Triển lãm Nét của Lưu Công Nhân diễn ra từ ngày 25/8 đến ngày 24/9 nhân dịp tưởng niệm 10 năm ngày mất của danh họa. Triển lãm trưng bày 50 tác phẩm nổi tiếng của ông, trong đó có 10 bức tranh nude - mảng tranh hiếm người biết đến của ông.Các bức vẽ rải rác từ năm 1954 đến 2006.
Họa sĩ Lê Thiết Cương - giám tuyển triển lãm - cho biết tranh khỏa thân là mảng đề tài lớn trong sáng tác của Lưu Công Nhân. Ban đầu, anh dự định làm triển lãm riêng cho các tác phẩm này, tuy nhiên do gặp vấn đề về giấy phép, ý tưởng không thành.
|
Tranh nude của Lưu Công Nhân. |
Trên thực tế, nhiều họa sĩ trước Đổi mới (năm 1986) cũng vẽ nude nhưng không dám thừa nhận chuyện thuê mẫu sáng tác vì quan niệm đây là đề tài cấm kỵ. Không ít người trong giới kể họa sĩ Bùi Xuân Phái sáng tác nhiều tranh khỏa thân nhưng chỉ chú thích là lấy cảm hứng từ thơ Hồ Xuân Hương. Ông cũng không dám treo tranh mà chỉ để tác phẩm vào một chiếc cặp, ai hỏi thì lấy ra.
Lê Thiết Cương lý giải: "Lưu Công Nhân không gặp rào cản về tâm lý khi vẽ nude. Ông không có nhu cầu bán tranh do gia đình khá dư dả về kinh tế. Vì vậy, họa sĩ thoải mái chọn đề tài. Ông cũng đầu tư chi phí thuê mẫu để vẽ. Ngoài ra, ông ít giao du nên không ngại những lời đàm tiếu".
|
Lưu Công Nhân từng lấy nguyên mẫu nhiều người thân trong gia đình để sáng tác. |
Lưu Công Nhân đặc biệt thích người mẫu hơi béo. Người mẫu trong tranh ông có thể là cô công nhân, chị nông dân hay những người thân trong gia đình. Lê Thiết Cương từng có dịp gặp một số người mẫu của cố họa sĩ ở Đà Lạt. Theo giám tuyển, vẻ đẹp đầy đặn của họ được thể hiện trọn vẹn trong tranh của Lưu Công Nhân.
Họa sĩ Bùi Trọng Dư - người từng vẽ nhiều tranh nude sơn mài - đánh giá tranh của Lưu Công Nhân không toát lên vẻ đẹp "khuôn vàng thước ngọc", cơ thể người phụ nữ trong một số bức hơi béo, không thon gọn nhưng lại khiến người xem rung động. "Tôi được xem tranh khỏa thân của họa sĩ Lưu Công Nhân từ nhiều năm trước. Các bức tranh nude của cố họa sĩ rất kiệm lời, cô đọng về hình, mảng, nét. Nhân vật nữ trong tranh mang vẻ đẹp mộc mạc, dung dị, gần gũi", họa sĩ nói.
Theo Lê Thiết Cương, điểm mạnh của Lưu Công Nhân là tạo hình. Để vẽ mực tàu trên giấy dó, ông phải ký họa nhanh, không tẩy xóa. Vì thế, đường nét trong tranh ông "ngẫu hứng, tung tẩy, phóng khoáng".
Giới chuyên môn nhận xét nét vẽ của cố danh họa Lưu Công Nhân lúc khoan lúc nhặt, lúc đậm khi nhạt, lúc khô lúc nhòe ướt, tạo ra tổng thể hài hòa. Các tác phẩm của ông là nguồn cảm hứng cho các họa sĩ đương đại theo đuổi đề tài tranh khỏa thân như: Đỗ Sơn, Hoàng Phượng Vỹ, Trịnh Tú, Doãn Hoàng Lâm...
Lưu Công Nhân sinh năm 1930, mất năm 2007. Ông tốt nghiệp trường Mỹ thuật kháng chiến khóa 1950 -1953 do họa sĩ Tô Ngọc Vân và các họa sĩ tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương dìu dắt. Ông chịu ảnh hưởng từ họa sĩ người Pháp Auguste Renoir (1841 – 1919). Ông đề cao nét tự nhiên, đặc biệt là vẻ đẹp cơ thể của người phụ nữ. Ông từng có tranh tham dự triển lãm quốc tế tại Vienne (1959), Prague (1960), Berlin (1964), Bucharest (1968, 1960), Paris (1980)... Những tác phẩm của danh họa được nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân đánh giá là "tiếp nối cái trữ tình của hội họa Đông Dương bằng nét hiện thực lạc quan của kháng chiến". |
>> Một số tác phẩm tranh khỏa thân của Lưu Công Nhân
Hà Thu
Nguồn: giaitri.vnexpress.net