|
Sau khi Đoàn Cải lương Chuông Vàng ở Sóc Trăng tan rã, vợ chồng nghệ sĩ Vương Tuấn - Kiều Loan mở quán ca cổ 9999 ở quốc lộ 1A. Nay vợ chồng anh chị đã cất nhà riêng, mở quán tại nhà. Ảnh: Lin Ca |
Dân Sài Gòn bảo nhau rằng về miền Tây mà không thưởng thức đặc sản cải lương vùng sông nước được mệnh danh "muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tự bánh canh" là "chết nửa cuộc đời". Vì thế, cánh nhà văn, nhà thơ ở TP HCM về Cà Mau, Bạc Liêu hay Sóc Trăng những ngày này đều được đồng nghiệp đưa đi nhậu quán ca cổ với những cái tên quen thuộc như Linh Tuấn - Thanh Kim Hiền, Minh Sang, Tuấn Liêm, Hồng Chi… Bia, mồi dọn ra, thầy đờn bước vào, "chủ xị" của tiệc nhậu không quên điện thoại mời chủ quán là những ca sĩ cải lương một thời từng được khán giả miền Tây hâm mộ.
Ở Cà Mau, đường Nguyễn Du của thành phố cực Nam Tổ quốc được dân địa phương gọi là "con đường ca cổ". Ôtô, taxi đưa đón khách Sài Gòn ra vào nhiều hơn vào những ngày cuối tuần bởi khách du lịch hay giới văn nghệ sĩ phương xa đến Cà Mau thường được đồng nghiệp xứ U Minh mời ăn cơm, uống vài chai bia tại quán ca cổ để được thưởng thức "đặc sản" là những câu vọng cổ mùi mẫn làm quên cả đường về.
Lần nào ghé quán ca cổ Hồng Chi, cánh văn nghệ sĩ Sài Gòn đều yêu cầu nữ chủ quán giúp vui với bài hát Minh Hải tươi sắc nắng. Dù lớn tuổi nhưng nghệ sĩ nổi tiếng một thời của Đoàn Cải lương Hương Tràm (Minh Hải cũ) vẫn cất cao giọng hát ngọt ngào để khách còn nhớ ghé lần sau. Dứt những lời ngâm "Minh Hải dịu dàng tươi sắc nắng/Quanh vòng tay mẹ lắm phong trần/Trời mênh mông, đất mênh mông/Tràm xanh muối trắng lúa đồng vàng mơ", nghệ sĩ Hồng Chi vang câu vọng cổ "Đầm thấm những con sông lắng trong buồn vui mơ ước/Gom gió trong quê biến thành hương nước tươi sắc mây... chiều". Hồng Chi dứt câu làm khách vỗ tay rồi thẫn thờ, quên cả cụng ly vì vọng cổ miền Tây làm khách vấn vương với vui buồn lẫn lộn. Và cuộc đời nghệ sĩ cũng như câu vọng cổ buồn đeo đẳng mãi cuộc đời những người hết mình về nghệ thuật cải lương.
Cùng với vợ chồng Tuấn Liêm - Hồng Chi, khi đoàn hát gắn bó nhiều năm hoạt động lay lắt, đồng lương quá thấp không đủ nuôi sống gia đình nên nghệ sĩ Minh Sang cũng mở quán nhậu tại Cà Mau. Ở tuổi 67, nghệ sĩ từng theo nghiệp cải lương từ năm 14 tuổi này giao quán cho vợ, ông vào rừng U Minh nhận khoán đất trồng rừng, nuôi cá đồng.
Theo nghệ sĩ Minh Sang, dân miền Tây đa số đều biết đờn ca vọng cổ. Có người tuy hát không hay nhưng cũng đủ làm thương hiệu cho vùng sông nước. Vì vậy, khi các đoàn cải lương chuyên nghiệp lần lượt giải tán hoặc hoạt động lay lắt như bông tràm vùng U Minh thì nghệ sĩ tự cứu gia đình bằng cách mở quán mang tên chính mình. "Nghệ sĩ nào có danh tiếng, được khán giả và bạn bè ủng hộ thì khách đông nhưng cũng không bền lâu. Vài năm nay quán ế lắm, có ngày chỉ được vài bàn khách, lãi không đủ chi phí", nghệ sĩ Tuấn Sang chia sẻ.
|
Giọng ca mượt mà và tiếng đàn hay trong bàn tiệc làm khách đến miền Tây lưu luyến mãi. Ảnh: Lin Ca |
Là cặp vợ chồng nghệ sĩ có chất giọng được khán giả yêu mến nhưng hơn 10 năm trước Đoàn cải lương Chuông Vàng (Sóc Trăng) tan rã. Nay nghệ sĩ Linh Tuấn - Thanh Kim Hiền thuê đất trong đường vào khu dân cư Bình An của nữ đại gia thủy sản Diệu Hiền để mở quán ca cổ mang tên mình. Khi ấy, nhiều bàn nhậu kê sat sát, khách đâu lưng với nhau ăn uống và có dịp giao lưu với vợ chồng nghệ sĩ khi Thanh Kim Hiền vừa mới sinh con gái đầu lòng. Được bạn bè quý mến, ủng hộ đãi tiệc tại quán có đặc sản ca cổ đậm chất Nam bộ, vợ chồng Linh Tuấn - Thanh Kim Hiền có của ăn của để, mua đất xây nhà, dời quán nhậu sang đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, TP Sóc Trăng.
