Khi nhắm mắt xuôi tay, điều GS-TS Trần Văn Khê chưa toại nguyện là những bản nhạc ghi âm của ông chưa được phát hành. Đến nay, đã hơn 1 năm kể từ ngày ông qua đời, những sản phẩm âm nhạc đó vẫn chưa đến được với công chúng. Hãng phim Phương Nam, nơi nhận trách nhiệm phát hành 2 đĩa nhạc này, cho biết họ cũng đã làm hết sức nhưng vì vướng mấy ca khúc tân nhạc chưa được cấp phép phổ biến nên sản phẩm chưa thể ra đời.
Mong đến được với rộng rãi công chúng
Thông tin từ bà Phan Mộng Thúy - Giám đốc Phương Nam Phim - cho biết cố GS-TS Trần Văn Khê đã gửi gắm cho đơn vị này nhiều tác phẩm, trong đó có 2 hồ sơ mà Phương Nam Phim đã gửi tới Cục Nghệ thuật Biểu diễn(NTBD) xin cấp phép từ năm 2015. Một album thu âm tiếng đàn của GS-TS Trần Văn Khê hòa tấu với nhiều nghệ sĩ, còn một album là những bản ghi âm GS-TS Trần Văn Khê hát, bao gồm cả những ca khúc do ông sáng tác và một số ca khúc của nhạc sĩ Lê Thương, Phạm Duy, Lưu Hữu Phước.
GS-TS Trần Văn Khê Ảnh: NGUYỄN Á
Sau khi gửi hồ sơ xin Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) TP HCM cấp phép cho phát hành album có 9 bài hát này, Phương Nam Phim nhận được câu trả lời là 4 bài trong album chưa được cấp phép phổ biến, lưu hành gồm có: “Hờn sông Gianh” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, sáng tác năm 1944; “Lồng vàng và chim xanh” của GS-TS Trần Văn Khê sáng tác năm 1952; “Lịch sử loài người” và “Biển sau giông tố” của nhạc sĩ Lê Thương, không nhớ chính xác thời điểm sáng tác nhưng khoảng trước năm 1945…
Thư ngỏ của GS Trần Văn Khê gửi Sở Văn hóa - Thể thao và Cục Nghệ thuật Biểu diễn
Hai album này đều được Phương Nam Phim đề nghị cấp phép từ năm 2015, lúc GS-TS Trần Văn Khê còn sống, chính ông là người biên tập từng bài nhạc trong đó. Trong thư ngỏ gửi Sở VH-TT TP HCM và Cục NTBD, GS-TS Trần Văn Khê viết: “Nay tôi tuổi đã cao và sức yếu, tôi mong muốn được giới thiệu đến rộng rãi công chúng một sưu tập CD mang tính tư liệu, một số nét chấm phá về âm nhạc cổ truyền và tân nhạc Việt Nam đầu thế kỷ XX. Hai CD này do tôi trực tiếp tham dự trình diễn, ghi âm và những sáng tác hoặc ngẫu hứng trình diễn cùng bạn bè, học trò và người thân trong gia đình như một kỷ niệm từ năm 1950”.
Đĩa 2 là album “Tân nhạc - Mơ mòng khi xưa” gồm 9 bài: “Chiến sĩ vô danh” (Phạm Duy), “Tiếng thùy dương “ (Lê Thương), “Hờn sông Gianh” (Lưu Hữu Phước), “Bông hoa rừng ” (Lê Thương), “Thanh niên” (Thẩm Oánh), “Lồng vàng và chim xanh” (Trần Văn Khê), “Lịch sử loài người” (Lê Thương), “Biển sau giông tố” (Lê Thương), “Nàng nhạc” (thơ: Nguyễn Văn Cổn, nhạc: Trần Văn Khê).
Để giải thích rõ hơn về chuyên môn âm nhạc, thời điểm, hoàn cảnh sáng tác,… ông viết lời giới thiệu cho từng album của mình với hy vọng cơ quan chức năng có thêm thông tin làm cơ sở xét duyệt. Trong đĩa 2, GS-TS Trần Văn Khê đã viết: “Năm 1950, anh Lê Văn Tư - Giám đốc Hãng dĩa Oria tại Việt Nam - có ý muốn giới thiệu một số bài ca tân nhạc do những nhạc sĩ nổi tiếng đương thời sáng tác. Thuở đó, người ca sĩ cải lương chỉ được 1 hay 2-3 cây đờn ghi-ta phụ họa chứ chưa bao giờ có được một dĩa hát do một dàn nhạc phụ họa.
