Dự báo nhạc kịch sẽ là môn giải trí chủ đạo của sân khấu trong vài năm tới tại TP HCM và Hà Nội, thế nhưng nhìn vào thực tế của loại hình nghệ thuật này cho thấy nguồn diễn viên đủ chuẩn để thể hiện đúng chất nhạc kịch vẫn đang là thách thức.
Hát và diễn chênh nhau
Thực tế cho thấy một số vở nhạc kịch ra đời đã chắp vá diễn viên. NSƯT Thành Lộc ấp ủ dự án dàn dựng nhạc kịch "Tiên Nga" nhiều năm, điều khiến ông đau đầu nhất là tìm kiếm không ra diễn viên vừa hát hay vừa diễn giỏi. Bởi, nhạc kịch thuần Việt đòi hỏi không chỉ hội đủ 2 yếu tố này mà còn phải thể hiện rõ tinh thần, khí chất con người Nam Bộ trong từng câu hát, lời thoại. "Khi đã có danh sách diễn viên trong tay, ngày khởi tập thì phát hiện rất nhiều trường hợp không nắm vững nhạc lý, nhất là về nhịp. Vở nhạc kịch "Tiên Nga" sử dụng dàn nhạc do nhạc sĩ Đức Trí chỉ huy. Việc tập dượt để diễn viên trẻ nắm vững nhịp là một quá trình cực nhọc" - NSƯT Thành Lộc bày tỏ.
Đạo diễn Nguyễn Khắc Duy, qua 6 năm gầy dựng nhóm nhạc kịch Buffalo với nhiều vở diễn như: "Chicago", "Tấm Cám", "Bé chịu chơi", "Vũ nữ", "Tuyết đỏ"…, cho biết những nỗi khổ của nhà sản xuất trong việc tìm kiếm diễn viên cho các dự án nhạc kịch của mình: "Hát lạc tông, bị phô giọng, có bạn hát được nhưng diễn nhạt, không biết nhảy múa, không nắm căn bản về nhịp, dựng nhạc kịch cực tới 100 lần so với vở kịch bình thường".
Dự án vở nhạc kịch "Chuyện tình nàng Giáng Hương" công diễn tại Nhà hát Hòa Bình vẫn là một tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao về mặt nghệ thuật nhưng xét cho cùng, ca sĩ cải lương tham gia vẫn còn nhiều hạn chế trong diễn xuất. Tác phẩm được ghi nhận là tương đối ổn về phần nhạc, song phần kịch còn dàn trải.
Một nỗi lo lớn hơn đó là trình độ ngoại ngữ của diễn viên sân khấu quá kém, dẫn đến việc các dự án nhạc kịch phục vụ du khách nước ngoài vẫn bất động. "Kịch Phú Nhuận đã từng triển khai dòng nhạc kịch dành cho du lịch nhưng rồi số diễn viên đủ trình độ ngoại ngữ không nhiều nên đành xếp lại dự án này trong sự tiếc nuối" - NSND Hồng Vân cho hay.
Đào tạo từ đâu?
"Để đào tạo, rèn luyện được một nghệ sĩ diễn nhạc kịch không chỉ trong một tháng, một năm, mà phải liên tục trong nhiều năm mới mong đủ sức đảm đương. Thế nhưng hiện nay, chúng tôi vẫn chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm nguồn nhân lực cho từng dự án, trong khi diễn viên bây giờ quá nhiều sô diễn, chỉ làm theo kiểu "bắt cóc bỏ dĩa", rất khó duy trì hoạt động" - đạo diễn Nguyễn Khắc Duy, đang nuôi dự án nhạc kịch "Thủy Tinh - đứa con 101", than thở.
Chưa có khoa đào tạo nhạc kịch tại các trường đào tạo chuyên ngành là nỗi lo lớn của môn nhạc kịch trong tương lai. PGS-TS Trần Yến Chi, Trưởng Khoa Diễn viên Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM, cho biết: "Thấy khoảng trống này nên trong đợt tuyển sinh 2018, chúng tôi sẽ chiêu sinh đào tạo diễn viên tài năng. Điều kiện đủ tuyển là phải giỏi ngoại ngữ. Quá trình đào tạo 4 năm, có mời giảng viên nước ngoài giảng dạy chuyên sâu về nhạc kịch".
Biên đạo múa Lê Việt (Vũ đoàn Phương Việt) bày tỏ băn khoăn về đầu ra của sinh viên tốt nghiệp khoa đào tạo này: "Khi nhạc kịch vẫn còn diễn theo thời vụ, chưa có một nhà hát ổn định để duy trì hoạt động biểu diễn thường xuyên, học mà không có nơi vận dụng thì liệu có thu hút các sinh viên theo học, dồn tâm trí trong 4 năm, trong khi tương lai vẫn còn mù mịt".
Tuy nhiên, theo đạo diễn Nguyễn Khắc Duy, có mở đường ắt sẽ có người đi. Cứ lo tìm đầu ra rồi mới mở lớp đào tạo thì muôn đời nhạc kịch Việt vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu diễn viên. Sự đào tạo nào cũng chịu tác động sàng lọc. Mỗi khóa chỉ cần đào tạo giỏi 5 đến 10 em thì không ngại thất nghiệp. "Nhà hát Thế giới trẻ của trường chính là nơi để các em cọ xát nếu được dàn dựng nhạc kịch đúng chuẩn. Rồi các nhà đầu tư sẽ mời khi nhận thấy tiềm năng khai thác ở các em" - biên đạo múa Lê Việt nói.
Phải giỏi thật sự
NSND Hồng Vân ủng hộ kế hoạch đào tạo ngay nguồn nhân lực cho nhạc kịch. "Qua vở "Tiên Nga" cho thấy việc hát, diễn với dàn nhạc sống là một thế mạnh của nhạc kịch. Lâu nay, tiếng là nhạc kịch nhưng hát diễn với phần nhạc thu âm hoặc diễn viên hát nhép theo âm thanh thu sẵn. Như thế không thể gọi là nhạc kịch. Vì vậy, điều kiện sống còn của nhạc kịch chính là diễn viên phải giỏi thật sự".
NSƯT Thành Lộc cho biết sau thành công của nhạc kịch "Tiên Nga", anh bắt đầu ấp ủ dự án mới. Bây giờ anh không quá lo ngại khi nguồn diễn viên của Sân khấu IDECAF đã bắt đầu ý thức việc rèn luyện để đạt độ chuẩn cho hát, múa, thoại của nhạc kịch thuần Việt.
Bài và ảnh: Thanh Hiệp
Nguồn: cailuongvietnam.com