1. Phi Phụng không ưa xem bói vì “vừa tốn tiền, tốn thời gian; vừa mắc công suy nghĩ. Chuyện vui không sao chớ chuyện buồn, chuyện không may, mình sợ rồi ảnh hưởng đến tinh thần!” Ấy vậy mà, đời Phi Phụng nhiều chuyện ngộ ngộ, vui vui đều liên quan đến tướng số. Biên ra đây, tin hay không là tùy quan điểm của bạn đọc, còn Phi Phụng, hai lần được dự đoán đều ngẫu nhĩ theo chân bạn và cô cũng đã tự kiểm chứng.
Thuở cắp sách đến trường, do vóc người nhỏ nhắn, tánh tình tếu táo, hồn nhiên nên Phi Phụng nhanh chóng được thầy yêu bạn mến. Vì vô tư nên có ai thương thầm trộm nhớ, Phi Phụng cũng chẳng biết. Có anh bạn, học chung suốt phổ thông, vài năm sau tình cờ gặp lại thì ngỏ lời thương.
Tình đầu chớm nở với đủ dư vị ngọt ngào của nó. Khổ nỗi, bạn người gốc Bắc lại có đạo nên ba của Phi Phụng cấm ngặt. Mỗi lần được thư bạn, Phi Phụng giấu giấu sau mấy lớp áo, len lén chui vô toilet đọc. Những nghĩ, mưa dầm thấm lâu, ba thương con rồi cũng sẽ ưng thì bạn đột nhiên ra nước ngoài. Phi Phụng buồn, khóc hết nước mắt. Tình đầu, ai chẳng ôm ấp mộng uyên ương. Ôi mối tình đầu/ Như đi trên cát/ Bước nhẹ mà sâu/ Mà cũng nhòa mau…
Khoảng năm 1981 – 1982, Phi Phụng được giải xuất sắc Liên hoan sân khấu hài “Những đồng đội vui tính”. Dịp ra Nha Trang phục vụ, nhân hôm rảnh rỗi, cả đoàn kéo nhau lên Tháp Bà thắp hương và xin xăm. Quẻ của Phi Phụng được giải: “Người yêu có tên bắt đầu bằng chữ Đ. Trong năm sẽ gặp tình duyên và đi tới hôn nhân. Con đầu lòng là con trai”. Phi Phụng cầm lá xăm, nửa tin nửa ngờ.
Một bữa, Phi Phụng đang lúi húi trong nhà cơm nước, anh rể Phi Phụng ghé qua thăm ba má. Cùng đi với anh còn có một anh bộ đội dáng cao gầy, người khoác bộ đồng phục bạc màu mưa nắng. Anh bộ đội hiền queo, ngồi yên một góc, ai nói gì cũng chỉ cười cười, hỏi tới mới dám thưa. Gặp cô tư trong nhà (tức Phi Phụng) hoạt bát, dễ thương, anh đem lòng cảm mến. Tình cảm nảy nở hồi nào không hay. Tuy nhiên, cái tánh ít nói và hay mắc cỡ của anh nhiều bận khiến Phi Phụng phát cáu.
Có đận, anh ngỏ ý mời Phi Phụng đi ăn, cô thử để anh bớt nhút nhát, bèn mách: “Anh vô xin ba mẹ em thì em mới dám đi”. Vậy mà, mặc kệ cô ỉ ôi, dọa không đi, anh vẫn đứng xớ rớ, tay chân lóng nga lóng ngóng ngoài cửa. Cô cháu gái của Phi Phụng nhiều bận chứng kiến, ôm bụng cười ngặt nghẽo: “Dì Phụng ơi, ông bồ của dì cù lần quá hà”. Bên gia đình bạn trai thì quen nếp nghĩ, mối tình này chắc kéo dài ba lần bảy hai mốt vì nghệ sĩ thường thay vợ đổi chồng như thay áo.
Cái dạ hiền lành, chân chất, có sao nói vậy của anh bộ đội chẳng những được lòng cô mà còn khiến ba má cô ưng bụng. Phi Phụng nói, nghe thương vô cùng: “Trên sân khấu, trong phim ảnh, mình mặc soiree rần rần mà đến khi cưới thật thì không có được mặc”.
