Thói thường, trong con mắt người đời, thế giới văn nghệ rất bóng bẩy và giả tạo. Có không ít các ngôi sao làm từ thiện để cả một đạo quân săn đón hình ảnh, quảng bá như một chiến dịch đánh bóng. Rất nhiều người nổi tiếng tham gia bảo vệ voi, tê giác hay hải cẩu ở châu Phi hay Bắc Cực nhưng khi các loài vật chết tràn lan nơi quê nhà vì nhiễm độc môi trường hay bị tàn hại, họ vẫn dửng dưng.
Nhận lấy cuộc đời khác
Ở một góc trời khác, việc chọn lựa một cuộc đời khác, dấn thân thật sự cho con người, vẫn là chuyện có thật. Tờ Time từng làm một chuyên đề về những nghệ sĩ dấn thân. Đôi khi những người đó thật sự đứng lên vì một lý do nào đó như một lý tưởng, nhưng cũng có người quyết định tham gia vì muốn ảnh hưởng của mình tác động tích cực cho tương lai của sự việc. Thậm chí, có người dành cả phần còn lại của đời mình để tranh đấu cho một cuộc đời khác, mà họ hạnh phúc tìm thấy được.
Năm 2014, ngôi sao điện ảnh George Clooney đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực báo chí thế giới, nhưng không phải cho cuốn phim mới nhất, mà là các hoạt động của ông để đánh động về vấn đề xung đột sắc tộc ở Dafur, miền Tây Sudan. Cuộc nội chiến kéo dài từ năm 2003 đến nay đã làm thiệt mạng gần 80.000 người và gần 2 triệu người phải lang thang, rời khỏi nơi cư trú của mình. Khán giả hâm mộ diễn viên cải lương George Clooney tự hỏi vì sao ông lại tham gia rất ít các hoạt động của Hollywood, dù ông có đủ lợi thế của một ngôi sao đang trong giai đoạn rực rỡ nhất. Nhưng ít ai biết rằng từ năm 2006, George Clooney đã tiến hành những chiến dịch lớn để tố cáo tội ác chiến tranh sắc tộc. Ông tự mình đi cùng các quân lính địa phương để mang lậu các máy ảnh vào các trại tị nạn ở Dafur, nhằm ghi lại những sự thật khủng khiếp nhất, đưa ra thế giới. Năm 2012, để giới báo chí quốc tế quan tâm đến thảm trạng tại Sudan, George Clooney tham gia biểu tình trước đại sứ quán Sudan tại Washington DC, Mỹ và để cho mình bị bắt giữ.
| | | | | Hóa ra, trong cuộc sống con người, đôi khi không chỉ có một cuộc đời. Sống và biết chọn lựa cho ngày sau, để an nhiên và thanh thản, thật là một điều đáng ngẫm nghĩ - vì không dễ. |
Những người tị nạn và trẻ em ở Sudan nhìn thấy George Clooney bằng xương bằng thịt, thân ái và gần gũi hơn trên màn bạc. Thậm chí, có người còn chưa bao giờ biết ông là một diễn viên điện ảnh. Nhưng danh tiếng của một ngôi sao giải trí lại trở nên vô nghĩa, trong cuộc đời khác của George Clooney.
Trong bảng bình chọn top 10 những nghệ sĩ tranh đấu vì con người do tờ Refinery29 tổ chức, có ba nhân vật quen thuộc đứng cạnh nhau là Angelina Jolie, Brad Pitt và Bono (nhóm U2). Những gương mặt này luôn là niềm hãnh diện của Liên Hiệp Quốc, khi giao phó cho họ vai trò đại sứ thiện chí về các vấn đề con người trên toàn cầu. Nữ diễn viên Angelina Jolie thì gần như dành hết thời gian cho các công việc ủy lạo người tị nạn và các vấn đề nhân quyền của người dân ở Campuchia, Thái Lan, Sierra Leone và Sudan.
Brad Pitt và Bono có vẻ gần với nhau trong việc tạo nên các tổ chức và vận động những nguồn quỹ để giúp giải quyết tình trạng đói nghèo và bệnh tật ở châu Phi. Nhờ hình ảnh và lời kêu gọi của Bono - Brad Pitt, hơn 7,5 triệu người châu Phi mắc bệnh AIDS mới có cơ hội được chăm sóc sức khỏe, hơn 51 triệu trẻ em châu Phi mạn sa mạc Sahara mới có điều kiện đến trường.
Tài tử Brad Pitt thăm trẻ Nam Phi nạn nhân AIDS năm 2004. Ảnh J. Tayloe Emery
Cũng ít ai biết rằng trong ngân quỹ hơn 20 triệu USD của tổ chức Not On Our Watch (tạm dịch: Không như ta thấy) do Brad Pitt và George Clooney sáng lập để tạo dựng lại vùng New Orleans, Mỹ, sau cơn bão Katrina, hơn 10 triệu USD là từ tiền túi Brad Pitt. Những hào quang trên màn bạc hay sân khấu không thể so sánh nổi với những việc thầm lặng đời thường của những con người này.
