà ăn chung, bố trí cho khách gặp một số kỹ sư, công nhân tiêu biểu và đưa khách ra công trường nhìn ngắm công nhân làm việc.
Nguyễn Minh Châu tham gia tất cả các sự vụ, ngoại trừ việc ra công trường. Khi chúng tôi háo hức ra đi thì ông dứt khoát ở nhà cùng cậu con trai nhỏ của tôi. Có thể ông không mấy thích thú với những chuyến đi thực tế có phần thô thiển. Mà cũng có thể, ông có cách riêng của mình. Nghe đâu, lúc vào chiến trường, Nguyễn Minh Châu thường mắc võng ở nhà ăn, trùm kín mặt, nằm nghe lính kháo chuyện nhà, chuyện chiến trận, những câu chuyện vô tư, không sắp đặt, bày tỏ hết những cảnh ngộ họ từng trải qua, những nỗi lo âu, nhớ nhung, chờ đợi của họ.
Ông từng nói điều này trong tác phẩm của mình, qua nhân vật nhà báo trong thiên truyện Mùa trái cóc ở miền Nam: “Nhờ nghe hóng tôi biết được ối chuyện, tôi biết cả trong và sau trận đánh lịch sử cuối cùng ấy đã chứa đựng biết bao chuyện thật và chuyện giả dối đến mức đau lòng. Cái sự thật nghiệt ngã sẽ lắng đọng lại mãi mãi trong trí nhớ những thằng lính đang ngồi với tôi đây nhưng nay mai sẽ mỗi đứa đi một ngả, còn lịch sử viết thành văn bao giờ cũng trang trọng và sạch sẽ”. Và biết đâu, Nguyễn Minh Châu có cách nhìn nhận vai trò của tư liệu khác những nhà văn cùng thế hệ: đối với ông, tài liệu chỉ là một phương tiện quá cảnh, dùng để chuyên chở tư tưởng, là cái trường hoạt động để tư tưởng có dịp triển khai mà thôi.
2. Tôi thực sự “mê” Nguyễn Minh Châu khi đọc truyện ngắn Bức tranh. Mặc dù ông không để thời gian viết ở cuối truyện, tôi nghĩ truyện phải được viết sau năm 1980, cùng thời kỳ với Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành - thời kỳ bắt đầu những thay đổi quan trọng của ông, thời kỳ chuẩn bị cho Chiếc thuyền ngoài xa, Khách ở quê ra, Cỏ lau, Phiên chợ Giát... những tác phẩm được nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Đăng Mạnh đánh giá đã thực sự “thoát ra thành tiếng nói nghệ thuật” (theo Vương Trí Nhàn).
Nhân vật chính trong Bức tranh là một họa sĩ. Trong chuyến đi vất vả đem tranh ra miền Bắc tham dự triển lãm, họa sĩ được một người lính giúp đỡ rất nhiều. Cảm động vì sự giúp đỡ, họa sĩ đã vẽ bức chân dung của người lính và hứa chuyển tận tay cho mẹ anh ta ở một vùng quê đang ngày đêm mong ngóng tin con.
Thế nhưng, khi bức tranh được giới nghệ thuật đánh giá cao và ông được vinh danh, họa sĩ đã quên mất lời hứa. Trớ trêu sao, một hôm ông ghé vào tiệm cắt tóc bên đường rồi nhận ra người thợ cắt tóc chính là người lính năm xưa và người mẹ của anh mắt đã lòa vì khóc thương con, đang dọn dẹp quanh quẩn.
Trớ trêu hơn, khi người lính nhất quyết không chịu nhận ra người quen cũ, thản nhiên làm công việc của mình. Tưởng như sự “phớt lờ” của người lính là cái cớ để họa sĩ có thể đào thoát nhưng chính điều đó lại khiến cho những ngày tháng của họa sĩ như bị đảo tung lên bởi đau đớn, tủi hổ. Ông không thể trốn khỏi cái tiệm cắt tóc vỉa hè ấy, không thể trốn thoát những gì ông đã gây ra cho người lính, cho người mẹ của anh.
