- Nghệ sĩ phải cảm nhận được nghệ thuật
- Nghệ sĩ Ánh Hoa: 70 chưa gọi là lành!
- Khám phá biển đảo cùng văn nghệ sĩ
- Truyền nghề cho thế hệ trẻ
Nghệ sĩ phải cảm nhận được nghệ thuật
Nghệ sĩ Ánh Hoa: 70 chưa gọi là lành!
Nghệ sĩ phải cảm nhận được nghệ thuật
Nghệ sĩ Ánh Hoa: 70 chưa gọi là lành!
Khám phá biển đảo cùng văn nghệ sĩ
Truyền nghề cho thế hệ trẻ
Khi sàn diễn vắng khán giả, đời sống sân khấu gặp nhiều khó khăn, việc truyền nghề bên cánh gà đã bắt đầu thưa thớt bởi các suất diễn ít dần trong sự nuối tiếc của nhiều nghệ sĩ. Lực lượng diễn viên trẻ ngày càng chới với trước niềm đam mê, thu nhập thấp dần nên việc tìm đến các lò đào tạo để tự đóng tiền bồi dưỡng nghề đã là điều xa xỉ. Lúc này, việc truyền nghề tại gia mở ra một hướng đi, đồng thời góp phần thổi vào sàn diễn kịch nói, cải lương những sáng tạo mới từ thế hệ kế thừa.
Dạy kèm miễn phí
Người khởi xướng việc truyền nghề tại gia là kỳ nữ Kim Cương. Bà không nhận thù lao, nguồn học viên từ hai nhánh: Sân khấu Kịch Phú Nhuận và CLB Sân khấu Lạc Long Quân. Cứ đều đặn mỗi tháng một lần, lớp học tại nhà bà rộn rã tiếng cười, bà không thị phạm mà chỉ quây quần trò chuyện với học viên, phân tích tâm lý nhân vật, truyền đạt kinh nghiệm thâm nhập vai diễn, kể những mẩu chuyện là bài học “xương máu” của nghề diễn viên, ở ba cương vị trưởng đoàn, diễn viên chính, kịch tác gia mà bà đã trải nghiệm.
NSND Kim Cương và NSƯT Hữu Châu truyền nghề cho diễn viên trẻ tại nhà riêng của NSND Kim Cương
Nghệ sĩ thứ hai có học trò ngày càng đông đó là Bạch Long. Dù anh ở nhà thuê nhưng mái ấm này thật sự là điểm hẹn của những tâm hồn yêu vũ đạo, võ thuật và những trình thức biểu diễn của sân khấu cải lương, tuồng cổ.
Đạo diễn Vũ Minh cũng dành những buổi rảnh trong tuần để huấn luyện các diễn viên trẻ yếu về mặt hình thể, biểu diễn và tiếng nói sân khấu. Ngôi nhà của anh vì thế lúc nào cũng đông kín các bạn trẻ say mê bộ môn kịch nói.
Ở lĩnh vực cải lương, nhạc sĩ Hoàng Thành, một trong những danh cầm, cũng biến nhà mình thành lò đào tạo hoàn toàn miễn phí dành cho các diễn viên trẻ của sân khấu cải lương còn yếu về nhịp đờn, ca bị đâm hơi, chênh dây đờn... Anh lên lịch học sau những giờ đi đờn ở sân khấu chuyên nghiệp, giúp các bạn trẻ đam mê nghệ thuật nhưng không đủ tiền để đi học nghề.
Danh cầm khiếm thị Khải Hoàn cũng nhận học trò nghèo, ham học về nhà đào tạo. Không chỉ giúp các em ca hay, đờn giỏi mà anh còn nuôi cơm để các em vững niềm tin bám nghề.
Nghệ sĩ Bạch Mai, mẹ của nghệ sĩ Bình Tinh, truyền nghề tại gia nhiều năm qua khi bà chủ trương mang lại cho học trò những kinh nghiệm quý báu mà nghề hát đã dạy cho bà trên 50 năm. Khi Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long ngưng hoạt động, hầu hết các kịch bản cải lương tuồng cổ của bà đều trao tặng cho các bạn trẻ, giúp họ tự tin đến với nghề.
