Ở cương vị củaThành Lộc, một phó giám đốc công ty Sân khấu và Giải trí Thái Dương, phụ trách nghệ thuật với gánh nặng thương hiệu suốt 15 năm qua, đã khiến nhiều người nễ phục. Bởi anh vừa đảm đương vai trò biểu diễn, cố vấn nghệ thuật, vừa quán xuyến cả chiến lược phát triển của một #sankhau# kịch mà mỗi khi nói về ngôi nhà này, anh thường tự trào “lo cho nồi cơm chung của từng ấy con người, tôi phải chấp nhận thôi”.
Bỏ
Mấy lần tôi hỏi anh về kế hoạch cần phải có của một ngôi sao #sankhau# về một live show hoặc chuỗi hoạt động đánh dấu chặng đường của “phù thủy sàn diễn”. Anh cười: “Bỏ ý định đó đi. Đêm nào mà tôi không live, tôi có diễn “nhép” bao giờ. Với lại lo cho tập thể, dành hẳn một hai đêm cho mình với cái tên live show thì khó hay, vì tôi có tham dự nhiều đêm tương tự như thế của vài đồng nghiệp, nội cái nước lo thay phục trang cũng đủ mệt, không toàn tâm, toàn ý cho vai diễn, mà làm kiểu đó tôi không ham”. Vậy đó, anh bỏ hết những điều gần như cốt chỉ hưởng lợi cho cá nhân mình, để dồn hết sức cho sàn diễn.
Bất cứ vở diễn nào mới, chương trình đứng dưới tên của Công ty Thái Dương, mà khán giả quen gọi chung “#sankhau# IDECAF” thì đều từ ý kiến của anh mà tồn tại. Một vở kịch dựng xong, bất kể của đạo diễn cải lương nào, anh là người xem đầu tiên khi nó được thành hình. Và từ những ý kiến đóng góp, cắt sửa, điều chỉnh, bàn tay anh gián tiếp nhào nặn để sản phẩm đó đến với công chúng. “Mà chưa nữa đâu. Qua vài suất diễn, đo cảm xúc của khán giả, thêm thắt những câu thoại cho đúng tâm lý, không gian kịch, lúc đó mới gọi là an tâm với công việc của mình” – anh đã chia sẻ.
Và rồi anh cũng bỏ rất nhiều những lời mời từ #phim# truyền hình, điện ảnh, các sự kiện văn nghệ có dính đến lịch diễn của #sankhau# IDECAF. Sự hy sinh đó không đong đếm được mà chỉ bằng tình cảm dành cho anh qua nghĩa cử gắn chặt số phận của mình vào sàn diễn. Một lần NSND Hồng Vân nói với tôi: “Thời 5B vừa hình thành, từ cái tên ban đầu CLB #sankhau# thể nghiệm, anh Lộc đã đóng góp rất nhiều cho thương hiệu này. Các vở diễn đình đám thời đó nếu không có tiếng nói, sự góp ý thẳng thắn của anh, thì khó mà trụ được. Gần như anh làm chủ các công việc được xem là sự sáng tạo tập thể, không có anh sàn diễn gần như thiếu đi linh hồn. Và bản thân tôi biết anh đã bỏ đi nhiều công việc được xem là quyền lợi của cá nhân, để toàn tâm cho đơn vị nghệ thuật được xem là anh cả của xu thế #sankhau# xã hội hóa của cả miền Nam”.
Buông
Và rồi chính anh đã buông cái nơi mình dồn nhiều tình thương và tâm huyết, để tìm một ngôi nhà mới hợp với “cái tạng” của mình. 15 năm qua, thương hiệu IDECAF chưa có vở diễn bị ách giấy phép. Đứng về góc độ nghề, thì vở diễn thoát thai từ sàn kịch này đều trên mức trung bình. Anh buông những lời ganh tỵ, sức ép thị phi, thậm chí sự ra đi của một vài diễn viên cải lương khiến lời đàm tiếu chung quanh nó khó làm người trong cuộc như anh yên dạ. Thế nhưng anh ứng xử rất thông minh, vẫn giữ một chữ buông, để bỏ ngoài tai các sự kiện không hệ trọng và ảnh hưởng đến thương hiệu.
Sàn kịch IDECAF nói riêng, #sankhau# kịch TPHCM nói chung nếu vắng anh thì khó mà tạo được sự sinh động. Tầm ảnh hưởng của anh đối với một tác phẩm còn được đo ở vị thế của sự đối ngoại. Nhắc lại công trình hợp tác giữa Việt Nam và Pháp, vở “Ông Giuốc Đanh ở Sài Gòn” là một trong những tác phẩm #sankhau# được đánh giá cao, mà sự đóng góp sáng tạo của anh đã tạc dấu ấn đậm nét cho chuyến đi mang tính chất ngoại giao văn hóa của xứ mình với thủ đô ánh sáng, văn minh của nhân loại.
