» Ly Hoàng Ly và nghệ thuật công cộng
Toạ đàm diễn ra chiều 19.8, nhằm chia sẻ thêm thông tin về nghệ thuật công cộng tại Việt Nam với công chúng - hoạt động nằm trong chuỗi chương trình cộng đồng xung quanh triển lãm cá nhân của nghệ sĩ Ly Hoàng Ly.
Nghệ thuật công cộng là gì? Một tác phẩm nghệ thuật công cộng liên quan thế nào tới không gian nơi nó hiện hữu? Liệu có còn phù hợp nữa không - khi chỉ đơn giản đặt một cấu trúc tĩnh và có kích thước lớn tại địa điểm công cộng, và hi vọng rằng nó sẽ tham gia và tồn tại trong trí tưởng tượng của cộng đồng, sẽ được cộng đồng bàn luận và ghi nhớ?
Làm thế nào để một tác phẩm nghệ thuật công cộng không chỉ quan tâm tới bối cảnh lịch sử và xã hội của không gian nơi nó được sắp đặt, mà còn phải phản ánh và đáp ứng được ước mơ, nhu cầu và thực trạng của cộng đồng sử dụng nó?...
Khá nhiều câu hỏi được đặt ra cho nội dung buổi tọa đàm này.
Khán giả buổi tọa đàm sử dụng luôn Thuyền Nhà Thuyền của Ly Hoàng Ly làm ghế ngồi tại buổi tọa đàm diễn ra chiều ngày 19.8
Tại tọa đàm, KTS Hoàng Thúc Hào – người chiến thắng Sia-Getz Architecture 2016 (một giải thưởng tôn vinh những kiến trúc sư có cống hiến đặc biệt cho sự phát triển của kiến trúc châu Á) - bàn về khả năng của kiến trúc trong việc kiến tạo hạnh phúc, là sự kết hợp tri thức hàn lân hiện đại và tri thức dân gian; bảo tồn, phát huy những kiến thức bản địa và giá trị văn hoá của các cộng đồng yếm thế, nhắm tới bền vững về văn hóa.
Nghĩa là, người sử dụng công trình phải cảm thấy khỏe mạnh, an toàn, hứng khởi. Thấy ở đó có quá khứ lẫn tương lai. Kiến trúc như một chỉnh thể hữu cơ, phải lan tỏa, phải hấp dẫn, truyền cảm hứng cho những công trình khác.
Theo KTS Hào, triết lý kiến trúc hạnh phúc sẽ được nhìn nhận từ các yếu tố: KTS hạnh phúc, người sử dụng hạnh phúc và công trình tạo ra sự ngạc nhiên bền vững. Trong đó, “ngạc nhiên bền vững” là một quá trình, không chỉ là một kết quả cứng sau khi hoàn thành xây dựng, nó còn tạo ra các kênh cho khả năng tiếp biến văn hóa, khả năng tạo lập truyền thống mới.
Chia sẻ tại tọa đàm, nhắc tới yếu tố tạo nên sự “ngạc nhiên bền vững”, bà Nguyễn Thế Thanh nguyên phó giám đốc sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch TP.HCM, cho rằng việc người Nhật giữ lại các ụ tàu là một một sự tạo nên “ngạc nhiên bền vững” cho cư dân của họ. Trong khi đó, tại TPHCM, ụ tàu Ba Son dù lớn hơn nhiều, là minh chứng duy nhất ở Đông Nam Á còn sót lại là có một nền hàng hải đặc biệt thì lại đang có nguy cơ bị biến mất, nhường chỗ cho dự án đô thị “hiện đại, đáng sống”.
“Hiện nay các nhà đầu tư bỏ một đống tiền vào và lấy đi của cư dân đô thị rất nhiều kí ức.”, bà Thế Thanh nói.