Anh lại có ý muốn ghi âm các nghệ sĩ và in thành dĩa tại Pháp để có được kỹ thuật hoàn hảo hơn những dĩa hát xuất bản tại Việt Nam. Khi gặp tôi, anh Lê Văn Tư đề nghị tôi thâu thanh các bài hát tân nhạc. Hãng Oria đề nghị một số bài đồng thời gởi bản ký âm có nhạc và lời cho tôi chọn. Tôi thấy thích nên bằng lòng lo việc phối khí và tìm dàn nhạc phụ họa.
Người lo việc phối khí cho dĩa nhạc này là ông Ghestem. Ông là chỉ huy dàn nhạc tại rạp Gaîté lyrique nhưng ông có một số bạn thân đàn trong dàn nhạc opéra, đàn hay, biết ý của ông nên khi thâu thanh cho dĩa Oria, ông thường gọi các nhạc công ấy họp thành một dàn nhạc nhẹ, mỗi người biết đàn hay thổi 2-3 nhạc cụ khác nhau, nhờ vậy mà chỉ có 7 hay 8 nhạc công, đủ màu sắc âm thanh: các loại kèn saxo ténor, saxo soprano; clarinette, hautbois, trompette sáo ngang, violon, lục huyền cầm Tây Ban Nha…
Tôi còn giữ đĩa riêng của tôi là đĩa không có bán trên thị trường vì mỗi khi thâu thanh xong, trước khi ra dĩa bán, anh Lê Quang Tư cho tôi một đĩa in đặc biệt chỉ ghi tên bài hát và LQT (Lê Quang Tư) số… Các đĩa ấy tôi cất vào một hộp riêng toàn đĩa 78 vòng Oria. Nhưng con trai tôi là Trần Quang Hải đã ghi đĩa hát lại trên một băng cối và đã chuyển thành 2 CD để giữ lại lâu tiếng đàn giọng ca của thời 1950-1951, lúc tôi còn là một bần sĩ hát thuê với bí danh là Hải Minh”.
Cần lập hội đồng thẩm định
Bà Nguyễn Thế Thanh - nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT TP HCM - cho rằng về tổng thể nội dung của các ca khúc: “Hờn sông Gianh”, “Lồng vàng và chim xanh”, “Lịch sử loài người” và “Biển sau giông tố” đều không có vấn đề gì mà chỉ là các ca khúc chưa được cấp phép, tuy nhiên, vẫn phải xem chi tiết từng bài để thẩm định mới có thể xác định được. Bà Thế Thanh cho biết việc này thuộc thẩm quyền của Cục NTBD.
Trả lời về các bài chưa cấp phép phổ biến của GS Trần Văn Khê, ông Nguyễn Thu Đông, Trưởng Phòng Băng đĩa ca nhạc - Cục NTBD, cho biết chưa thể nói nhiều hơn nội dung mà ông cho là “chưa phù hợp ở thời điểm hiện tại” và hội đồng nghệ thuật cần xem lại chi tiết từng bài trong số các bài chưa được cấp phép đó. Bà Nguyễn Thế Thanh cho rằng nên lập hội đồng nghệ thuật thẩm định tổng thể các ca khúc sáng tác trước năm 1975 và công bố công khai những bài nào được phép phổ biến, bài nào không, chứ không nên đợi cứ mỗi lần đơn vị phát hành đi xin cấp phép lại chỉ có vài bài được phổ biến như hiện nay.
Tư liệu âm nhạc quý
“Tất cả các bản ghi âm của cố GS-TS Trần Văn Khê đều đã rất xưa, có những bài hầu như bị quên lãng, không ai biết. Với lòng kính trọng GS-TS Trần Văn Khê, người đã có những đóng góp vô giá cho nền âm nhạc Việt Nam, Phương Nam Phim vẫn mong muốn được giới thiệu các album đặc biệt này như những tư liệu âm nhạc quý chứ hoàn toàn không hề vì mục đích kinh doanh” - bà Phan Mộng Thúy cho biết.