Đây là lần đầu tiên trong văn học Việt Nam, tôi tìm thấy một nhân vật muốn vẽ bức chân dung tự họa để “tự đối diện với mình”, để “nhìn kỹ cái mặt mình”. Bức chân dung này ám ảnh tôi đến nỗi, khi đọc ông, tôi cứ mải mê theo cái vệt của những khuôn mặt người, những dáng dấp người có phần khác thường... Cố nhiên, cùng với những khuôn mặt này, những dáng dấp này là những thân phận, những cảnh ngộ cũng “khác thường”.
Sớm nhận ra căn bệnh của văn học Việt Nam: “Hình như trong ý niệm sâu xa của người Việt Nam chúng ta hiện thực của văn học có khi không phải là cái hiện thực đang tồn tại mà là cái hiện thực mọi người đang hy vọng, đang mơ ước” (Nguyễn Minh Châu, theo Vương Trí Nhàn). Nguyễn Minh Châu đã viết về cái hiện thực “đang tồn tại”, cái “đang là” chứ không phải cái “phải là”. Đó là sự khác biệt với chính ông trước đó và với những tác giả khác đồng thời. Văn chương của Nguyễn Minh Châu lúc này tựa như một thứ thuốc hiện hình, làm bật lên cái thật, cái bản chất của con người.
Đó là những lựa chọn đầy ý thức của một nhà văn biết hoài nghi, luôn đi tìm những gì còn khuất lấp, những bí mật của con người.
Chính nỗi lo âu, khắc khoải đó đã tạo nên tác phẩm Phiên chợ Giát, thiên truyện cuối cùng của Nguyễn Minh Châu, lời từ biệt vừa cay đắng vừa huy hoàng của ông. Có thể nói, Phiên chợ Giát là kết quả của một chặng “đi tìm đường” để hiện đại hóa tư duy văn học của Nguyễn Minh Châu - một “quá trình làm việc tự nhiên song phải nói là rất vất vả của một người tự học” (Vương Trí Nhàn).
Tôi đọc Phiên chợ Giát nhiều lần mà lần nào cũng có cảm giác ngỡ ngàng sao đó. Tôi luôn cảm thấy mình chưa thấu hiểu thiên truyện, chưa thấu hiểu nỗi khắc khoải, sự bất an, niềm lo âu của nhà văn trước thân phận người, trước cõi người.
3. Tôi có phần bất ngờ khi Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa xuất hiện trên báo Văn Nghệ vào năm 1987 (thường được gọi tắt là Lời ai điếu). Bất ngờ vì Nguyễn Minh Châu rất ít khi có những phát biểu liên quan đến các vấn đề mang tính lý luận, rất ít khi “lập ngôn”. Nếu có, thì chỉ trong nhóm bạn bè thật gần gũi, như Vương Trí Nhàn, Nguyễn Khải.
Nhưng bất ngờ lớn hơn vì bài viết xuất hiện sau khi Đề dẫn nhìn lại một thời kỳ văn học vừa qua, phương hướng nhiệm vụ của văn học trong tình hình mới của Nguyên Ngọc (thường được gọi tắt là Đề dẫn) vào năm 1979 và Về một đặc điểm của văn học và nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua của Hoàng Ngọc Hiến (cùng năm 1979) bị phê phán, mô xẻ, thậm chí vùi dập tơi tả.
Trong một thời gian dài, người ta dường như “quên” những vấn đề “nhạy cảm” ấy và tưởng không còn ai nhắc lại những vấn đề đã được Đề dẫn và bài viết của Hoàng Ngọc Hiến đặt ra. Vậy rồi, Lời ai điếu thổi bùng lên ngọn lửa vẫn âm ỉ trong tâm khảm những người thực tâm muốn thay đổi, muốn đổi mới.