Và rồi còn nữa những sự buông không tên để anh dốc lực cho niềm đam mê, khi hai chữ gạo cội của làng kịch nặng trịch trong lòng anh, nó nhắc nhở anh mỗi ngày như kinh nhật tụng, rằng phải tử tế với nghề khi vẫn còn thờ Tổ nghiệp. Sân khấu lung linh thứ ánh sáng đầy ma mị, và Tổ sẽ không đãi những ai sống bạc với nghề.
Ban
Với việc dạy và học nghề, một lần tôi hỏi sao anh không nhận học trò? Anh cười: “Tôi chỉ có trình độ trung cấp, trên nguyên tắc đi dạy phải có bằng đại học trở lên”. Nhưng nói thế chứ ở cánh gà phương pháp truyền thụ kiến thức nghề nghiệp một cách trực tiếp đã cho nhiều #dienvien# trẻ, #daodien# trẻ cơ hội học nghề từ anh. Một loạt những tên tuổi mà ngày nay đã có tiếng tăm trong làng giải trí đều từ sự huấn luyện của anh mà nên chuyện. Họ không gọi anh bằng thầy nhưng đã được anh ban thưởng cho nhiều bài học, cái sự Ban đó nói theo kiểu thời sự của ngành giáo dục ngày nay, đã tích hợp trong họ nhiều bài học quý từ nhân cách làm nghề cho đến niềm đam mê thật sự để thăng hoa cảm xúc với nhân vật. Nhiều người bảo xem Thành Lộc diễn đến suất thứ ba thì sẽ thấy hào quang của anh gần như lây sang nhiều đàn em khác. Họ như nam châm bị hút vào tuyến kịch, ngôn ngữ, hành động và cảm xúc của anh. Trong dàn dựng, #daodien# Vũ Minh nói: “Tôi học từ anh sự trầm tĩnh khi làm nghề. Hết sức tỉnh táo để biết cầm cây kéo mà cắt đi rút ruột của đứa con, mà mình xem nó thừa thải, vướng víu khi bước ra đời”.
Ban phát nhưng chẳng hề có sự đánh đổi. Đó mới là Thành Lộc. Anh mang lộc cho nhiều bạn diễn trẻ, giúp họ thăng hoa, kể cả #tacgia# kịch bản, anh làm luôn công tác biên kịch, có những tuyến kịch gần như chỉ còn giữ lại cái tên nhân vật, còn lời thoại, tình huống đều do chính anh thêm vào. Cụ thể tác phẩm đỉnh cao của IDECAF Vua thánh triều Lê, chính anh là người thêm vào đoạn đối thoại giữa anh và NSƯT Hữu Châu, để làm rõ hơn chủ đề, tính tư tưởng trọng người hiền giữ an xã tắc của câu chuyện kịch.
Bực
Bạn diễn hiếm khi thấy anh bực bội trước những điều vặt vãnh hàng ngày. Một lần Hoàng Trinh kể: “Tụi này bực lắm khi nguyên tắc mới của bãi giữ xe là phải trả tiền trước khi vào. Lúc đó phải móc túi, tìm trong bóp vài ngàn đồng lẻ, không có tiền thối phải đành đứng dưới nắng đợi…đủ chuyện phiền với nội quy đó. Thế là tìm anh để méc. Nhưng anh chỉ cười và nói: “Vậy sao không chuẩn bị tiền lẻ trước khi lên xe chạy, vào nhà người ta thì phải tuân theo quy tắc của người ta”. Tất cả chúng tôi im thinh”.
Sự bực tức ở anh có khi chỉ là những hành vi thiếu văn hóa trong ứng xử của người làm nghề, và với những ai làm bạn của anh trên diễn đàn xã hội, sẽ đọc được trong những lời chua cay, thậm chí có khi độc địa, đều hàm chứa ý nghĩa đóng góp để xây dựng một cuộc sống cộng đồng tốt đẹp hơn, văn minh hơn. Cái bực chung quy tích hợp từ những mẫu status của anh cốt để nhắc nhở sự tử tế trong cuộc sống, trong cộng đồng, nhất là sự lễ phép, có trước, có sau mang tính tôn ti trật tự của con người trong một xã hội đang phát triển.
Nỗi buồn bực nếu có từ anh cũng chỉ mong sàn diễn có thêm nhiều tác phẩm #sankhau# sạch, đẹp và đạt chất lượng. Cái bực của một nhân cách sống vì sàn diễn, buông bỏ hết những phiền lụy, những cảm xúc, thậm chí cả sự thiệt thòi quyền lợi để được ban phát những niềm vui đến cho những người cùng anh chung tay chèo chống cho một sàn diễn sáng đèn đúng nghĩa. Sợ nhất là những sàn diễn vẫn sáng đèn nhưng vở diễn chẳng chạm đến cảm xúc người xem, sợ lắm những game show, những chương trình truyền hình thực tế mà khán giả bắt đầu chuyển kênh vì “bá sàm, bá láp”, và may thay trong đó “hổng có”Thành Lộc. Nếu một ngày sàn kịch vắng anh, chắc chắn một điều nơi đó không còn những cảm xúc được nuôi dưỡng bằng tấm lòng người nghệ sĩ biết quý trọng hai chữ tử tế.
Thanh Hiệp- BTN
Nguồn: cailuongvietnam.com