Stan Lee qua đời ngày 12/11 ở tuổi 95, được nhiều khán giả và nghệ sĩ tri ân và tưởng niệm. Các báo lớn phương Tây dành vị trí trang trọng trên trang chủ cho người kiến tạo đế chế Marvel. Guardian, Variety, New York Times gọi tác giả kịch bản cải lương quá cố là "huyền thoại" hoặc "siêu anh hùng đời thực".
Sinh năm 1922 ở New York (Mỹ), Stan Lee sớm theo đuổi nghiệp viết lách. Trong một tập truyện tranh Marvel, ông cho biết thời trẻ từng mơ ước viết được một "tiểu thuyết Mỹ vĩ đại" (Great American Novel - danh từ để chỉ những tác phẩm kiệt xuất, phản ánh cuộc sống, văn hóa Mỹ, như The Great Gatsby hay To Kill a Mockingbird). Stan Lee đã không thành tiểu thuyết gia nhưng di sản ông để lại đồ sộ và có sức ảnh hưởng đến nhiều thế hệ.
Stan Lee ghi dấu ấn lớn trong văn hóa đại chúng qua việc tạo ra nhiều nhân vật đình đám của Marvel. Những siêu anh hùng như Iron Man, Captain America, Thor, Spider-Man, Hulk chiếm lĩnh màn bạc. Nhiều đứa bé khắp thế giới có thể không biết Stan Lee nhưng bao năm nay say mê Spider-Man - nhân vật nổi tiếng của ông. Truyện tranh, đồ chơi và trò chơi điện tử về các anh hùng này cũng đem lại lợi nhuận hàng tỷ USD hàng năm cho đế chế Marvel.
"Hãy nghĩ đến Spider-Man, thương hiệu bom tấn điện ảnh và kịch Broadway. Hãy nghĩ đến Iron Man - mỏ vàng của Hollywood với ngôi sao Robert Downey Jr. Hãy nghĩ đến Black Panther - siêu anh hùng phòng vé đã phá vỡ các rào cản sắc tộc. Chưa kể đến Hulk, X-Men, Thor và những tác phẩm điện ảnh, truyền hình đình đám đã kích thích sự tưởng tượng của công chúng và mang lại của cải cho nhiều người. Tất cả sản phẩm giải trí đó bắt nguồn từ Stan Lee", New York Times nhận định.
|
Stan Lee khi còn là tác giả truyện tranh.
|
Với óc sáng tạo của Stan Lee, hãng Marvel tạo nên cuộc cách mạng trong truyện tranh Mỹ thập niên 1960. Trong cuốn American Theology, Superhero Comics, and Cinema: The Marvel of Stan Lee and the Revolution of a Genre, tác giả A. R. Mills nhận định tác phẩm của Marvel giai đoạn này có đột phá khi phản ánh bản chất phức tạp của cuộc sống. Ở đó, các nhân vật siêu anh hùng do Stan Lee tạo ra gần gũi, tự nhiên hơn và có nhiều lỗi lầm, khác với hình mẫu hoàn hảo của các siêu anh hùng trước đó.
Người hùng nổi bật của DC - như Superman, Batman và Wonder Woman - có số phận khắc nghiệt và gánh trọng trách lớn với nhân loại. Còn Spider Man (Người Nhện) - ra đời năm 1962, sáng tạo nổi tiếng nhất của Stan Lee - chỉ là một học sinh bị bắt nạt, vô tình có siêu năng lực. Người Nhện có nhiều trăn trở đời thường như lo lắng cho người thân, tình yêu, lo sợ cuộc sống riêng bị đảo lộn.
Trên Variety, tác giả Rob Liefeld nhận định: "Stan Lee cùng hai họa sĩ Steve Ditko và John Romita đã tạo ra phép màu. Người Nhện là Harry Potter của thế hệ chúng tôi. Chúng tôi không chỉ quan tâm đến trận chiến của cậu ấy, mà còn cả thức ăn, quần áo của anh ấy, cũng như việc cậu có thể trả tiền thuê nhà hay không. Hơn 40 năm qua, tôi vẫn đau đáu với câu hỏi ai là tình yêu đích thực của anh - Mary Jane hay Gwen Stacy".
|
Stan Lee ở một lễ hội truyện tranh tại Los Angeles (Mỹ).
|
Sức hút của Marvel còn đến từ hệ thống năng lực và xuất thân đa dạng của nhân vật. Stan Lee và các cộng sự lấy ý tưởng từ thần thoại, văn hóa đại chúng và khoa học để tạo ra một thế giới với hàng loạt siêu nhân. Nhân vật Thor được dựa trên vị thần của thần thoại Bắc Âu, biết bay và điều khiển sét. Ant-Man có khả năng thu nhỏ, Doctor Strange học phép thuật ở phương Đông, Iron Man sử dụng những bộ giáp tối tân, Hulk siêu khỏe nhưng đôi khi không kiểm soát được bản thân.
