Thế nhưng, anh nông dân ấy không phải kiểu im thin thít, bốn mùa cun cút ruộng vườn; mà lại có tính khỉ khọt, khoái chọc ghẹo cho vui xóm vui làng. Đời Phương Bình gieo neo, nghiệp diễn chòng chành như con thuyền đang động sóng, nếu không nhờ cái tính ấy, có lẽ khó được như hôm nay.
1. Phương Bình người gốc Trà Vinh (xưa thuộc Cửu Long). Thuở nhỏ, Bình nổi tiếng là cậu trò nghịch ngợm. Một lần, được giao vai anh lính bắt chị Võ Thị Sáu cho vở múa ở trường, Bình “hiên ngang” nhắc bạn ngay trên sân khấu. Tình huống hồn nhiên của hai đứa trẻ khiến khán giả được trận cười vỡ bụng. Bình ngơ ngác, thấy vui vui trong bụng, bâng quơ nghĩ: “Cái này vui ghê, không biết có thành nghề được không ta?”. Niềm vui nhanh chóng trôi vào những nhộn nhịp thường ngày. Tuổi thơ của những đứa trẻ quê, nào chỉ có mơ mộng, chỉ có cắp sách tới trường. Tuy vất vả song rất nhiều thú vị mà tôi tin, sau này dẫu có lớn, có già đi, ký ức vẫn trong vắt như buổi mai.
Nhà Bình ngày ấy sống dựa vào chợ. Má và chị của Bình suốt ngày ở chợ buôn thúng bán bưng. Ba và anh trai mỗi người một chiếc xe lôi máy và đạp, chở hàng nông sản của bà con mang từ miệt vườn ra chợ thị xã. Bình, sau giờ học, về nhà tự lo cơm nước.
Ở không cũng buồn, năm lớp 7, Bình tìm cách kiếm thêm chút tiền tự lo việc học, đỡ đần ba má. Nghĩ là làm, Bình xách cái mâm ra lò bánh cam, bánh còng, lãnh liền bốn chục cái, mỗi thứ hai mươi, đội lên đầu te te ra chợ. Bán được bốn cái, thấy đám đông chơi đánh vòng, Bình lủi vô coi cho kỳ được. Đám rã cũng là lúc đường rắc trên mặt ba mươi sáu cái bánh trong mâm chảy chèm nhẹp. Bình líu ríu, ba chân bốn cẳng lại lò năn nỉ. Người ta đâu cách nào sửa lại bánh được, bắt đền, Bình về khóc thút thít với má. Thương thằng con dại, má đem tiền trả cho lò, dặn mốt đừng đi bán vậy nữa nghe chưa. Bình gật gật đầu đó mà chẳng để tâm lời dặn của má.
Ít lâu, Bình lén ba, cứ tầm bốn giờ sáng trở dậy lấy xe lôi ra chở hàng bông lên sớm. Tới sáu giờ là được hai chuyến rồi về đi học. Một bữa, ba Bình trở mình dậy sớm, thấy con lúi húi vác nặng, mới vỡ lẽ, không cho chạy nữa. Được vài hôm, Bình lại lén lấy xe đi. Ba phát hiện, lần này quyết khóa luôn xe lại. Bình nghĩ bụng: “Thôi ba má không cho làm chuyện này, mình làm chuyện khác.” Vậy là bữa sau tới lò bánh mỳ, xin lãnh bánh mỳ không đi bán. Cứ mười ổ lời một ổ. Ngày nắng cũng như mưa, đều đặn bốn chục ổ, Bình bán vậy suốt 3 năm.
Đang sức lớn mà thức khuya dậy sớm, lên lớp, cứ đến giờ văn của thầy chủ nhiệm, Bình lăn đùng ra ngủ. Thầy giận lắm, mấy bận phạt roi, hỏi nguyên nhân. Bình tự ái, quyết chịu đòn chứ không khai. Thầy nhờ lớp trưởng tìm hiểu, rồi gặp riêng Bình, hỏi han cặn kẽ. Bình nói, mấy mươi năm trôi qua rồi mà sao vẫn nhớ như in cái cảnh hai thầy trò đứng dưới tán phượng nhiều gió. Thầy không kìm được nước mắt, Bình cũng thút thít khóc theo. Có lẽ, khóc vì buồn thì ít mà trót đã phiền lòng thầy thì nhiều.
|
Nghệ sĩ hài Phương Bình. Ảnh: Nguyễn Thiện. |
Từ đận đó, thầy ra nội quy riêng ở lớp: “Trong giờ của tôi, các trò phải tập trung học, riêng trò Bình, tôi thấy trò học môn này cũng khá nên nếu có buồn ngủ thì tôi cho phép. Chỉ cần đảm bảo bài vở là được”. Bình kể đến đây thì cười giòn, đưa tay khuấy ly café tan gần hết đá, mắt xa xăm, ngóng gió chạy loằng ngoằng ngoài bờ sông.
