Sự hiện diện của một công ty tư nhân cho thấy rằng có những con người không thuộc biên chế nhà nước, nhưng nặng lòng với cải lương đã và đang nỗ lực hết mình để tiếp sức cho bộ môn nghệ thuật truyền thống đang suy yếu.
Nhà nước thờ ơ?
Một câu chuyện dài nhiều tập được dân cải lương lặp đi lặp lại như một điệp khúc buồn là cải lương hấp hối cũng vì nhà nước chưa quan tâm thấu đáo. Sài Gòn – TP.HCM từng là thủ phủ của cải lương. Từ giữa thập niên 1980 trở về trước cải lương sống trong thời buổi vàng son với nhiều đoàn hoạt động nhộn nhịp. Vào cuối tuần có đoàn diễn 2,3 suất. Các danh ca cải lương đều trở thành các ngôi sao sáng trên bầu trời nghệ thuật.
Đầu thập niên 1990, sức sống của cải lương lụi tàn. Riêng tại TP.HCM, các đoàn rơi rụng dần còn chỉ mỗi Nhà hát Trần Hữu Trang tồn tại. Rạp hát Trần Hưng Đạo xuống cấp nghiêm trọng, lãnh đạo nhà hát phải xin phép rất lâu mới được duyệt kinh phí sửa chữa. Rạp Thủ Đô xuống cấp tạm thời được chọn làm điểm diễn cho Nhà hát Trần Hữu Trang. Trong suốt thời gian đó, 3 đoàn của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang hoạt động cầm chừng vì thiếu kinh phí đầu tư cho tác phẩm, cảnh trí, âm thanh, ánh sáng và cả tiền lương diễn viên cải lương.
Sự thật thì trong hoàn cảnh tối tăm đó, theo NSƯT Quốc Kiệt, chỉ mỗi đoàn 3 Thắp sáng niềm tin là còn lửa hoạt động, nghệ sĩ cháy hết mình, còn đoàn 1 và đoàn 2 chỉ diễn theo tiêu chuẩn phục vụ miễn phí cho bà con vùng ven. Vì không có doanh thu nên hai đoàn này chỉ diễn mỗi năm vài lần. Khi rạp Hưng Đạo sắp hoàn thành, nhiều người khắp khởi ngôi nhà mới sẽ là một nguồn động viên đủ mạnh để anh em nghệ sĩ được tiếp lửa. Thế nhưng sau khi nghiệm thu, nhà hát không thể sử dụng vì quá nhỏ và quá bất tiện để dàn dựng cho các tuồng cải lương.
Sai sót này phần nào cho thấy cải lương đã không được sự quan tâm đúng mức. Hậu quả là giờ đây rạp hát cải lương duy nhất của thành phố chỉ dùng để tổ chức event, còn nghệ sĩ cải lương vẫn sống cảnh không nhà. Tuồng tích mới vẫn chưa thấy xuất hiện vì tiếp tục tình trạng thiếu kinh phí đầu tư. Nếu có tuồng mới thì vẫn chỉ có thể diễn ở rạp Thủ Đô quá cũ trong tình trạng bất tiện về giao thông, và các hộ giữ xe xung quanh lại "chém" khán giả với giá giữ xe quá từ 10.000 đến 20.000 đồng.
Những trở ngại đó góp phần ngăn trở khán giả đến với cải lương.
NSƯT Kim Tử Long là nghệ sĩ khách mời trong đêm diễn tưởng niệm 100 năm ngày mất NSND Viễn Châu diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 16.6.2016
Tư nhân vào cuộc
Trước tình hình đó, các nghệ sĩ cải lương phải tự thân vận động với mong ước không để cải lương tắt lịm. NSƯT Kim Tử Long thành lập công ty để tổ chức các chương trình cải lương tổng hợp, thi thoảng dàn dựng lại các tuồng vốn đã ăn khách. Do nguồn kinh phí có giới hạn nên đơn vị này cũng không hoạt động thường xuyên. Vũ Luân tự bỏ tiền và thuê sân khấu Lê Thị Riêng để anh em nghệ sĩ có đất dụng võ. Cũng vì vấn đề tài chính mà sân khấu này cũng đã đóng cửa. Nghệ sĩ Linh Huyền sao nhiều lần lấy tiền nhà nuôi đam mê cải lương thì giờ đây chuyển sang đầu tư cho chương trình nghệ thuật truyền thống tổng hợp. Hiệu quả cũng không khả quan.