Nghệ sĩ Thanh Thế sau khi khỏi bệnh cũng lao vào việc giảng dạy, căn hộ chung cư nhỏ xíu của chị cũng dành cho 10 học viên, gồm các em ham mê nghệ thuật biểu diễn tuồng cổ, từ đó truyền lại những trình thức mà chị được các nghệ nhân tiền bối hun đúc.
“Nghĩa cử thật đáng quý khi các nghệ sĩ đều không nhận thù lao, hoàn toàn rứt ruột gan truyền nghề. Vì nếu thuê hội trường giảng dạy thì các em học viên phải đóng học phí mà trong thời buổi kinh tế khó khăn, vì gánh nặng học phí mà nhiều em phải rời bỏ nghề. Các nghệ sĩ yêu nghề, truyền nghề tại gia đã làm một việc ý nghĩa” - NSND - đạo diễn cải lương Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, nhận xét.
Tìm lối ra cho học trò
Không chỉ dừng lại việc truyền nghề tại gia miễn phí, các nghệ sĩ còn giúp các học viên sau khi được trang bị kỹ năng có thể tìm được việc làm. “Có hai nơi được xem là nơi đầu quân, đó là Kịch Phú Nhuận - nơi để các em tung hoành sau những giờ học và các mái ấm, trung tâm nuôi dưỡng người già, bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện - nơi rất cần món ăn tinh thần. Tôi tổ chức các suất hát đem những bài học kinh nghiệm học tại nhà tôi mà áp dụng, giúp các em cọ xát với nghề trong lúc sàn diễn khó khăn” - NSND Kim Cương nói.
Với nghệ sĩ Bạch Long, từ khi nhóm Đồng ấu mang tên anh giải thể, việc truyền nghề tại gia đã có một lối ra đó là sân khấu cúng đình trong các mùa hát chầu. “Học trò tôi bây giờ giỏi vũ đạo lắm vì học ở nhà thầy, sau đó đi hát cúng đình, có nơi ứng biến, không sợ thất nghiệp” - nghệ sĩ Bạch Long chia sẻ.
Thành lập Công ty Sân khấu Huỳnh Long, nghệ sĩ Bình Tinh đã phụ với mẹ là nghệ sĩ Bạch Mai gầy dựng những điểm diễn cho sân khấu tuồng cổ Huỳnh Long. Ngoài sân đình Cầu Muối, nơi biểu diễn thường xuyên, cô còn tổ chức các giao lưu biểu diễn ở ĐBSCL. “Chúng tôi áp dụng được nhiều bài học mà nghệ sĩ Bạch Mai đã truyền dạy. Học từ nhà của cô giúp nghề thêm vững” - nghệ sĩ Tâm Tâm đã chia sẻ.
Với những diễn viên trẻ yếu về nhịp đờn, ca chênh dây, đâm hơi, các danh cầm sau những buổi đào tạo tại nhà, đã giới thiệu các bạn đến biểu diễn, giao lưu tại các CLB đờn ca tài tử. “Nhiều bạn đã khắc phục được sau khi theo học các lớp tại gia của các thầy Khải Hoàn, Hoàng Thành; có bạn nay đã bước vào cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ”, đó là một kỳ công trong việc huấn luyện đầy tâm huyết của các thầy” - NSƯT Kim Tử Long nói.
Đau đáu tìm đầu ra cho học trò còn là niềm trăn trở lớn của đạo diễn Vũ Minh. Anh đưa các em tham gia chương trình “Tôi yêu lịch sử Việt Nam”, dàn dựng các vở kịch lịch sử đưa đến trường học. Đến nay, chương trình này đã diễn được hơn 200 suất tại 62 trường học trên địa bàn TP HCM và 20 suất diễn tại sân khấu số 7 Trần Cao Vân, quận 1.
Bài và ảnh: Thanh Hiệp
Nguồn: nld.com.vn