Ở miền Nam, mỗi làng, xã đều có ngôi đình thờ thần, một số nơi có miếu thờ thánh. Riêng tại
TP HCM có rất nhiều đình, miếu nổi tiếng. Ở đó, hằng năm thường diễn ra lễ cúng Kỳ yên, hát chầu. Đây là đất sống cuối cùng của nghệ sĩ hát bội. Nếu không biết giữ gìn, họ sẽ mất hết.
Duy trì “3 không”
Những năm trước, các hội đình “ham vui” đã mời nhiều đoàn cải lương pha hồ quảng, tấu hài, xiếc, ảo thuật về hát cúng đình. Năm nay, chủ trương tái hiện nguyên vẹn vở tuồng có giá trị về mặt nghệ thuật, góp phần chuẩn mực hóa nghệ thuật hát bội cho đời sống cộng đồng đã được các hội đình và nghệ sĩ quan tâm. Đây là tín hiệu vui mang thông điệp tốt đẹp cho sự sống còn của bộ môn nghệ thuật dân tộc vốn gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động.
Cảnh biểu diễn trong mùa hát chầu tại đình Phú Nhuận, TP HCM
Ý tưởng lớn gặp nhau khi các hội đình đồng thanh nói “3 không” trong việc tổ chức hát chầu: không pha cải lương hồ quảng, không chọc cười bằng tấu hài và không cờ bạc trá hình. NSND Đinh Bằng Phi phấn khởi: “Điều này tôi đã cảnh báo 20 năm trước, đến nay các hội đình cũng đã nhận thấy và hưởng ứng”.
Tại TP HCM, các đình: Cầu Quan, Cầu Muối, Hòa Hưng, Lý Nhơn, Tân Kiểng, Tân An, Phú Hòa, Phú Nhuận, Xóm Củi, Bình Tiên, Minh Phụng, Cần Đước, lăng Ông Bà Chiểu... đã đồng loạt tổ chức nhiều suất diễn trọn vẹn tuồng hát bội hoặc vở cải lương ca ngợi những chiến công của các anh hùng dân tộc, bảo vệ chủ quyền đất nước.
Ở các địa phương, những đình, chùa nổi tiếng như: Thắng Tam, Thắng Nhì (Bà Rịa - Vũng Tàu), Bình Thủy (Cần Thơ), Điều Hòa (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), đình Thuận Hóa và chùa ông Bổn (Sóc Trăng), miếu Quốc Công (Vĩnh Long)... đã tái hiện các vở: “Trưng nữ vương”, “Nam quốc sơn hà”, “Bạch Đằng Giang”, “Hào khí Lam Sơn”, “Trống đồng Ngọc Lũ”... Người xem đã nô nức cổ vũ.
Ông Nguyễn Kiến Phước, Ban Trị sự đình Nhơn Nghĩa (Bến Tre), cho biết: “Khi rước ban hát chầu năm nay, hội đình chúng tôi chú ý đến việc góp phần bảo tồn hát bội, bộ môn nghệ thuật truyền thống gắn kết với cúng đình. Việc xây chầu cúng bái, khánh tiết tế lễ theo quy cũ truyền thống, tế cáo trời đất, cung thỉnh thánh thần, nguyện cầu quốc thái dân an, mùa màng vượt qua cam go thử thách trước tình trạng xâm nhập mặn khiến ĐBSCL mất mùa. Tôi cho rằng chính việc tổ chức cúng đình nghiêm trang, quy củ là tỏ lòng biết ơn tiền nhân, thể hiện sự đoàn kết tương thân, tương ái của cộng đồng trước những khó khăn trong cuộc sống”.
Theo bà Lê Thị Bé, Hội đình Hưng Phước (Vĩnh Long), khi giá trị nghệ thuật đánh thức lương tâm, mỗi người sẽ sống tử tế hơn, ý thức bảo vệ cuộc sống cộng đồng tốt hơn. “Vì thế, các vở tuồng hát bội hay vẫn mang giá trị bền vững, cần được tái hiện trong mùa cúng đình” - bà nhìn nhận.