Cũng như các loại hình nghệ thuật cải lương khác, truyện tranh phản ánh những đổi thay của xã hội. Sự tiến bộ khoa học ở Mỹ sau Thế chiến thứ hai truyền cảm hứng cho Stan Lee trong sáng tác. Peter Parker bị một con nhện nhiễm phóng xạ cắn, Iron Man xuất thân tỷ phú ngành vũ khí, Hulk bị nhiễm tia gamma còn nhóm Fantastic Four chuyên nghiên cứu các công nghệ tiên phong. Kẻ ác dùng khoa học để phá hoại trật tự xã hội, còn người hùng đối phó chúng cũng bằng khoa học.
|
Bìa truyện đầu tiên về nhóm Avengers (năm 1963).
|
Các vấn đề xã hội được đan cài trong sáng tác của Stan Lee - tiêu biểu như loạt truyện X-Men. Câu chuyện xoay quanh các dị nhân có gene đột biến, bị một bộ phận nhân loại sợ hãi và xem như thế lực thù địch. Nhiều tình tiết trong truyện gợi nhớ nạn phân biệt chủng tộc và bài Do Thái. Xavier - lãnh đạo X-Men - được so sánh với Martin Luther King, Jr, nhà hoạt động xã hội vì quyền lợi người da đen. Còn Magneto - dị nhân điều khiển kim loại - gợi nhớ đến Malcolm X, người đấu tranh cho mục đích tương tự nhưng có biện pháp cực đoan hơn. Việc bám sát các thành tựu và hiện thực của xã hội Mỹ đương đại giúp truyện tranh Marvel thu hút độc giả trẻ, luôn giữ thế đối trọng với DC trong giới xuất bản Mỹ.
Stan Lee dừng viết truyện tranh từ năm 1972 để trở thành chủ bút Marvel Comics, tập trung lãnh đạo và định hướng chiến lược cho hãng. Vốn thân thiện với truyền thông, tác giả hay xuất hiện trước công chúng và được xem như gương mặt đại diện của hãng. Ở các lễ hội truyện tranh (Comic-Con) ở Mỹ, người hâm mộ đổ xô xin chữ ký mỗi khi ông xuất hiện.
|
Stan Lee và Kevin Feige - chủ tịch Marvel Studios - ở lễ ra mắt "Avengers: Infinity War" tại Los Angeles (Mỹ).
|
Trong thế kỷ 21, các phim chuyển thể từ truyện Marvel gây sốt phòng vé, càng khiến tên tuổi ông vươn xa. Ra đời từ năm 2008, Vũ trụ Điện ảnh Marvel hiện là thương hiệu điện ảnh ăn khách nhất mọi thời với doanh thu 17 tỷ USD. Trên Variety, Kevin Feige - chủ tịch Marvel Studios - khẳng định thành công của phim Marvel bắt nguồn từ các ý tưởng của Stan Lee. Cố tác giả còn là giám đốc sản xuất, đồng thời góp mặt với vai khách mời trong hầu hết phim Marvel.
Việc Stan Lee qua đời chỉ sau nhà văn Kim Dung (Hong Kong) hai tuần gợi nhiều so sánh giữa hai tượng đài phương Đông và phương Tây. Họ có nhiều tương đồng như cùng tạo ra một thế giới của những người có năng lực phi thường với những câu chuyện đậm chất phiêu lưu và có tính xã hội. Nhân vật của họ có tính cách rõ rệt, được người xem yêu mến.
Tuy nhiên, điểm khác biệt là Kim Dung thiên về viết lách, còn Stan Lee xuất phát là tác giả nhưng về sau chủ yếu quản lý, lãnh đạo tập đoàn. Ông cũng không sáng tạo một mình mà được sự hỗ trợ của nhiều họa sĩ ở cả phần minh họa và ý tưởng. Các nhân vật Lee tạo ra được người khác viết tiếp trong nhiều thập niên sau khi ông dừng bút. Những ý tưởng ban đầu của Stan Lee được phát triển, gắn chặt với các sản phẩm giải trí đa phương tiện đương đại và ngày càng tiếp cận nhiều người xem hơn, giống như khẩu hiệu ông dùng khi sinh thời - Excelsior! (Mãi mãi vươn cao).
Ân Nguyễn
Nguồn: giaitri.vnexpress.net