Từ háo hức...
Vui mừng và háo hức nhất trước quyết định này của Bộ VHTTDL chính là các nghệ sĩ thuộc các loại hình sân khấu truyền thống. Nhà hát Chèo VN, đơn vị sân khấu truyền thống đầu tiên được lựa chọn biểu diễn đợt đầu sẽ công diễn chương trình Năm cung chèo.
" Có thể trước đây nhiều khán giả sẽ không chú ý hoặc không quan tâm để đi xem tuồng, chèo nhưng khi tuồng, chèo bước chân vào Nhà hát Lớn thì họ sẽ đi xem, đơn giản vì họ cho rằng đã biểu diễn ở Nhà hát Lớn là phải chương trình “xịn”, hơn thế ngoài yếu tố thưởng thức nghệ thuật trên sân khấu thì khán phòng, kiến trúc của Nhà hát Lớn cũng là một yếu tố hấp dẫn khán giả." (Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng VN)
|
NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo VN chia sẻ: “Ai cũng biết Nhà hát Lớn Hà Nội là địa điểm biểu diễn lý tưởng cho các chương trình nghệ thuật hiện nay của Hà Nội. Nghệ sĩ Nhà hát Chèo VN đang rất háo hức tập luyện cho đêm diễn ra quân vào tối 1.9 làm sao phải thực sự ấn tượng. Bước vào “thánh đường nghệ thuật” chúng tôi không lựa chọn một tác phẩm ăn khách nhất mà chọn chương trình Năm cung chèo mang đậm đặc trưng của sân khấu chèo. Chương trình hội tụ những tác phẩm, trích đoạn xuất sắc và kinh điển của âm nhạc, hát, múa và diễn".
NSND Ngô Hoàng Quân, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết tiêu chí lựa chọn chương trình biểu diễn tại Nhà hát Lớn phải là các tác phẩm đoạt giải thưởng cao tại các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp, các tác phẩm kinh điển là những mẫu mực về dàn dựng và diễn xuất tạo nên thương hiệu của từng nhà hát, từng loại hình nghệ thuật…
Trong kế hoạch biểu diễn tại Nhà hát Lớn có rất nhiều vở diễn, chương trình đã tạo tiếng vang trong các cuộc thi, liên hoan cũng như các đợt biểu diễn như: Công lý không gục ngã của Nhà hát Tuổi Trẻ (HCV vở diễn, 7 HCV cá nhân, 7 HCB cá nhân tại Cuộc thi Sân khấu kịch nói CNTQ 2015); Vũ điệu hoa quỳnh của Nhà hát Múa rối VN (HCV duy nhất cho chương trình tại Liên hoan Múa rối quốc tế lần IV năm 2015), Vua thánh triều Lê của Nhà hát Cải lương VN (HCV Cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương CNTQ 2015). Bên cạnh đó, còn có những vở diễn kinh điển của sân khấu truyền thống như Suý Vân của Nhà hát Chèo VN, Nghêu, Sò, Ốc, Hến, hoà nhạc và các trích đoạn tuồng cổ mẫu mực của Nhà hát Tuồng VN…
Vở "Vua Thánh triều Lê" của Nhà hát Cải lương VN (HCV cuộc thi NTSK cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015) nằm trong kế hoạch biểu diễn tại Nhà hát Lớn
Hai tác phẩm mở đầu cho đợt biểu diễn tại NH Lớn Hà Nội của các nhà hát thuộc Bộ VHTTDL: “Năm cung chèo” của Nhà hát Chèo Việt Nam và “Biệt đội báo đen” của Nhà hát Kịch VN
Đến bài toán phải giải...
" Chủ trương của Bộ VHTTDL đưa nghệ thuật chính thống vào Nhà hát Lớn, một điểm diễn lý tưởng là cơ hội cho các nhà hát và nghệ sĩ. Theo tôi, mỗi nhà hát cần phải chủ động để có đề án, kế hoạch dàn dựng, đầu tư tác phẩm thật sự xứng đáng để tạo thương hiệu riêng cho mình khi xuất hiện trên sân khấu cùng với các nhà hát khác." (Ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Nhà hát Kịch VN)
|
“Những đêm diễn mở đầu đang được cân nhắc về giá và về số lượng vé mời được phát vé miễn phí nhưng sau đó khi chương trình đã định hình biểu diễn, chúng tôi sẽ tiến hành bán vé với nhiều mức khác nhau.
Ban tổ chức sẽ phối hợp với các nhà hát chú trọng hướng tới các đối tác, các khách hàng tiềm năng như các nhà tài trợ, các doanh nghiệp, các đối tác tổ chức biểu diễn để thu hút sự đầu tư, tài trợ và tổ chức biểu diễn. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu và tổ chức triển khai công tác truyền thông cho các tác phẩm, quảng bá về lịch biểu diễn định kỳ này”, NSND Ngô Hoàng Quân, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn nhấn mạnh.
Trong 12 nhà hát thì Dàn nhạc Giao hưởng VN có lẽ là đơn vị tổ chức được nhiều suất diễn nhất tại Nhà hát Lớn từ trước tới nay bởi các chương trình được liên doanh, liên kết với nước ngoài phối hợp dàn dựng và tổ chức biểu diễn rất thành công nên không lo ngại lắm với việc bán vé.
Về phần mình, ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng VN cho biết, để triển khai bán vé xem tuồng tại Nhà hát Lớn Hà Nội là một việc khó khăn. Bởi lẽ ngay tại rạp hát Hồng Hà nhà hát cũng đã chật vật để duy trì lịch diễn định kỳ vào 2 ngày thứ 2 và thứ 5 trong tuần với giá 150.000 đồng/vé.
" Thực tế hiện nay của việc biểu diễn chèo truyền thống là khán giả vẫn quen với việc được mời đi xem thì rất đông nhưng bán vé thì không ai chịu mua. Các chương trình sân khấu truyền thống như chèo, tuồng, cải lương rất khó để cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật giải trí khác như điện ảnh, ca nhạc… Để mời được khán giả tới nhà hát xem sân khấu truyền thống đã là một thành công rồi." (NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo VN)
|
Mỗi đêm diễn trung bình không quá 20 người thì việc bù lỗ là đương nhiên. Có suất diễn chỉ có 10 khán giả chúng tôi vẫn diễn. Hiện đơn vị đang rất nỗ lực triển khai bán vé trên mạng, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi giới thiệu chương trình biểu diễn sắp tới tại Nhà hát Lớn".
Những người làm nghệ thuật truyền thống đang hằng ngày đối diện với bài toán giành giật khán giả không chỉ bằng các chương trình nghệ thuật có chất lượng mà còn bằng nhiều cách tiếp cận với khán giả. Dễ nhận thấy không chỉ cán bộ tổ chức biểu diễn mà nhiều nghệ sĩ nổi tiếng ở từng nhà hát cũng đã “ra tay” đi tiếp thị, quảng bá cho chương trình của nhà hát mình.
Đặt chân vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội rõ ràng là một bước đi mới đối với các nhà hát. Để duy trì lịch diễn định kỳ thu hút được khán giả trước hết vẫn phải là những tác phẩm, những chương trình nghệ thuật có chất lượng. Bên cạnh đó không thể thiếu là phải có một kế hoạch truyền thông dài hơi, bài bản với nhiều phương thức quảng bá trên các kênh thông tin đại chúng cũng như tận dụng được thế mạnh và mặt tích cực của mạng xã hội để kéo khán giả đến với mình.
Rõ ràng "cuộc chơi mới" cũng đòi hỏi phải có một cách nghĩ mới.
Thúy Hiền
Nguồn: cailuongvietnam.com