Nhà điêu khắc Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng bà Lê Mai Lan - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và TS. Mizuki Endo - Giám đốc Nghệ thuật, cắt băng chính thức khai trương Trung tâm Nghệ thuật đương đại VCCA.
Sách Đông A “quay về” với mỹ thuật
Khởi đầu từ 2004 với việc kinh doanh xuất bản, họa sỹ Trần Đại Thắng (tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) từng là một họa sỹ có tên tuổi với việc làm bìa sách văn học và xuất bản sách dưới thương hiệu sách Đông A. Sau một thời gian dài kinh doanh tại TP.HCM, Trần Đại Thắng quay ra Hà Nội, mở nhà sách mang thương hiệu Nhà sách Cá Chép thứ ba (Nhà sách Cá Chép I, II trước đó đặt tại TP.HCM).
Việc mở không gian Đông A Gallery nhắm thẳng tới việc triển lãm và bán tranh cho các họa sỹ trẻ đương đại là một việc như Trần Đại Thắng tâm sự là “trả nợ với giới mỹ thuật”, nơi xuất thân đào tạo của anh. Triển lãm đầu tiên tập hợp 8 nghệ sỹ có độ tuổi sinh từ năm 1971 tới 1988, có mặt đủ cả ba miền gồm: Đỗ Hiệp, Phạm Tuấn Tú, Lương Đức Hùng, Tạ Huy Long, Lê Thúy (Hà Nội); Nguyễn Văn Hè (Huế); Bùi Tiến Tuấn và Lã Huy (TP.HCM).
Các họa sỹ tham gia Triển lãm khai trương Đông A Gallery.
Việc kinh doanh nghệ thuật Gallery Tầng Ba hướng tới một phân khúc khiêm tốn, bán tranh ở tầm giá trung lưu bình dân, gắn với việc sử dụng văn hóa hơn là thước đo tài chính, tạo lối mở cho sáng tác của các nghệ sỹ trẻ đối với thị trường trong nước. Việc chủ gallery tuyên bố nơi này sẽ mua lại tác phẩm đã bán (tối thiểu 40% giá trị đã bán), với các tác phẩm được cấp giấy chứng nhận bản gốc cũng là một cách đảm bảo sự độc bản và giá trị tác phẩm của các tác giả kịch bản cải lương trẻ, chưa được khẳng định vững chắc.
Vingroup bước vào nghệ thuật
Khi Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vingroup tự tin phát biểu rằng: “Tôi muốn bán một kinh nghiệm sống mới cho người Việt”, thì điều đó hàm nghĩa sẽ là một cơ cấu kinh doanh trọn gói về cách ăn, ở, giải trí cho đến thưởng thức văn hóa của người Việt, trước hết là một giới những người Việt mới có tiền.
Người xưa nói, phải giàu rồi mới đến sang, đủ ăn đủ mặc rồi mới nghĩ việc chơi. Và việc tiến hành lập Trung tâm Nghệ thuật Đương đại của Vingroup là một bước tiến tuần tự của cơ cấu đó, sau bất động sản, du lịch khách sạn, chứng khoán và thương mại tài chính.
Khởi động với một vài dự án sưu tập tranh nhỏ hơn để trang trí cho các chung cư mới, hay các tòa biệt thự ở Quảng Ninh và vài nơi khác, dự án VCCA có mức đầu tư gấp nhiều lần, được chuẩn bị từ hơn một năm nay. Cách thức “đi tắt đón đầu” nhất là tìm đến những cá nhân có kinh nghiệm. Từ khâu truyền thông báo chí, tổ chức dự án triển lãm, cho đến việc thuê “bầu ngoại” làm Giám đốc Nghệ thuật. Triển lãm “Tỏa” khai trương không gian VCCA là một kiểu như vậy, là một “bữa cỗ” tập hợp các “món ngon” đã được khẳng định từ nhiều phương trời khác nhau.
VCCA có tổng diện tích 4.000m2 bao gồm khu triển lãm chính, kho lưu trữ dữ liệu tiêu chuẩn quốc tế và hàng loạt các hạng mục khác.