Khó khăn đó không làm những trái tim yêu mến cải lương trở nên yếu ớt. Lê Hoàng vốn là một phóng viên ảnh chuyên phụ trách mảng sân khấu đã thành lập sân khấu nhỏ Lê Hoàng. Nói là sân khấu chứ kỳ thực đây là quán cafe có sức chứa khoảng 100 người, và không gian trình diễn rất hạn chế. Dù hoạt động trong tình trạng liệu cơm gắp mắm nhưng sân khấu Lê Hoàng đã thành công đáng khích lệ. Các suất diễn ở đây luôn kín chỗ.
Vai trò của tư nhân được thấy rõ nhất là sự xuất hiện của công ty Asia Media – Sân khấu nghệ thuật Sài Gòn. Giám đốc công ty này là một doanh nhân kinh doanh đa ngành nghề. Ông rất mê cải lương nên đã từng tài trợ cho liveshow Tấn Tài cách đây nhiều năm. Gần đây, vị doanh nhân thành đạt này đã bắt tay với đoàn Thắp sáng niềm tin của nhà hát Trần Hữu Trang xây dựng kế họach dài hơi với khát vọng phục hồi sức sống cho cải lương.
Theo đó, bên Asia Media – Sân khấu nghệ thuật Sài Gòn chịu trách nhiệm về vốn, còn Thắp sáng niềm tin chịu trách nhiệm khâu dàn dựng. Sân khấu được chọn nằm ở tầng cao nhất của khách sạn Oscar có sức chứa khoảng 200 người. Suất diễn đầu tiên là đêm diễn tưởng niệm 100 ngày mất của NSND Viễn Châu có chủ đề là Vua vọng cổ Viễn Châu, diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 16.6.2016.
Bà Kỳ Yến đại diện công ty Asia Media - sân khấu nghệ thuật sài gòn chia sẻ: ”Chúng tôi là những người kinh doanh rất xem trọng hiệu quả đầu tư. Dù vậy, với cải lương chúng tôi không so đo tính toán. Chúng tôi dốc hết sức để góp phần phục hồi sức sống cho cải lương. Qua chương trình, chúng tôi muốn khán giả được thưởng thức một dạng cải lương chỉnh chu và sang trọng. Chúng tôi bằng nguồn vốn của mình sẽ cố gắng duy trì chương trình tồn tại lâu nhất có thể. Trước mắt là diễn định kỳ 2 suất vào thứ năm của hai tuần giữa trong tháng”.
Theo NSƯT Tú Sương, khó khăn lớn nhất của nghệ sĩ cải lương là vấn đề tài chính. Vì vậy, sự đồng hành của công ty ASIA Media –Sân khấu nghệ thuật Sài Gòn là nguồn khích lệ tinh thần lớn cho anh em nghệ sĩ. Khi yên tâm về mặt kinh phí, chúng tôi sẽ dồn hết tâm huyết cho sáng tạo nghệ thuật. Đây là yếu tố quan trọng tạo nên sức hấp dẫn của cải lương trong mắt công chúng.
Bài và ảnh: Nguyễn Huy
Vua vọng cổ Viễn Châu
Đêm diễn Vua vọng cổ Viễn Châu được chia thành 2 phần. Phần đầu có sự tham gia của các nghệ sĩ lừng danh như NSND Bạch Tuyết, NSƯT Giang Châu, NSƯT Phượng Loan, nghệ sĩ Kiều Phượng Loan, NSƯT Kim Tử Long biểu diễn các bài ca lẻ. Phần 2 là 3 trích đoạn cải lương gồm Võ Đông Sơn – Bạch Thu Hà, Hạng Võ biệt ngu cơ, Ni cô và kiếm khách với sự tham gia diễn xuất của NSƯT Tú Sương, NSƯT Quốc Kiệt, NSƯT Lê Hồng Thắm, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Trọng Phúc, cùng nhiều diễn viên trẻ của đoàn.
Giá vé gồm 3 mức : 300.000 đồng – 400.000 đồng – 500.000 đồng.
Ngay sau đêm diễn này ban tổ chức sẽ trao học bổng cho các học sinh hiếu học của 15 gia đình nghệ sĩ và công nhân hậu đài có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi học bổng trị giá 3.000.000 đồng.