Số là, ngày đó, ba của bạn trai vừa mất, nhưng thấy đôi trẻ thương nhau thiệt lòng, hai bên gia đình bàn nhau bước tới, xem như là cân bằng một nỗi buồn. Đám cưới Phi Phụng không có mâm cao cỗ đầy, không có áo xống rình rang, không có nhạc xập xình mà bền chặt đến tận giờ. Nghệ sĩ Phi Thoàn ngày còn sống, vỗ vai Phi Phụng rằng: “Ba hãnh diện về con. Con theo nghiệp diễn mà thủy chung son sắt, không có lăng nhăng như người ta”.
2. Phi Phụng bật cười, nhắc chuyện ngày mới cưới. Thời điểm đó, chưa hiểu nhiều về công việc của vợ, ông xã cô rất hay ghen. Biết chuyện, mấy anh em nghệ sĩ trong đoàn càng chọc tợn hơn.
Có lần, vừa nhác thấy bóng chú ghé thăm Phi Phụng, các bạn diễn nam nháy mắt cho nhau bá vai, nắm tay cô. Phi Phụng chưa biết gì, ngó qua thì thấy ông xã đứng như trời trồng, liếc cô rồi lủi về. Phi Phụng cười: “Tính ổng hồi đó giờ vậy, giận ai lắm, ổng chỉ liếc một cái vậy thôi hà”. Phi Phụng nói với chồng: “Lấy chồng vợ nghệ sĩ mà ghen là dở lắm. Người ta biết, người ta ghẹo. Cứ bình thường thôi, lâu dài sẽ biết. Nếu anh ghen anh đừng đi. Đi theo chi rồi mặt mày hậm hà hậm hực”.
Thật ngạc nhiên khi biết ông xã của Phi Phụng chẳng bao giờ chịu đi xem cô diễn. Bạn bè chú có mua vé nài ép cỡ nào cũng kiên quyết không đi. Vậy mà, hễ có ai khen vợ diễn hay, diễn giỏi, ông đều dỏng tai nghe ngóng. Đọc báo thấy bài nào viết về vợ thì photo lại, cắt đem về… để dành.
Càng thú vị hơn khi biết, chú chẳng bao giờ can thiệp vào công việc của cô. Phi Phụng cũng không tỏ ra yếu đuối, đòi hỏi chồng phải chở đi làm. “Để ông ngồi đợi ở ngoài, tội nghiệp.” Hôm nào, đi xa quá mà thấy mệt trong người, cô mới đánh tiếng nhờ chồng. Chở vợ đến đoàn phim, chú lại lủi ra quán café cóc nào đó, nhâm nhi, đọc báo ngồi đợi. Tuyệt nhiên, không bước chân vào.
Có câu, vợ chồng trọng nhau như bạn, đãi nhau như khách. Tôi nghĩ, đấy chính là một trong những “bí quyết” hạnh phúc của gia đình Phi Phụng. Ông xã Phi Phụng sinh ra và lớn lên trong một xóm lao động nghèo, mấy anh chị em trong nhà đều nương theo xe café mưu sinh, duy nhất mình ông là công nhân viên chức.
Phi Phụng, hồi đó còn là một diễn viên cải lương ất ơ, chưa được khán giả biết mặt nhớ tên nên hễ không có xuất diễn ở đoàn thì phụ chị chồng chăm bẵm gánh café, lo việc nội trợ. Biết Phi Phụng vụng về chuyện bếp núc nên hễ tan ca là chồng cô tranh thủ chạy ngay về nhà, đỡ đần vợ. Hơn ba mươi năm chung sống, chuyện cơm nước trong nhà đều do ông giữ vai trò chủ đạo. Hỏi Phi Phụng, có bao giờ ông so sánh cô với người phụ nữ khác?