Đầu tiên là một “mảnh lì xì làm mầu khai trương” của dự án Cây Ước của nghệ sỹ đương đại nổi tiếng Yoko Ono (sinh năm 1933, vợ ca sỹ John Lennon). Bài viết giới thiệu triển lãm của một tác giả nước ngoài. Giám đốc nghệ thuật của Trung tâm là Mizuki Endo, một chuyên gia trẻ người Nhật và tác phẩm của 20 nghệ sỹ đủ mọi lứa tuổi, có cả trong nước lẫn Việt kiều, nghệ sỹ nước ngoài, điêu khắc lẫn hội họa. Gồm 5 tên tuổi thời đầu của Đổi mới (Đặng Xuân Hòa, Hà Trí Hiếu, Trương Tân, Trần Văn Thảo, Lê Thừa Tiến); 6 nghệ sỹ trẻ của thời tiếp theo (Đinh Thị Thắm Poong, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Mạnh Hùng, Hà Mạnh Thắng, Võ Trân Châu, Lê Hoàng Bích Phượng); 7 nghệ sỹ Việt kiều và nước ngoài (Truc - Anh, Phi Phi Oanh, Christine Nguyen, Trong Gia Nguyen, Douglas Gordon, Sandrine Llouquet) và hai nghệ sỹ điêu khắc một già một trẻ (Bùi Hải Sơn, Phạm Đình Tiến).
Chiến lược của VCCA được chia làm hai mảng lớn gồm: Mảng phi lợi nhuận là triển lãm; xây dựng không gian sáng tạo nghệ thuật cộng đồng; giáo dục mỹ thuật. Mảng kinh doanh nghệ thuật sẽ bao gồm từ việc mua bán ký gửi tác phẩm nghệ thuật cho tới tổ chức hội chợ nghệ thuật và đấu giá tác phẩm; cung cấp các dịch vụ tổ chức sự kiện nghệ thuật và chia sẻ không gian văn hóa… Việc công bố một chiến lược trọn gói từ một tập đoàn với nguồn đầu tư không nhỏ bộc lộ tham vọng thúc đẩy và cùng tạo ra một trường nghệ thuật thương mại về lâu dài song hành với thị trường tài chính – tiền tệ như đã thấy ở các trung tâm nước ngoài.
Đáng mừng, nhưng hãy còn dài…
Tác phẩm Cây Ước bằng cây lộc vừng Việt Nam – Wishing tree, được đặt ngay lối vào triển lãm. Khách tham quan có thể tương tác trực tiếp bằng cách viết những lời ước nguyện rồi treo lên cây. Dự án này kéo dài qua nhiều nước, mỗi nước sẽ dùng một loài cây bản địa để treo lời ước. Những lời ước này sẽ được nghệ sỹ Yoko Ono – vợ của John Lennon chôn dưới chân tháp Hình dung Hòa Bình (Imagine Peace) ở thành phố Reykjavik (Iceland), có chiếu sáng 2 tháng mỗi năm, bắt đầu từ sinh nhật của John Lennon
Việc các tập đoàn lớn hay các công ty cổ phần tư nhân “thò tay” vào nghệ thuật đương đại, mỗi đơn vị tùy tầm của mình mà hướng tới các phân khúc lớn nhỏ của thị trường một cách bài bản, là một dấu hiệu đáng mừng của cái ta thường gọi là “xã hội hóa thị trường nghệ thuật”.
Từ phân khúc hướng việc kinh doanh mỹ thuật như một mặt khác, một hàn thử biểu của thị trường tài chính, tiền tệ. Hoặc việc mua bán tác phẩm mỹ thuật như là một cách tiêu dùng văn hóa phổ thông, với những sự công khai nhất định, bắt đầu từ một số nguyên do. Các “đại gia’ hay “thiếu gia” này cũng thấy rõ mồn một việc không thể đi vào thị trường mua bán các tác phẩm của nghệ thuật thời Đông Dương và các nghệ sỹ đã mất, nay đã trở thành một thị trường “ngầm”, thực giả lẫn lộn, mang tai tiếng cả trong nước lẫn khu vực đã nhiều năm.