Trình diễn của nghệ sỹ Cello Vũ Hồng Ánh trong Thuyền Nhà Thuyền
Bà Thanh cho biết để khắc phục sự phát triển của kỹ thuật xây dựng hiện đại, với những tòa nhà cao tầng mọc lên san sát, nhưng không gian dành cho công viên, cây xanh, quảng trường, cho điêu khắc, tranh tường trở nên thiếu nghiêm trọng, chính phủ ở nhiều nước đã có những nỗ lực để khắc phục tình trạng này.
Theo đó, họ khuyến khích việc phát triển nghệ thuật công cộng bằng cách đưa ra những chính sách bằng văn bản như việc trích 1% ngân sách xây dựng những tòa nhà mới cho nghệ thuật công cộng. Khẩu hiệu của họ là Phần trăm cho nghệ thuật! (Percent for Art!). Thành phố New York (Mỹ) đưa ra điều luật trích không dưới 1% đối với công trình xây dựng trị giá 20 triệu USD, và không dưới 0,5% đối với các công trình trên 20 triệu USD để dành ngân sách cho nghệ thuật công cộng. Ở Toronto (Canada) thì đưa ra luật chung là trích 1% ngân sách các công trình xây dựng bất kể lớn nhỏ cho nghệ thuật công cộng. Tại nước Anh hiện nay, việc trích phần trăm này là do thỏa thuận giữa chính quyền thành phố và các chủ đầu tư, dựa trên 106 điều thỏa thuận đã được ban hành thành văn bản.
Tại tọa đàm, với những câu hỏi và nhận định của khán giả về Thuyền Nhà Thuyền, Ly Hoàng Ly chia sẻ: Đây chính là những gợi ý cho nghệ sỹ với những tác phẩm nghệ thuật công cộng tiếp theo; và chính sự tham gia của công chúng vào tác phẩm mới làm nên và tạo được sự sống cho những tác phẩm nghệ thuật công cộng trong tương lai.
Chia sẻ với phóng viên Người Đô Thị, nghệ sỹ Ly Hoàng Ly trăn trở, với nghệ thuật công cộng đương đại, ở nước ngoài, hầu hết dự án được chính phủ đầu tư phục vụ cho cộng đồng. Việc quy hoạch đô thị luôn lưu ý đến sự phối hợp không thể thiếu của Nghệ thuật công cộng. Còn ở Việt Nam, ở các thành phố lớn hiện nay, như TP.HCM đang đô thị hóa quá nhanh, nhưng các công trình như thế này lại thiếu vắng. Gần đây, có nhiều tranh cãi liên quan đến việc đập cái cũ – xây cái mới. Dù sao cũng có nhiều chuyện đi vào tình thế đã rồi, nhưng cái cũ bị đập đi rồi, mà tinh thần, công trình mới để phục vụ cho người dân là cái gì, thì chị chưa thấy...
Công trình Thuyền Nhà Thuyền của nghệ sỹ Ly Hoàng Ly (vừa được ra mắt và đang được triển lãm tại The Factory đến hết ngày 17.9.2017) có thể được xem là công trình điêu khắc đầu tiên với ý niệm Nghệ thuật công cộng ở Việt Nam. Đưa ra một gợi ý, có thể đặt tác phẩm Thuyền Nhà Thuyền của nghệ sỹ Ly Hoàng Ly ở cuối phố đi bộ Nguyễn Huệ, bà Thế mô tả: từ tác phẩm người “chạm” tác phẩm có thể thấy được toàn cảnh khu vực, cả UBND thành phố và sông Sài Gòn.
Liệu có một không gian cho công trình nghệ thuật công cộng được không? Đặt ra câu hỏi này, bà Thế Thanh cho rằng: Nếu chính quyền thành phố hiểu và làm được điều này, thì tự khắc thành phố đang tạo chất lượng sống mới cho công dân của mình.
Bài và ảnh Lê Quỳnh
» Ly Hoàng Ly và nghệ thuật công cộng
» Các công trình nghệ thuật công cộng nổi tiếng thế giới
» Hoàng Thúc Hào thắng giải dành cho kiến trúc sư nổi bật ở châu Á
Nguồn: nguoidothi.vn