Và đúng vậy! Phạm Duy đã trở về gần mười năm cuối đời để nằm lại trên giữa muôn trùng cỏ hoa, bóng mát nghĩa trang Bình Dương. Và tiếng hát Khánh Ly lại vang vọng Huế - Sài Gòn - Hà Nội giữa Sài Gòn.
1968, khi chiến tranh tràn vào thành phố, nó không còn ở đâu đó rất xa nơi những làng quê, ngoài những cánh đồng hay những khu rừng trụi lá vì bom napalm. Nó hiện diện ngay trong những đêm thành phố thiết quân luật và ánh hỏa châu thắp đỏ bầu trời thăm thẳm. Tôi 14 tuổi làm quen với ngủ hầm cát tránh pháo kích trong nhà, vừa lạ lẫm vừa thích thú. Chiến tranh đối với kẻ vị thành niên nó khác thường, nó thắp lên vẻ buồn lạ lẫm như gương mặt của bóng tối và đốm đỏ lập lòe trên đầu điếu thuốc... Khi ấy thì tiếng hát Khánh Ly nửa khuya văng vẳng từ đâu đó bên nhà hàng xóm, giọng hát như kinh đêm, xa vắng buồn buồn: “Đại bác đêm đêm dội về thành phố, người phu quét đường dừng chổi đứng nghe... Trẻ con chưa lớn để thấy quê hương...”. Ca khúc của Trịnh Công Sơn là điệu ru máu lệ như cách gọi của nhà văn, họa sĩ Tạ Tỵ, nhưng bài kinh được viết bởi một nhạc sĩ chưa quá 30 tuổi, còn người hát - Khánh Ly - chỉ trên đôi mươi chút ít. Cả hai con người ấy vô tình đánh cắp mất tuổi thơ của một thằng bé mới hôm qua còn đá bóng, bắn bi ngoài xóm ngõ. Chiến tranh ngoài máu lửa còn hủy diệt mọi mầm xanh non trong con người.
Khánh Ly - Trịnh Công Sơn tại quán Văn - Sài Gòn 1967. Ảnh TL
Mười bốn tuổi, từ trong hầm cát nghe tiếng hát Khánh Ly những ca khúc da vàng, tôi nhận ra mình đã lớn - “trẻ con đã lớn để thấy quê hương...”. Nhưng không chỉ ca khúc da vàng, khi “trẻ con đã lớn” chúng còn bị mê hoặc bởi Diễm xưa, Mưa hồng, Chiều một mình qua phố, Phôi pha, Biển nhớ... Cũng vẫn Khánh Ly giọng hát khan, mộc nhưng xuyên thẳng vào sâu thẳm tâm hồn mỗi con người “chẳng may” đã nghe Khánh Ly cất tiếng.
Đêm qua, tôi lặng lẽ để chiếc dĩa CD Khánh Ly hát tại quán Văn 1967 vào máy. Giọng Huế của Trịnh Công Sơn, tiếng đàn guitar thùng đơn giản và giọng hát ban sơ của Khánh Ly cất lên gợi nhớ cả một tuổi trẻ hoang đường lẫn bất thường của ai đó. “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây...” hòa cùng nhịp vỗ tay của những chàng trai, cô gái mà bây giờ tóc đã hoa râm hay mái đầu đã bạc, còn ở nơi đây hay đã cuối đất cùng trời...
Thấy mình rưng rưng lệ trong đêm.
Thở dài.
Và nở một nụ cười lặng lẽ...
Đỗ Trung Quân
» Đêm Khánh Ly, đêm ký ức nhân ái
» Khánh Ly: Hãy làm quen với cái buồn, cái khổ và cái chết
» Chồng Khánh Ly: 'Lấy Khánh Ly, tôi coi như mình là người đã chết'
» Danh ca Khánh Ly lần đầu tiên được hát ở TP.HCM
» Khánh Ly: 'Không định đi mà đi, không định về lại về'
» Bảo tàng áo dài tại phố đi bộ
Nguồn: nguoidothi.vn