Gian trưng bày dành cho nhà văn Nguyễn Minh Châu trong Bảo tàng Văn học Việt Nam
Nguyễn Minh Châu, trong vị thế một nhà văn độc lập, không ngần ngại chỉ thẳng ra căn bệnh trầm kha của nền văn học Việt Nam hiện đại. Đó là lớp nhà văn “được chăm sóc chăn dắt kỹ lưỡng... họ cầm bút là nghĩ đến né tránh, che chắn, rào đón, đối phó... cùng một lúc phải cầm hai cây bút: một cây bút để viết cho người đọc bình thường, cho đời, một cây bút khác viết cho đạo, lo việc che chắn, viết cho lãnh đạo văn nghệ đọc”. Với cách viết ấy, đương nhiên chỉ có thể đẻ ra những tác phẩm minh họa: sơ lược, nhạt nhẽo, giả. “Nhà văn chỉ được giao phó công việc như một cán bộ truyền đạt đường lối chính sách bằng hình tượng văn học sinh động...”. Điều kinh khủng nhất là nhà văn đã quen với lối nghĩ, lối viết ấy, đã “thích nghi với văn học minh họa”. Sự chấp nhận ấy đồng nghĩa với việc nhà văn đánh mất cái đầu và tác phẩm văn học đánh mất tính tư tưởng “như một người đánh mất phần hồn chỉ còn phần xác hoặc chỉ còn cái phần hồn do nhà nước bao cấp”. Ông đau đớn thốt lên: “chúng ta thiếu vắng những cây thông đứng sừng sững”; “cũng trong một con người cầm bút, có khi cái phần bất tài nhảy lên bục tao đàn để múa may, còn cái phần tài năng thì trùm chăn nằm chờ ngày xuống mồ”.
Gần 30 năm trôi qua mà tôi vẫn nghe thấy câu hỏi: “Chẳng lẽ mãi mãi thế hệ nhà văn Việt Nam chúng ta vẫn cứ yên tâm sản xuất ra những sản vật không bao giờ được ngó đến trong nền văn học thế giới. Chẳng lẽ Việt Nam ngày nay chỉ hưởng của thiên hạ mà không làm ra được cái gì góp vào của chung của thiên hạ? Chẳng lẽ nhà văn Việt Nam đi ra ngoài mãi mãi chỉ có chung một cái tên là Nhà văn Việt Nam...” và sự tiếc nuối quặn lòng: “giá mấy chục năm qua văn nghệ không lấy minh họa làm đường hướng, đừng có cái hành lang hẹp và thấp ấy, cả cái bầu không khí nghi ngờ lơ lửng trên đầu các nhà văn nghệ sĩ mà chủ trương khuyến khích cá tính, khuyến khích sáng tạo và chấp nhận đa dạng... không khéo những cái gì và những người mà lâu nay chúng ta kêu ca, lên án hoặc cố tình quên đi lại là những cái, những người còn lại”.
Khi ngồi viết lại những dòng này lòng tôi vẫn tràn ngập niềm cảm thương và niềm kính trọng con người tuyệt vời này. Trước và sau Nguyễn Minh Châu, trong suốt 70 năm qua chưa có nhà văn Việt Nam nào cất lên tiếng nói quả cảm, quyết liệt, cay đắng, nồng nhiệt như ông. Không phải vô cớ mà có người gọi bản tuyên ngôn văn học đặc sắc này là Trảm văn nghệ minh họa sớ, gợi nhớ đến Thất trảm sớ của Chu Văn An. Nguyên Ngọc hoàn toàn đúng khi gọi Nguyễn Minh Châu là: “Người mở đường tinh anh và tài năng đã đi được xa nhất”.
Nhà văn Nguyễn Minh Châu
Tự thức tỉnh
điều chỉ có nơi một lương tâm trong sạch
Tự lìa bỏ
những giá trị đã một thời xây đắp
(điều chỉ có nơi một người hoàn toàn mạnh mẽ)
Tự bước khỏi lối mòn
(cái lối mòn từng dẫn tới vinh quang)
điều chỉ xảy ra với một tài năng
Bừng sáng
giữa bao nhiêu ràng buộc
tối tăm
Bừng sáng
giữa bao nhiêu hiềm khích
Bừng sáng
Gương - mặt - người - kêu - gọi.
Ý Nhi (1990)
Ý Nhi
Nguồn: nguoidothi.vn