Năng nổ, hoạt bát, suốt ba năm trung học, ở đâu có liên hoan văn nghệ là Bình có mặt. Thầy cô, bạn bè ở trường ai cũng thương cũng quý. Mà, đời Bình dường như lận đận ngay từ cái lúc mới bén duyên vô nghề. Đúng hôm các thầy cô Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 xuống tuyển diễn viên cải lương thì Bình sốt nặng, nằm vật ở nhà. Thầy chủ nhiệm rồi bạn bè thương Bình quá, bèn cử anh lớp trưởng lội bộ vô tới nhà, dìu ra thử vai. Trên con đường chang chang nắng, có hai bóng người tựa nhau tới lớp.
Anh Thế Hùng, phụ trách tuyển sinh cùng cô Kim Chi biết chuyện bèn trách: “Sao mấy em không nói để anh vô nhà bạn?”. Bạn của Bình vây quanh: “Thôi lỡ anh không đi, bạn tụi em lỡ mất cơ hội làm nghệ sĩ…”. Hùng hỏi Bình, vậy chớ có muốn làm diễn viên không? Bình ngơ ngác, làm diễn viên là làm cái gì, dễ hay khó? Nhà trước giờ không có cái tivi để xem. Anh Hùng nói, dễ mà khó, khó mà dễ, nhưng trước nhất phải có năng khiếu, rồi sau đó phải học thành nghề. Đám bạn nghe vậy mừng rỡ: “Thằng này chắc luôn anh ơi. Khỏi thi!”.
Nghệ sĩ Kim Chi bấy giờ mới lên tiếng: “Em phải thi như các bạn, không ai được đặc cách. Ngày xưa, các cô chú nghệ sĩ hát bằng bản năng bẩm sinh, ít được đào tạo là do hoàn cảnh. Còn bây giờ, nghệ sĩ phải có học thức, làm nghề sẽ tốt hơn”. Phương Bình nói, càng làm nghề anh càng nhớ và càng thấm lời dạy đó của cô.
2. Khăn gói quả mướp lên Sài Gòn thi tuyển, Bình lọt vào top 25 từ hơn hai nghìn bảy trăm mấy chục thí sinh. Chuyện vui là, ngó bộ dạng Bình lanh lẹ, cô Kim Chi đặc cách cho Bình vô thẳng vòng 2 chọi trực tiếp. Nhưng, để thử khả năng của học trò, cô nhờ Bình nói vài câu tạo tình huống trong tiểu phẩm của các thí sinh.
Bình đâm hoảng, nghĩ mình có là gì đâu, nói không trúng, người ta rớt, đánh không biết đường về nên nhất quyết từ chối. Bị ép quá mới bảo: “Thôi, em về!”. Thầy chủ khảo phải đứng ra bảo đảm an toàn, Bình mới chịu. Thử một hai câu, thấy không có nội dung, Bình phăng luôn cùng bạn diễn. Giám khảo tuyển sinh vừa cười, vừa ngớ người. “Nói chú phụ chen một hai câu mà chú làm luôn vậy, người ta thi chứ có phải chú đâu!”. Bình tỉnh queo: “Dạ, tại con thấy nó chưa có đúng, coi kỳ!”.
Tính Bình nhiều cái ngộ, nhiều người đụng, không quen tính thì thấy phiền nhưng hiểu thì rất quý. Chẳng hạn như, hồi đó thi chưa đậu vô trường, nhất quyết gọi là chú với cô chứ không là thầy cô vì “có dạy mình ngày nào đâu”. Lần khác, vì khái tính, về nhà nhạc phụ tương lai, quanh bàn nhậu, ông tỏ vẻ không thích cái nghề của thằng người yêu con gái và cũng chẳng ủng hộ chuyện của hai đứa. Phần vì ông quan niệm “xướng ca vô loài”, phần vì gia đình ông theo phe ta còn ba Bình hồi xưa có chân chạy vặt ở phe địch.
Bình nghe máu dồn lên não, không kiềm được, lỡ tay đập bàn cái rầm. Nếu không có các chú các bác trong bàn khuyên nhủ cả hai thì có lẽ anh đã không cưới được chị Phương, vợ của anh hiện tại. Vậy mà, cũng chính ông, sau này thương thằng rể tày gan ấy rất mực.
|
Phương Bình và Việt Hương trong một tiểu phẩm tại “Ơn giời, cậu đây rồi!”. Ảnh: Lê Nhân. |
Trường Nghệ thuật sân khấu 2 khóa 85-89, có hai cái tên rất đặc biệt: Trung Bình và Ít Diễn. Không biết cái tên có ảnh hưởng đến hoạn lộ thế nào chứ trong nghề diễn mới nghe thôi đã thấy đìu hiu. Bình, sau này, ghép tên vợ vào phía trước làm nghệ danh mà cũng là để nhắc nhớ người vợ “chuẩn không cần chỉnh” một thời tấm mẩn. Riêng cái chuyện đi học của Bình cũng trầy trật gấp mấy lần người khác. Giấy báo trúng tuyển gởi về kèm theo thông báo Bình thiếu hồ sơ, yêu cầu bổ sung trực tiếp gấp.
