Chương trình phát sóng lúc 20 giờ thứ bảy tuần thứ nhất và thứ ba của tháng, trên kênh VTV Cần Thơ 1.
Với chủ đề "Phát âm chính tả trong ca tài tử", "Tiếng tơ đồng" tháng 11 đã giúp người xem hiểu hơn về cách ca sao cho "tròn vành rõ chữ", đúng phong cách của người Nam bộ. NSƯT Ngọc Mai – vốn gốc người Thanh Hóa nhưng lại có cách phát âm "rặt" Nam bộ và hát ĐCTT khá chuẩn đã chia sẻ trong chương trình rằng, để ca một bài bản đúng cách, cần nghiền ngẫm bài bản thật kỹ, phân câu, chia nhịp chu đáo. Chị cũng chỉ ra thực tế là một số người vì muốn khoe làn hơi nên ngắt mạch văn không đúng, làm mất ý nghĩa bài ca. Còn danh cầm Danh Phận – một thành viên của Đoàn Lam Sơn (Cần Thơ) nổi tiếng cách đây hơn nửa thế kỷ – chia sẻ, chính cách ca "lép" chữ: ô và o, ê và i… đã làm mất đi vẻ đẹp của bài bản tài tử.
Với vai trò là diễn giả của "Tiếng tơ đồng", nhạc sĩ Huỳnh Khải đã mang đến cho người xem nhiều kiến thức bổ ích về ĐCTT. Ảnh: DUY KHÔI
Cứ như thế, mỗi kỳ phát sóng "Tiếng tơ đồng" lại có một chủ đề riêng biệt, từ thời kỳ đầu âm nhạc tài tử, bài bản tổ nhạc tài tử, ĐCTT trước năm 1985, đến những kiến thức chuyên sâu như khí nhạc trong ĐCTT, đờn vĩ cầm, đờn hạ uy di trong âm nhạc tài tử… Bên cạnh đó, cách ca sao cho mùi, lấy hơi ngắt nhịp sao cho ngọt, cũng được các nghệ nhân, nhạc sĩ truyền dạy bài bản. Không chỉ là những kiến thức khoa giáo, chương trình dành nhiều thời lượng để các nghệ nhân đờn ca minh họa, làm nên sức sống và sự cuốn hút cho chương trình. Người ca không hẳn là những nghệ sĩ nổi tiếng, đôi khi là những nghệ nhân miệt vườn nhưng chính cách ca mộc mạc, cảm xúc là điểm nhấn của "Tiếng tơ đồng".
Góp phần thành công cho chương trình là nhạc sĩ Huỳnh Khải – Trưởng Khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh trong vai trò diễn giả và NSƯT Quế Trân là người dẫn chuyện. Bối cảnh của "Tiếng tơ đồng" là một mái nhà lá đặc trưng Nam bộ, nhạc sĩ Huỳnh Khải và NSƯT Quế Trân đưa người xem khám phá từng khía cạnh, từng nét đẹp ĐCTT. Với cách nói chuyện từ tốn và mộc mạc, nhạc sĩ Huỳnh Khải cung cấp nhiều kiến thức bổ ích về ĐCTT. Không ít lần ông làm khán giả ngạc nhiên khi ca cả bài vọng cổ để minh họa cho phần kiến thức.
Có thể nói, sau gần 1 năm phát sóng, "Tiếng tơ đồng" đã chứng tỏ cách làm hay trong bảo tồn, quảng bá và truyền dạy ĐCTT trên sóng truyền hình. Cách truyền dạy "đại chúng" và hợp thời này cần được các Đài PT-TH khu vực Nam bộ nhân rộng, góp phần giữ gìn nét đẹp của loại hình di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
DUY LỮ
Nguồn: cailuongvietnam.com