Nghệ sĩ trẻ có cơ hội rèn nghề
Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP HCM là đơn vị nắm bắt cơ hội tổ chức dàn dựng nhiều tác phẩm ca ngợi trung - hiếu - tiết - nghĩa và anh hùng dân tộc để phục vụ mùa hát chầu năm nay. NSƯT Ngọc Nga cho biết: “Nhà hát đã đào tạo 19 diễn viên cải lương trẻ. Những năm qua, sân đình hát chầu là nơi để các em mài giũa nghề, không chạy theo thị hiếu mà đánh mất các bài học của trình thức hát bội được đào luyện nhiều năm. Giữ nguyên vẹn không gian hát bội của mùa lễ hội Kỳ yên hằng năm chính là tạo điều kiện thật tốt để các diễn viên rèn nghề”.
Phần xây chầu cũng là nơi các diễn viên trẻ học tập, giữ nghề mà hầu hết các hội đình đều làm theo sự hướng dẫn của ông Đỗ Văn Rỡ - Hội trưởng Hội Khuyến lệ cổ ca Sài Gòn, người đặt nền tảng hệ thống khoa học cho bộ môn hát bội.
“Chính vì thế, từ lễ Đại Bội, mở đầu là lễ “Điểm hương” đến các lễ: “Xang nhựt nguyệt”, “Tam Hiền, Tam Tinh chúc lành”, “Gia quan tấn tước” đều được trả về đúng nghi thức xưa với trang phục, đạo cụ, vũ đạo hết sức nghiêm túc, phục hồi giá trị nhân văn, nghệ thuật. Xúc động lắm khi nghệ sĩ hát bội đã ý thức được việc gìn giữ nghề” - NSND Đinh Bằng Phi tâm sự.
Trên thực tế, các đoàn hát chầu thường hát tuồng “San Hậu”, với 3 cảnh: “Phàn viên ngoại tống cung ái nữ - Tạ Thiên Lăng soán nghiệp Tề Vương”; “Giận Tạ Tặc, Phàn Công chém sứ, lạc Kim Lân, Bà Thứ lìa con” và “Tạ Nguyệt Kiểu xuống tóc xuất gia, Tề Đông Cung đuổi tà, phục nghiệp”.
“Đó là những vai tuồng khó, đòi hỏi kiến thức sâu rộng, trình thức vũ đạo thượng thặng để thể hiện đúng khí phách vai diễn. Hiện nay, diễn viên trẻ đã được tạo cơ hội để diễn các vai khó, đó là điều hạnh phúc. Không chỉ với “tuồng thầy” như “San Hậu”, chúng tôi còn được diễn các vai: Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Bình Trọng… trong nhiều vở hát bội lừng danh để trau dồi nghề nghiệp” - diễn viên Thành Tây, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP HCM, bộc bạch. Anh cho biết mức thu nhập cũng ổn định.
Khán giả đến tham dự lễ cúng đình đã nhận thấy sự chỉn chu trong ca diễn của các nghệ sĩ hát bội. Không còn cảnh sân đình bị biến thành nơi giải trí, mua vui, hò hét, ăn nhậu say sưa. Nếp sống văn hóa, sinh hoạt theo phong tục cổ truyền vùng miền đã được trả về nguyên vẹn của không gian hát chầu.
Thay đổi nhận thức
“Lâu nay, hát chầu chỉ phục vụ khán giả đến dự lễ cúng đình, sau đó người ta xem hát giải trí. Nhiều người thích sân khấu hát bội than phiền là ngày nay đi xem hát chầu không còn thú vị. Ngay như việc tổ chức lễ hội, các nghi lễ cúng bái cũng không còn giữ được sự trang nghiêm và đủ lễ bộ như xưa. Thật ấm lòng khi các hội đình và nghệ sĩ hát chầu năm nay đã giữ đúng sắc thái vốn có, phục hồi những giá trị mà ông cha ta để lại” - NSƯT Ngọc Khanh bày tỏ.
Để có được nhận thức này, nhiều nghệ sĩ thế hệ đi trước như: NSND Đinh Bằng Phi, NSƯT Kim Thanh, NSƯT Ngọc Dung, NSƯT Ngọc Khanh, NSƯT Nguyễn Hoàng, NSƯT Hữu Nhi, NSƯT Ngọc Nga… đã thâm nhập các đoàn hát chầu, tiếp cận các hội đình giải thích, vận động cùng nhau kiên quyết bảo tồn nét đẹp tinh hoa của hát bội, đánh thức trọng trách của mỗi nghệ sĩ, góp phần gìn giữ “sàn diễn cuối cùng” của bộ môn.
Bài và ảnh: Thanh Hiệp
Nguồn: cailuongvietnam.com