Thị trường này đã có sự thao túng của giới đam mê đồ cổ và thú chơi lén của một giai tầng “thượng lưu mới”. Với những khoản mua bán được “rỉ tai nhau” cũng tới hàng triệu USD, nhưng không hề có một cơ chế tài chính minh bạch nào có thể phơi bày được cả. Việc đầu tư vào thị trường nghệ thuật đương đại, với những nghệ sỹ còn sống, khoảng từ đầu những thập niên Đổi mới trở lại đây (khoảng hơn 30 năm trở lại) là chiến lược chính xác. Vừa an toàn cũng như còn có cơ hội có thể tự hào công khai cho những chủ nhân mua và bán tác phẩm. Vấn đề còn lại là việc những chủ đầu tư này chọn được các chuyên gia hệ thống tốt, và sự kiên nhẫn quyết đoán dành cho những khoản đầu tư lâu dài như nghệ thuật – tạm có thể coi là đầu tư cho tương lai.
Với điều kiện sự đoàn kết nội bộ của họ phải trở thành được những hiệp hội nghề nghiệp có sự uy lực khống chế nhất định với thị trường tổng thể, trong một đặc thù kinh tế - xã hội nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đều có những nét chung là phân tán và manh mún, sáng tạo gốc thì hiếm, mà sự “ăn theo, chộp giật” nhâu nhâu đông đảo. Con đường lâu dài nữa của các nhà đầu tư lớn là những hợp đồng độc quyền nghệ sỹ; việc kết liên thâu tóm được tác phẩm nguồn gốc Việt Nam từ thị trường đấu giá nghệ thuật trong nước tới khu vực. Và cuối cùng là xây dựng được nguồn khách hàng bản địa bền vững. Mà giai đoạn kinh doanh nghệ thuật trước đó, một số gallery đã từng làm được một số khâu và trở nên giàu to. Nhưng cuối cùng thì không những không đóng góp được mấy vào sản xuất văn hóa trên quy mô quốc gia mà chỉ trở thành những “hàng phở đông tại một địa điểm”.
Chưa kể những chiêu trò kinh doanh thiếu minh bạch trong giai đoạn luật pháp còn chưa đồng bộ, sự quan tâm - đầu tư cho văn hóa (mỹ thuật) của chính quyền còn thiếu, yếu khiến việc các chủ gallery này càng kiếm được nhiều tiền, thì đời sống mỹ thuật càng trở nên bại hoại. Các giá trị cũ thì bị đánh tráo, các giá trị mới chưa kịp xác lập đã chết yểu, ăn theo một cách nhạt nhẽo các câu chuyện giá trị khác của lân bang khu vực.
Tác phẩm điêu khắc Nguồn của Bùi Hải Sơn được đặt tại khu vực giếng trời trung tâm.
Tất cả những lộ trình điểm qua ở trên, đều nằm trong quy luật của đời sống xã hội – kinh tế của một khu vực như một thực thể quốc gia vừa có số dân đông đảo, vừa là một vùng văn hóa có truyền thống lịch sử, cũng như sức sản xuất và tiêu thụ trẻ.
Bắt đầu từ dấu hiệu quan trọng nhất của thực tại trong vòng vài năm nay chính là đối tượng người Việt trong nước tiêu thụ vật phẩm nghệ thuật với các điều kiện sở hữu đang tăng lên cả về số lẫn về chất. Đó trước hết là những điềm mừng cho bản thân đời sống mỹ thuật khi nó sẽ buộc phải nhấc chân khỏi sự hoang dã, “bóng đá đường phố” trước đây, chỉ trông chờ vào khách du lịch, hoặc các gallery nhỏ của thị trường nước ngoài. Nhưng để mọi sự “đâu vào đấy” vẫn là một quá trình không thể ngắn ngủi vài ba năm, khi thị trường nghệ thuật, nằm trong nền “công nghiệp văn hóa” theo đúng quy luật của những thực thể lớn hơn đã từng đi trước, cần sự đồng bộ tiến hóa của cái số ba chân kiềng giản dị như nguyên tắc vật lý phổ thông: luật pháp - giới sáng tác - cơ cấu tài chính, kinh tế lành mạnh.
Bài và ảnh: Vũ Lâm
(nguồn: Website Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
>> Trung tâm nghệ thuật đương đại VCCA: Lan tỏa tri thức nghệ thuật tới công chúng
» Vingroup ra mắt trung tâm nghệ thuật đương đại VCCA
» Vinpearl Đà Nẵng là “Khu nghỉ dưỡng biển hàng đầu Việt Nam năm 2017”
Nguồn: nguoidothi.vn