Để tạo công ăn việc làm cho thanh thiếu niên thất nghiệp ở quê, những cô gái, chàng trai mê ca hát được Thanh Kim Hiền đưa từ quê chị ở Đồng Tháp về Sóc Trăng đào tạo đờn ca, hát góp vui khi khách có yêu cầu. Trong đó, người cầm đờn chính mỗi khi có khách quý được vợ chồng Linh Tuấn trưng dụng là một đồng nghiệp cũ ở Đoàn cải lương Chuông Vàng vang tiếng một thời đất Nam kỳ lục tỉnh.
Gần quán Linh Tuấn - Thanh Kim Hiền, vợ chồng nghệ sĩ Vương Tuấn - Kiều Loan cũng mua được thửa đất mở quán ca cổ 9999. Trước đây vợ chồng nghệ sĩ trẻ này thuê đất mở quán trên quốc lộ 1A sau khi Chuông Vàng gãy gánh. Với chất giọng mượt mà, dân văn nghệ thường đến quán ủng hộ nhưng chi phí thuê đất ngày càng đắt đỏ, Vương Tuấn - Kiều Loan mua đất cất nhà, xây phòng phục vụ ca cổ cho khách nhậu mê cải lương.
Không may mắn như vợ chồng Linh Tuấn, Vương Tuấn, nghệ sĩ hài Tuấn Bình không có vốn mở quán đành thuê nhà mở tiệm hớt tóc Định mang tên thật của mình. Khách quen của anh Định thường vẫn là anh em văn nghệ sĩ và giới bình dân ở phường 7, TP Sóc Trăng. Mỗi tháng nghệ sĩ hài ngày nào phải trả tiền nhà trọ, điện nước gần 800.000 đồng và lo cho con ăn học nên anh phải chạy sô đám tiệc mới trang trải đủ chi phí. Theo anh Định, trước đây anh chưa biết đàn hát đám cưới nên làm cả 2 ngày, khan cả cổ chỉ được 400.000 đồng. Nay anh đàn tốt nên mỗi đám cưới được từ 500.000-700.000 đồng.
|
Không có vốn mở quán, nghệ sĩ Tuấn Bình của Đoàn Cải lương Chuông Vàng ngày nào thuê nhà mở tiệm hớt tóc mang tên khai sinh của mình trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP Sóc Trăng. Ảnh: Lin Ca |
Không riêng gì Sóc Trăng hay Cà Mau mà nhiều nghệ sĩ của Đoàn cải lương Cao Văn Lầu ở Bạc Liêu cũng mở loạt quán ca cổ như Công Tràng, Ngân Trinh - Mạnh Tường, Lệ Mỹ, Hoài Cổ… dọc theo tuyến đường từ trung tâm TP Bạc Liêu đến cầu Xáng. Nghệ sĩ Hồng Chi ở Cà Mau cũng mở thêm quán ở Bạc Liêu làm cho phong trào đàn ca tài tử có chút men say và được nhiều "đào" là các cô gái trẻ không chuyên phụ ca góp vui làm "kép" là khách nhậu muốn hát mãi không về.
Trò chuyện cùng Ngoisao.net, nghệ sĩ Linh Tuấn cho biết để duy trì hoạt động của quán, ngoài việc kinh doanh đàng hoàng, không chặt chém, vợ chồng anh luôn biết sống có trước có sau với bạn bè, đồng nghiệp và chan hòa với hàng xóm xung quanh. Để có thêm thu nhập, vợ chồng Linh Tuấn thường tham gia những buổi thu âm, ghi hình của các đài truyền hình khu vực và TP HCM. Mỗi chuyến công tác 2-3 ngày, vợ chồng anh mỗi người được nhận thù lao 3-4 triệu đồng.
"Nhiều lúc anh em đồng nghiệp rất muốn gầy dựng lại đoàn hát vì không muốn sân khấu cải lương hết thời vàng son nhưng lực bất tòng tâm vì lam sao có vốn khoảng 5 tỷ đồng để mua xe di chuyển, đạo cụ, âm thanh, ánh sáng… Đó là chưa kể phải đào tạo lại dàn diễn viên trẻ mất thêm nhiều năm. Thôi thì cứ kinh doanh quán nghệ sĩ mà sống", nghệ sĩ Linh Tuấn chia sẻ.
Lin Ca
Nguồn: ngoisao.net