NS Mạnh Tràng và Việt Hà trên sân khấu kịch Sài Gòn
Đạo diễn Hữu Luân, thầy dạy môn kỹ thuật biểu diễn của NS Mạnh Tràng, nhận xét: "Em là một học trò chịu khó tìm tòi trong học tập. Khi tôi đưa ra một gợi ý, em lập tức tìm kiếm nhiều cách thể hiện để biến những gì được học thành phương tiện ứng dụng cho vai diễn. Tôi bất ngờ khi biết tin em ra đi ở tuổi 53, còn nhiều hoài bão chưa thực hiện cho sân khấu kịch Sài Gòn hướng tới những vở kịch đỉnh cao. Mỗi lần được giải thưởng về sân khấu, trong đó có Giải Mai Vàng, em đã gọi điện thoại khoe với tôi như báo cáo thành tích. Vẫn với sự cung kính, lễ phép, em làm tôi hãnh diện khi nhắc đến một giai đoạn tôi làm công tác đào tạo tại Trường Nghệ thuật sân khấu II, nay là Đại học Sân khấu điện ảnh TP HCM".
Nghệ sĩ Phước Sang, nói về người bạn diễn, người anh rể trong gia đình, đã tâm sự: "Giữa chúng tôi có nhiều kỷ niệm. Khi kịch Sài Gòn ra đời, sân khấu đã có sự đóng góp của anh Mạnh Tràng. Trước đó, khi chúng tôi tổ chức chương trình tấu hài hằng đêm tại Nhà văn hóa Thanh Niên, anh đã tích cực tham gia với nhiều công việc không tên, như: nhắc tuồng, hậu đài, chỉ huy đêm diễn, chỉnh nhạc, điều khiển ánh sáng, diễn viên cải lương, tác giả và làm công tác ngoại vụ. Khâu nào anh cũng trải nghiệm và làm rất tốt. Chính nhờ sự trải nghiệm đó mà anh đã đảm nhận công việc làm bầu khi tôi chuyển giao cho anh để đầu tư vào điện ảnh. Hơn 10 năm gắn bó với sân khấu kịch Sài Gòn, anh đã lèo lái sân khấu này để sàn diễn sáng đèn hằng đêm. Sự ra đi của anh đã để lại niềm thương tiếc vô hạng đối với gia đình tôi, chị tôi và các cháu của tôi. Sân khấu kịch Sài Gòn luôn nhớ về anh, từ hôm nay đã không còn bóng dáng một người nghệ sĩ tâm huyết với sân khấu ở hậu trường Sân khấu kịch Sài Gòn".
NS Mạnh Tràng luôn tạo tiếng cười duyên dáng
Nghệ sĩ Hoàng Sơn nhớ lại: "Tôi học khóa 10, trên lớp Mạnh Tràng 2 khóa. Lúc đó dù học khóa sau nhưng lúc nào Mạnh Tràng cũng lân la tìm các đàn anh để gia nhập vào nhiều bài tập tiểu phẩm. Hồi đó tôi là học trò cô Tường Trân, nhưng mỗi lần tôi vào lớp học môn kỹ thuật biểu diễn thì Mạnh Tràng đều vào lớp xin dự thính, để được trải nghiệm thêm sau những giờ học với thầy Hữu Luân. Khi sân khấu hài 135 Hai Bà Trưng - Nhà văn hóa Thanh Niên ra đời, Mạnh Tràng đã cùng với Phước Sang chăm lo cho sân khấu sáng đèn. Mạnh Tràng tích cực làm công tác ngoại vụ, lo bán vé, giao vé, lên lịch diễn, lịch tập. Đối với Mạnh Tràng, sân khấu là nhà và khi tiếp nhận sân khấu kịch Sài Gòn, Mạnh Tràng hăng hái đưa ra nhiều sáng kiến, làm sao để 365 ngày sân khấu này vẫn sáng đèn, chỉ nghỉ một đêm giao thừa, đó là nỗ lực lớn của Mạnh Tràng".
Ca sĩ Lý Hải xúc động bày tỏ sự bất ngờ vì Mạnh Tràng là bạn học cùng niên khóa với anh. "Tôi quý anh Mạnh Tràng ở đức tính chịu khó trong học tập, hết lòng vì đàn em, khi nào cần thì anh lập tức có mặt, dù là giữa khuya khi cần một diễn viên lắp chỗ trống. Vĩnh biệt anh - người anh tinh thần của lớp chúng tôi", đạo diễn phim "Lật mặt" nói.
NS Quyền Linh cùng niên khóa với Mạnh Tràng đã khóc khi hay tin bạn mình đột ngột ra đi vì căn bệnh ung thư gan. "Cách đây không lâu, khi chúng tôi dự sinh nhật của NS Hữu Nghĩa, lúc đó nhận được tin mẹ của Mạnh Tràng qua đời, tất cả rời khỏi quán ăn để cùng với anh về quê lo hậu sự cho mẹ của anh. Rồi đến hôm nay, chính anh ra đi trong sự bất ngờ của tất cả anh em diễn viên. Tôi nhớ hoài hình ảnh anh ngồi vá xe đạp ở ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai và Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Vì mới vào nghề, anh vá xong lỗ thủng trên ruột xe mà loay hoay không biết cách ráp vô bánh xe. Toát mồ hôi hột khi ông khách cứ thúc hối. May mà anh Hoàng Sơn học xong chạy đến kịp để "cứu bồ", đó là kỹ niệm của thời còn là sinh viên nghèo khó, để có tiền lo cho việc học, chúng tôi đã đồng cam cộng khổ, làm đủ nghề mưu sinh. Mỗi lần đi ngang ngã tư đó, tôi lại nhớ nụ cười và những giọt mồ hôi trên trán của Mạnh Tràng. Thương anh lắm anh Mạnh Tràng ơi", MC Quyền Linh xúc động.
NS Mạnh Tràng và Tấn Hoàng trên sân khấu kịch Sài Gòn
Nghệ sĩ Mạnh Tràng tên thật Nguyễn Mạnh Tràng, sinh năm 1966. Anh tốt nghiệp khóa 10 lớp diễn viên kịch nói Trường Nghệ thuật sân khấu II - nay là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM. Tang lễ của NS Mạnh Tràng được tổ chức tại Nhà vãng sanh Chùa Vĩnh Nghiêm. Lễ nhập quan 10 giờ, lễ viếng 11 giờ ngày 7-1. Lễ động quan lúc 6 giờ ngày 9-1, sau đó đưa đi hỏa táng tại Nghĩa trang Bình Hưng Hòa.
Bài và ảnh: Thanh Hiệp