Đường sá xa xôi, 5h sáng, Bình ngồi xe đò từ quê lên tới trường đã 6 giờ chiều, hết giờ làm việc. Không ai quen biết, chỉ có ít tiền dằn túi đi xe, Bình ngồi canh chú bảo vệ lơ đễnh, phóng tót lên cái bệ dành để trồng cây cảnh bỏ không trên cổng chào, nương náu qua đêm. Sáng, muỗi chích sưng vù tay chân mặt mũi, ngó xuống đất thấy cao quá, đâm sợ, không biết ban tối đã lên bằng cách nào, Bình liều với cổ gọi chú bảo vệ gác sáng, trình bày hoàn cảnh, nhờ bắc thang cho xuống!
Tốt nghiệp, Bình về Cửu Long công tác với suy nghĩ thiệt bụng: “Mình đi học bằng tiền của tỉnh thì phải về đây lao động, cống hiến”. Trời run rủi, giai đoạn ấy, các đoàn ca múa nhạc tổng hợp không còn thịnh như trước, Sở Văn hóa nhân dịp có sinh viên Trường Sân khấu về, mới quyết định thành lập nhóm kịch. Bạn bè cùng khóa với Bình, hoặc về tỉnh khác, hoặc tìm cách trụ lại Sài Gòn. Để thành nhóm, Bình đứng ra tuyển diễn viên, hậu đài, viết tập kịch bản, trình đoàn đi diễn. Anh Phương Bình nói, lần đầu tiên cầm tiền thù lao, anh xúc động, đứng khóc ngon lành. “Đời anh, đến lúc đó, chỉ khóc hai lần. Lần thứ nhất là khi ba đưa anh lên học, nhớ nhà quá!”.
Diễn ở đoàn, lăn lê chẳng ngại vùng sâu vùng xa, ngủ thớt thịt, Bình mới thấm cái cực nhọc của nghề. Nhưng, buồn nhất là suốt 6 tháng, anh em đoàn không ai nhận được đồng lương nào trang trải. Trưởng đoàn thì luôn miệng than khó trong khi anh em phát hiện có dấu hiệu gian lận. Bình đại diện anh em, mong muốn Trưởng đoàn cho họp với Sở, trình bày ý kiến. Người trên Sở về, Bình lại không được cho vào. Quá uất ức, Bình gói hai bộ đồ diễn đoàn may từ dịp tết, lên Sài Gòn.
3. Ở phố, Bình cùng bạn bè cùng trang lứa, sau này đều trở thành những cái tên khuynh đảo làng hài phía Nam như Phước Sang, Minh Nhí, Hữu Châu, Hữu Nghĩa, Hoàng Sơn, Nhật Cường, Mai Dũng,… gia nhập nhóm hài Tuổi đôi mươi do nghệ sĩ Hữu Luân, cố đạo diễn cải lương Huỳnh Phúc Điền và nghệ sĩ Phước Sang chủ tâm thành lập. Ngày, Bình đứng bán tủ thuốc lá ở góc vỉa hè Trường Sân khấu, tối, chị Phương thay ca trông tủ thuốc, Bình đi xe đạp cọc cạch ra địa chỉ 135 Hai Bà Trưng diễn. Đêm, Bình ngủ cọp ở phòng ký túc của lứa đàn em đi sau. Hễ, bảo vệ kiểm tra thì tung mền lủi vô nhà vệ sinh trốn!
Sân khấu chưa thịnh thì đời Bình rẽ sang cú ngoặt. Anh quyết định kết hôn và trở lại quê, làm chân phóng viên chuyên mục kịch tại Đài phát thanh. Được chừng năm mấy thì không chịu nổi cảnh, sáng đã có độ nhậu từ 8, ngồi suốt tới chiều tối, Bình lại khăn gói lên Sài Gòn. Vợ anh, bấy giờ đã vào nhiệm sở, không đi cùng anh được, cũng ngỏ ý khuyên anh kiên nhẫn. Nhưng, ý anh đã quyết. Gần 30 năm anh theo nghiệp diễn, thời gian vợ chồng anh bên nhau tính ra chỉ chừng khoảng 3, 4 năm. Ngọn lửa ấy, anh chị thay phiên nhau giữ gìn từ thuở sinh viên hàn vi đến tận bây giờ. Quả tình đáng ngưỡng vọng!
Danh tiếng của Phương Bình chưa bao giờ rực rỡ nhưng dấu ấn anh để lại trong lòng khán giả thì khó trộn lẫn. Tôi nhớ mãi lần xem Phương Bình trong tiểu phẩm Thầy lang băm tại Gala cười 2003, từ lối đi đứng, cách nhấn nhá, biểu cảm ánh mắt, anh diễn ngọt và duyên vô cùng. Những nhân vật của Phương Bình, từ sân khấu đến màn ảnh nhỏ, chưa khi nào phải gồng gánh, làm màu. Như thể từ ruộng đồng bước ra trước đám đông bằng sự tự tin và chất phác của một người nông dân có tri thức. Tự nhiên và đời thường như anh ngoài đời sống vậy.
Hoàng Hoài HươngNguồn: cailuongvietnam.com