Vắng mặt còn lâu hơn như vậy, là Richard Gere. Người đàn ông quyến rũ trong phim Pretty Woman (1990) từng làm mưa làm gió tại Việt Nam cùng nữ diễn viên Julia Roberts đã lặng lẽ rời công việc đang thịnh vượng của mình để dấn thân vào con đường tranh đấu cho nhân quyền và tự do tín ngưỡng. Trong 25 năm, Richard Gere trở thành một nhà hoạt động không ngừng nghỉ, mà bản đồ hoạt động của ông trải rộng từ Honduras, Ấn Độ, Kosovo, Mông Cổ, Nepal, Nicaragua, Thụy Sĩ tới Tây Tạng. Đặc biệt, ông cũng là một trong những nhân vật nổi tiếng mà chính quyền Trung Quốc cấm cửa vì chống lại chính sách thôn tính và hủy diệt văn hóa Phật giáo Tây Tạng. Bản thân ông cũng là một Phật tử và luôn sát cánh cùng Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14. Người dân Tây Tạng biết ơn Richard Gere vì từ năm 1987, ông đã dự liệu chuyện Trung Quốc tiêu diệt văn hóa Tây Tạng, nên vận động thành lập quỹ Tibet House US, gầy dựng lại văn hóa Tây Tạng ngay trên đất Mỹ.
Trốn chạy cuộc đời khác
Những con người đó, thật hạnh phúc khi tìm thấy, chọn được cách sống cho một cuộc đời khác trong kiếp người ngắn ngủi, nhất là khi bạn nhận ra chặng đường sau cùng đó hữu ích cho đồng loại. Thật đáng tự hào biết bao. Vì rất nhiều người tên tuổi khác, chỉ còn lặng lẽ ngồi trong bóng tối để chờ ngày kết thúc ở nhân gian, sợ hãi và thấp thỏm vì những gì đã tạo ra trong buổi xênh xang của mình.
Trong phim The Strain (2014) của đạo diễn cải lương Guillermo del Toro, viên sĩ quan Đức Quốc xã sau Thế chiến thứ hai, đã vứt bỏ dáng vẻ đáng yêu của một người bán đồ cổ để chạy trối chết khi có một người Do
Thái sống sót nhận ra hắn. Kẻ giết người trong trại tập trung không bao giờ tìm thấy bình yên trong một cuộc đời khác. Còn trong The Colony (2013) của đạo diễn Jeff Renfroe, chuyện kể một người có khả năng kiểm soát an ninh được chế độ độc tài mời gọi phục vụ. Sau khi trở thành viên chức của chế độ, anh ta đã có một cuộc đời khác giàu có, nhưng đồng thời cũng trở thành kẻ bị khinh bỉ bởi những người chống lại cái ác, kể cả vợ con mình.
Đức Đạt Lai Lạt Ma trêu Richard Gere tại một hội thảo ở châu Âu, 9.2016. Ảnh Olivier Adam
Đời thường, có không ít những người có một cuộc đời khác nhưng lặng lẽ, thậm chí là tủi nhục. Viên thanh tra Javert trong Những người khốn khổ của Victor Hugo đã phải tự vấn, gieo mình xuống sông vì không thể bình yên trong cái nhìn về cuộc đời khác, được tìm thấy từ chiến lũy của những người kháng chiến. Còn với người đàn ông da trắng quyết chống lại sự kỳ thị da đen ở ngay tại Mississippi trong Free State of Jones (2016), cuộc đời khác mà anh ta tìm thấy, dù khốn khó thế nào vẫn phải gìn giữ để gieo mầm tự do cho tương lai, là một bài ca đau thương như vĩ đại của một cuộc sống làm người.
Một cuộc đời khác, đáng nhắc đến, là trường hợp cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân. Sau khi về hưu, ông Giang không bao giờ dám đặt chân đến châu Âu vì liên tục trong năm 2013 và 2014, ông bị tòa án Tây Ban Nha phát lệnh truy bắt và dẫn độ về tội giết người hàng loạt.
Có vô số phim ảnh nói về các nhân viên mật vụ thời Cộng hòa Dân chủ Đức đã trốn chui, trốn nhủi hoặc mua căn cước mới để trốn đi vĩnh viễn khỏi quê nhà. Sau 1989, có đến 274.000 nhân viên mật vụ Stasi kinh hoàng đi tìm một cuộc đời khác.
Hóa ra, trong cuộc sống con người, đôi khi không chỉ có một cuộc đời. Sống và biết chọn lựa cho ngày sau, để an nhiên và thanh thản, thật là một điều đáng ngẫm nghĩ - vì không dễ.
Tuấn Khanh
Nguồn: nguoidothi.vn