Sáng 19/11, Quyền Cục trưởng Nghệ thuật Biểu diễn Nguyễn Quang Vinh chia sẻ đơn vị vừa đề xuất lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự thảo nghị định mới, gồm nhiều điểm cải tiến. Trong đó, nổi bật là đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý nghệ sĩ trực tuyến. Theo ông Vinh, hồ sơ sẽ là tiểu sử tiểu sử nghệ sĩ, gồm các giải thưởng qua từng năm, sáng tác mới, hoạt động xã hội... Ban đầu, Cục áp dụng thử nghiệm với nghệ sĩ trực thuộc cơ quan nhà nước, sau đó sẽ mở rộng với cả nghệ sĩ tự do.
* Minh Vương chia sẻ về danh hiệu NSND và cuộc sống
Minh Vương: 'Là NSND hay không, tôi vẫn hết lòng với khán giả'
"Trước đây, các nghệ sĩ khi xét duyệt danh hiệu phải làm hồ sơ, xin xác nhận vất vả. Nay Cục sẽ thay họ làm điều đó. Bởi Cục là đơn vị nắm được hoạt động biểu diễn của từng người. Từ dữ liệu Cục cung cấp, công chúng, cơ quan quản lý sẽ dễ dàng có cái nhìn khái quát về mỗi cá nhân, từ đó có cơ sở xét duyệt danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân", ông Nguyễn Quang Vinh nói. Tuy nhiên, ông khẳng định dù có cơ sở dữ liệu, việc lập Hội đồng xét duyệt danh hiệu vẫn cần thiết. "Dữ liệu cung cấp thông tin nền, Hội đồng sẽ xem xét từng trường hợp dựa trên các yếu tố khác. Điều mới mẻ là nghệ sĩ không cần vất vả làm hộ sơ", ông Vinh chia sẻ.
|
NSND Nguyễn Quang Vinh - Quyền Cục trưởng Nghệ thuật Biểu diễn.
|
Dự thảo mới còn đề xuất bỏ việc cấp phép ca khúc trước 1975. Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết trước đây, việc kiểm duyệt ca khúc thường liên quan đến những sáng tác trước năm 1975. Tuy nhiên, thực tế chứng minh các ca khúc này phần lớn có nội dung lành mạnh. Trong khi đó, một số bài hát ra đời sau năm 1975 lại cần kiểm duyệt. "Chúng tôi muốn loại bỏ việc cấp phép ca khúc bởi đó là sở hữu cá nhân. Cơ quan quản lý chỉ can thiệp, ngăn chặn những sáng tác mang nội dung phản động, chống phá Nhà nước, bôi nhọ tổ chức, cá nhân", ông Nguyễn Quang Vinh nói.
Ngoài ra, đối với các nghệ sĩ hải ngoại về nước biểu diễn, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đề xuất cấp phép trực tiếp cho họ thay vì thông qua các đơn vị tổ chức sự kiện. Hiện nay, khi nghệ sĩ về Việt Nam, một đơn vị sẽ đứng ra xin cấp phép cho họ. Tuy nhiên, một số người biểu diễn ở nhiều địa điểm, chương trình khác nhau, dẫn đến nhiều lần làm thủ tục. "Để tránh trùng lặp, nhiêu khê, chúng tôi đề xuất cấp phép trực tiếp cho ca sĩ cải lương trong một thời gian nhất định", ông Vinh cho biết.
|
Trong tương lai, người đẹp vào top 10 cuộc thi trong nước có thể đại diện Việt Nam dự đấu trường nhan sắc quốc tế.
|
Một điểm đáng chú ý khác của dự thảo mới liên quan đến việc đưa người đẹp đi thi quốc tế. Theo quy định hiện hành, thí sinh phải đạt danh hiệu hoa hậu, á hậu, hoa khôi một cuộc thi trong nước. Tuy nhiên, điều này gây ra nhiều bất cập. Nhiều người đẹp được các đơn vị nước ngoài mời tham gia thi quốc tế nhưng không có giải trong nước, họ chọn cách "thi chui", sẵn sàng nộp phạt hành chính sau cuộc thi. Cục đề xuất trong tương lai, thí sinh vào top 10 một cuộc thi trong nước có thể thi quốc tế, miễn là đáp ứng đủ yêu cầu của phía đối tác nước ngoài.
Dự thảo nghị định mới, được trình Chính phủ phê duyệt vào tháng 11, nhằm mục tiêu cải cách hành chính thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho nghệ sĩ mở rộng hoạt động. Ông Nguyễn Quang Vinh bày tỏ mong muốn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chính phủ thông qua nghị định mới để sớm áp dụng từ quý hai năm 2019.
Hà Thu
Nguồn: giaitri.vnexpress.net