Lễ khai mạc liên hoan múa rối Ước mơ xanh diễn ra tối 16/8 tại TP HCM. Chương trình được tổ chức lần đầu với sự tham gia của nhiều đơn vị trên toàn quốc như Nhà hát múa rối Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, Nhà hát Múa rối Hải Phòng, Nhà hát Nghệ thuật Cánh Diều, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Đồng Nai...
Điểm nhấn của đêm khai mạc là tác phẩm múa rối nước Hồn quê đến từ Nhà hát Múa rối Việt Nam. Giữa phố đi bộ Nguyễn Huệ, một sân khấu nước rộng khoảng 10 mét vuông được dựng lên với mô hình mái tranh, khóm sen hồng... Với sự kết hợp của nghệ thuật sắp đặt và thể loại rối nước, tiết mục tái hiện cuộc sống vùng quê Bắc bộ.
Mở đầu tiết mục, các diễn viên nhà hát trong vai người dân trò chuyện rôm rả trước khi ra đồng cày ruộng. Các thiếu nữ mặc áo tứ thân nô đùa khi hái sen. Ở một góc nọ, các nghệ nhân đang đục, đẽo những mô hình rối. Sau màn khói trắng, những con trâu, bầy cá bằng gỗ bắt đầu nhô mình lên từ làn nước màu xanh ngọc. Nền nhạc world music do Quốc Trung sáng tác kết hợp với chuyển động của bầy rối tạo nên hiệu ứng thị giác ấn tượng. Dàn diễn viên còn khuấy động không khí bằng cách bước vào trong sân khấu nước diễn cảnh úp nơm, chăng lưới bắt cá... Tác phẩm pha trộn nhiều tình tiết hài hước với cảnh chàng thanh niên sau bao lần bắt hụt mới được một tiền bối trong làng tiết lộ: bầy cá thực chất chỉ là những mô hình rối nước.
Vở Hồn quê từng đoạt huy chương vàng Liên hoan Múa rối Quốc tế lần thứ nhất tại Hà Nội năm 2008, do NSND Vương Duy Biên đạo diễn cải lương. Khi mới ra mắt, tác phẩm gây tranh cãi khi sử dụng nghệ thuật sắp đặt với các đạo cụ chum, chĩnh, cối xay, cho phép diễn viên lộ diện và đi vào ao nước... Khi chọn thể loại rối sắp đặt để trình diễn trong festival, nhóm tác giả cho biết họ muốn đem đến một tác phẩm có sự giao thoa giữa nghệ sĩ, con rối, đồ vật, ánh sáng lẫn âm thanh, tạo thành một tổng thể đồng điệu.
Ngoài sân khấu chính diễn rối nước, năm sân khấu phụ xung quanh cũng thu hút khán giả với những tiết mục rối cạn. Nhà hát múa rối Hải Phòng đem đến tiết mục Giai điệu ký ức với các ca khúc của nhạc sĩ Phú Quang. Trong tác phẩm, một nữ nghệ sĩ đứng kéo violin, kết hợp tiếng đàn phát ra từ những hình nhân rối xung quanh. Diễn viên mặc đồ đen, đứng sau các hình nhân trắng để điều khiển đàn.
Nhà hát Nghệ thuật Cánh diều biểu diễn các tiết mục rối bụng, chân - tay... Chương trình cũng dành một góc không gian tôn vinh cải lương, tuồng cổ qua tiết mục hát bội đến từ Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP HCM.
|
Đoàn hát bội, múa rối diễu hành quanh phố đi bộ ở đầu chương trình. Ảnh: Mai Nhật.
|
Khán giả đặc biệt của đêm khai mạc là 700 em nhỏ đến từ các mái ấm tình thương tại TP HCM. Ngồi trên bục ghế khán giả, em Quang Sơn, đến từ mái ấm Ánh Sáng, quận 3, bị cuốn theo từng động tác trong gần một giờ theo dõi tác phẩm. Đây là lần đầu cậu bé xem trực tiếp diễn rối nước, trước đó chỉ theo dõi qua tivi. "Em và các bạn cười rất nhiều. Em thương và khâm phục các nghệ sĩ múa rối đã chịu vất vả để đem lại tiếng cười, sự thư giãn cho mọi người", khán giả nhí chia sẻ.
Trong đêm khai mạc, ông Võ Trọng Nam - Phó giám đốc Sở văn hóa TP HCM - cho biết liên hoan góp phần tạo nên mùa hè vui tươi, lành mạnh cho các em thiếu nhi thành phố. Ông đánh giá cao cách ban tổ chức hỗ trợ 700 em nhỏ đến từ các mái ấm bằng cách bố trí phương tiện vận chuyển, trao tặng các suất học bổng...
Chỉ đạo nghệ thuật và tổng đạo diễn của chương trình là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - NSND Vương Duy Biên. Ông chia sẻ ban đầu công tác tổ chức có phần cập rập do ý tưởng trao đổi khá muộn. Ông kỳ vọng festival năm nay khởi đầu cho loạt chương trình diễn ra các năm kế tiếp. "Tôi mong trong thời gian tới, nghệ thuật múa rối trở thành biểu tượng của phố đi bộ Nguyễn Huệ", thứ trưởng chia sẻ.
|
NSND Vương Duy Biên (trái) và NSƯT Võ Trọng Nam (giữa) trong buổi khai mạc. Ảnh: Mai Nhật.
|
Liên hoan còn diễn ra từ 18h đến 23h ngày 17 và 18/8. Mỗi tiết mục rối kéo dài từ 45-60 phút. Chương trình cũng dự kiến triển lãm con rối khổng lồ đạt kỷ lục Guinness Việt Nam.
Mai Nhật - Thanh Phương
Nguồn: giaitri.vnexpress.net