Bà Thúy nói thêm: “Vì có tới 4 bài trong album chưa được cấp phép nên số còn lại chỉ có 5 bài, không đủ để sản xuất một CD. Đến khi Cục NTBD xem xét, cấp thêm, chúng tôi sẽ đưa vào sản xuất để hoàn thành tâm nguyện hằng mong mỏi của thầy khi còn sống”.
Hòa Bình
Ra mắt sách “Trần Văn Khê - Tâm và nghiệp”
Sáng 26-6, tại Đường sách TP HCM, độc giả đã đón nhận cuốn sách mới “Trần Văn Khê - Tâm và nghiệp” nhân kỷ niệm 1 năm ngày mất của GS-TS Trần Văn Khê.
Cuốn sách do nhiều tác giả kịch bản cải lương cùng viết về cuộc đời và sự nghiệp mang văn hóa Việt đi giao lưu với các nền văn hóa khác trên thế giới của GS-TS Trần Văn Khê. Trong đó, đặc biệt là phần 1 - “Cuộc đời qua hồi ức của con trai”, GS-TS Trần Quang Hải, được coi như “đệ tử chân truyền” của GS-TS Trần Văn Khê, đã kể lại về thời thơ ấu của cha mình, các thời kỳ học tập khi ông là học sinh Trường Petrus Ký, năm nào cũng đứng đầu lớp; cùng với nhóm Lưu Hữu Phước, Võ Văn Quan lập dàn nhạc của trường.
“Cuộc đời qua hồi ức của con trai” cũng nhắc đến giai đoạn Trần Văn Khê đỗ tú tài phần nhất năm 1940, thủ khoa phần nhì năm 1941 và nhờ vậy được giải thưởng đặc biệt của Đô đốc Decoux, được đi thăm Campuchia, viếng chùa Vàng, chùa Bạc…; chuyện ông lập gia đình và hoạt động xã hội, những năm đầu tiên trên đất Pháp, quá trình nghiên cứu âm nhạc, các đề tài nghiên cứu của ông - trước hết là âm nhạc truyền thống Việt Nam rồi đến đối chiếu nhạc cụ, nhạc lý và ngôn ngữ âm nhạc các nước châu Á...
Trong 27 năm làm nghiên cứu, GS-TS Trần Văn Khê đã đăng tới gần 200 bài nghiên cứu bằng tiếng Pháp và tiếng Anh; dự gần 200 cuộc hội nghị quốc tếở 67 nước trên thế giới; tự ghi âm 600 giờ âm nhạc, trao đổi với nghệ nhân, nghệ sĩ Việt Nam và trên 300 giờ âm nhạc châu Á, châu Phi; chụp hơn 8.000 tấm ảnh về sinh hoạt âm nhạc tại Việt Nam và ở những nước ông đã đi qua; thu thập gần 500 đĩa hát của các nước trên thế giới…
KTS Nguyễn Hữu Thái cho rằng GS-TS Trần Văn Khê không chỉ hướng đến những điều to tát, ông còn mong muốn mang đến kiến thức văn hóa, phổ biến âm nhạc dân tộc cho từng trường học, từng gia đình và các em nhỏ. KTS Nguyễn Hữu Thái kể GS-TS Trần Văn Khê từng có lúc đến giảng cho các em học sinh tiểu học về âm nhạc dân tộc và gây dựng rất nhiều hoạt động văn hóa ngay tại căn nhà nơi ông cư trú, chứ không phải chỉ đến giảng dạy cho các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài nước.
Cuộc đời miệt mài nghiên cứu âm nhạc dân tộc và nỗ lực truyền bá văn hóa dân tộc của GS-TS Trần Văn Khê để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng giới trí thức và những người làm văn hóa. Có mặt tại buổi ra mắt cuốn sách “Trần Văn Khê - Tâm và nghiệp” tại Đường sách TP HCM, TS - nhà nghiên cứu Nguyễn Nhã, KTS Nguyễn Hữu Thái, NSƯT Hải Phượng… đều chung một ý kiến tha thiết mong “ngôi nhà Trần Văn Khê” (số 32 Huỳnh Đình Hai, TP HCM) được trở thành địa chỉ văn hóa - du lịch, thậm chí là điểm sinh hoạt văn hóa với các chương trình “sống”, chứ không phải chỉ là một bảo tàng “chết” với hàng ngàn hiện vật, hàng vạn cuốn sách... đang được lưu giữ, trưng bày.
Hòa Bình