Cô cười hiền: “Chưa bao giờ hết. Ổng biết và rất hiểu công việc của vợ. Mỗi lần cô đi diễn về, tụi nhỏ nghịch, ổng còn rầy, bảo để cho má ngủ. Bữa nào cô nói thèm ăn gì đó là ổng xách xe đi mua. Mà không nói, ổng cũng hỏi. Chuyện xăng nhớt, xe cộ, chuyện giặt giũ, nhà cửa, một tay ổng hết. Ổng như một cánh tay của cô vậy. Từ hồi ổng về hưu, ổng càng ra sức đỡ đần cô”.
|
Vợ chồng nghệ sĩ Phi Phụng. Ảnh: Lê Phan. |
Chuyện tình Phi Phụng bình lặng như mặt nước hồ thu. Bởi, cô thuộc dạng yên phận, chưa bao giờ thèm thuồng, ganh tỵ hay “ăn không ngon ngủ không yên” khi thấy có ai đó giàu có hơn, nổi tiếng hơn. Vợ chồng cô chưa bao giờ mâu thuẫn với nhau về chuyện tiền nong hay vị trí xã hội.
Thay vào đó là sự vun góp cho gia đình, ai làm được gì cứ làm. Và, cô cũng mang nếp sống đó dạy lại cho con cháu. “Phải biết nhìn lên, lạc quan để vượt qua khó khăn nhưng cũng phải biết dòm xuống, để thấy hôm nay, mình hơn được rất nhiều người.” – Phi Phụng bảo vậy.
3. Bù lại sở đoản bếp núc, Phi Phụng chuộng gọn gàng, sạch sẽ lại biết sắp đặt đâu ra đó và cũng chẳng bao giờ ke re cắt rắt, phân biệt đâu là gia đình mình, đâu là gia đình chồng. Một tay Phi Phụng cáng đáng tất cả. Nửa đêm, con cháu đau ốm, nếu hôm đó không ở phim trường hay sân khấu, thể nào cô cũng là người “xách” con bệnh đi viện. Đám tiệc giỗ chạp một tay Phi Phụng trông nom trong ngoài. Thành thử ra, khoảng cách giữa con dâu và nhà chồng nhanh chóng được thu hẹp và xóa nhòa.
Mấy năm trước, Phi Phụng có trả lời báo chí, ao ước lớn nhất đời cô là cất lại cái nhà đang ở cho đàng hoàng, khang trang. Mong ước nay đã thành hiện thực, con cái yên bề gia thất, ổn định nghề nghiệp, tưởng là Phi Phụng đã có thể nghỉ ngơi, rôm rả điền vô cái passport trắng bóc suốt mười mấy năm trời.
Vậy mà, hôm ngồi với tôi, Phi Phụng bảo, phải sửa lại căn nhà ngày xưa của ba má cô cho tươm tất nữa thì mới yên tâm được. Cả đời Phi Phụng tiết kiệm với bản thân nhưng chưa bao giờ biết chối từ gia đình, từ chối những hoàn cảnh cần giúp đỡ. Nhiều người hỏi, có khi nào Phi Phụng thấy bản thân thiệt thòi khi là phụ nữ phải ra tay gánh vác, lo toan việc gia đình?
Cô lập tức xua tay: “Tính cô hay lo cho gia đình. Nhà phải có tiền thì mới lo được chuyện này chuyện kia. Cô nghĩ là mình kiếm tiền thoải mái hơn thì phải làm nhiều hơn chút, sắm gì được cứ sắm, mua được gì cho nhà cứ mua, chứ tính toán chi li thì mệt lắm. Cô dễ tin người, rộng rãi tiền bạc nên cũng bị người ta mượn rồi không trả nhiều lắm. Mà thôi kệ! Mình cho vậy, trời thương sẽ cho lại mình.”
Nói đến đó thì Phi Phụng lạc giọng: “Bây giờ, mong mỏi lớn nhất của cô là có sức khỏe, có show đều đều. Mong cho ông xã mau khỏe lại. Tụi nhỏ ở riêng, cũng bận bịu chuyện nhà cửa, con cái, chạy qua chạy lại hoài, tội nghiệp tụi nó. Cô thì đi diễn xa, chỉ sợ ổng ở nhà, buồn tay buồn chân, tìm việc mà làm! Mới hôm qua, bệnh vậy đó mà lén lén bưng cả rổ quần áo lên sân thượng…”. Trên lầu, cậu con trai lớn đang dìu chú Đức xuống mâm cơm cậu vừa nấu nướng xong và cất tiếng gọi: “Mẹ ơi, ba đợi mẹ vô ăn cơm chung với ba”.
Hoàng Linh LanNguồn: cailuongvietnam.com