NSƯT Út Bạch Lan và diễn viên Huỳnh Quý, Tâm Tâm (CLB sân khấu Lạc Long Quân) trong ca cảnh "Tình mẹ"
NSND Kim Cương, đang ở Phú Quốc, nghe tin, xúc động nghẹn lời: “Đối với tôi chị Út là đại thụ của sân khấu cải lương. Trước hết về mặt tài năng thiên phú, chị là danh ca có chất giọng trầm ấm, mượt mà, làn hơi nhẹ như ru. Chính nhờ làn hơi trong trẻo đó cho dù ở 80 tuổi chị vẫn ca ngọt ngào. Nhớ có lần má tôi – NSND Bảy Nam nói: “Hễ nghe vọng cổ mà khóc thì tìm Út Bạch Lan, trong cái sầu não, bi thương có sự chia sẻ”.
Đúng như vậy, công chúng sẽ không bao giờ quên chất giọng ngọt lịm mang nhiều ưu tư nhưng không quá bi lụy của chị. Kế đến là về sự vượt khó đáng nể của chị, một nghệ sĩ đi lên từ trong nghèo khó, gian nan. Điều đọng lại cuối cùng của chị với cuộc đời này là nhân cách một người nghệ sĩ cống hiến trọn vẹn cho nghề đến hơi thở cuối cùng. Khi tôi và đạo diễn cải lương NSND Trần Ngọc Giàu làm lại vở “Lá sầu riêng”, chị Út đóng vai của má tôi – bà tư, còn NSND Lệ Thủy đóng vai Diệu – vai của tôi. Trên sàn tập chị đã ca diễn đầy nhiệt huyết, làm tấm gương sáng đối với thế hệ nghệ sĩ trẻ đang nối bước chị. Biết tin chị chỉ cách đây vài ngày rằng chị còn lên sàn tập với các em diễn viên nhỏ tuổi, gọi chị bằng bà mà chị đã đồng hành cùng họ qua nhiều năm tháng làm những chương trình văn nghệ thiện nguyện. Tôi xé lòng, đau nát con tim, bởi mất đi một đồng nghiệp gắn bó nhau như tình chị em trong nhà".
Sầu nữ Út Bạch Lan và Kỳ nữ Kim Cương
NSƯT Mỹ Châu từ Atlanta – Mỹ, nhận được tin buồn từ một khán giả trong nước gửi qua viber. Bà đã điện thoại về, nghẹn ngào nói rằng: “Mới đây, khi về Việt Nam, tôi có ghé thăm chị Hai, nhìn thấy chị ốm hơn những lần tôi gặp, tôi đã lo lắng vô cùng. Tôi với chị Hai có rất nhiều kỷ niệm, gắn bó thâm tình như người thân trong gia đình. Những ngày đầu bước chân vào nghề hát, chị Hai là người chỉ dẫn tôi rất tận tình, những bài học kinh nghiệm quý báu từ chị, tôi không bao giờ quên. Khi chia tay chị Hai ra về, chị đã hôn tôi, không ngờ đó là nụ hôn ly biệt, để rồi mãi mãi xa cách. Tim tôi quặn thắt khi biết tin chị ra đi vĩnh viễn. Khán giả mộ điệu tri âm đã không còn nhìn thấy hình ảnh chị Hai trong những vai diễn bà mẹ chung thủy, chịu thương, chịu khó. Nhưng tôi tin giọng ca của chị mãi mãi sống cùng năm tháng, được khán thính giả trong và ngoài nước nâng niu vì đó là giọng ca chất chứa biết bao nỗi niềm của một người con hiếu thảo, sống trọn vẹn với tình yêu sân khấu”.
NSƯT Mỹ Châu và Sầu nữ Út Bạch Lan
NSƯT Phương Hồng Thủy cũng từ Atlanta đã chia sẻ trên trang FB và tâm sự với người viết: “Má Út để lại trong lòng tôi biết bao điều thân thương. Má luôn chỉ bảo, dìu dắt, nâng đỡ bước đường tôi đi. Đối với người nghệ sĩ, có một người mẹ nuôi luôn quan tâm, chỉ dẫn mình lúc mới bước vào nghề thì đó là một diễm phúc. Tôi đã được má cưu mang những ngày đầu chập chững bước lên TP.HCM lập nghiệp. Má đã khuyên bảo nhiều điều, nhất là khuyên tôi làm tốt công tác thiện nguyện, gíup đỡ những người khốn khó hơn mình. Trong sự nghiệp nghệ thuật của mình, tôi đã có dịp được diễn nhiều vở tuồng bên cạnh má, cũng như tôi đã thực hiện nhiều ấn phẩm DVD, CD ca cổ với má. Với tôi chưa bao giờ những kỷ niệm đó phai mờ.
Kể cả những chuyến đi từ thiện, má là người đến sớm nhất, chăm lo tất cả các khâu, tự tay gói những phần quà, khi đến nơi, trước bà con khán giả đang gặp hoàn cảnh khốn khó, má ca vọng cổ không biết mệt, nhất định ca hết 4 câu vọng cổ bài “Hoa Lan trắng” mà ba bảy Viễn Châu đã sáng tác riêng tặng má, má nói: “Bà con còn thương má, thì dù mệt cũng phải ca cho hết bài”. Má Út không bao giờ ca nhép, cứ có bao nhiêu hơi thì ca bấy nhiêu. Má là tấm gương sáng đối với thế hệ nghệ sĩ trẻ của chúng tôi”.
NSƯT Phương Hồng Thủy và sầu nữ Út Bạch Lan
Nhiều năm cuối đời, NSƯT Út Bạch Lan gắn bó với hai CLB sân khấu: Hoa Lan Trắng và Lạc Long Quân, tích cực dàn dựng, chỉ dẫn các diễn viên trẻ, đồng thời cùng ca diễn với họ những vở diễn ngợi ca tình mẹ và lòng hiếu thảo. Diễn viên Huỳnh Quý – CLB sân khấu Lạc Long Quân đã khóc và tâm sự: “Bà là người tôi tôn kính như người thân. Khi tham gia CLB Sân khấu Lạc Long Quân, tôi đã được học hỏi từ bà qua nhiều vở diễn: “Mẹ mãi trong đời con”, “Mẹ ngồi sàng gạo”, “Tình mẹ”… Bà đã cùng chúng tôi đi diễn ở các sân khấu và đặc biệt là đến với Trung tâm Điều dưỡng tâm thần Tân Định, Bình Dương. Tấm gương của bà trong lao động nghệ thuật luôn có giá trị đối với thế hệ trẻ của chúng tôi. Bà luôn căn dặn nguyên tắc của người nghệ sĩ là phải biết lắng nghe ý kiến đóng góp của khán giả, đừng ỷ lại cái tài của mình mà xem thường khán giả, ông Tổ sẽ lấy lại nghề.
Tôi nhớ hoài những lần đi diễn xa, bà luôn động viên các nghệ sĩ trẻ hát bằng giọng thật, cho dù câu vô vọng cổ có yếu một chút nhưng khán giả sẽ cảm thông, còn hơn ca mấy trăm chữ mà nhép thì phụ lòng khán giả. Tiếc là suất diễn cuối cùng vào ngày 27.10 bà đã trở bệnh nên không thể đến rạp, nhưng tinh thần của vở diễn mà bà tham gia vẫn mãi là động lực đối với thế hệ diễn viên trẻ của chúng tôi. Xin nguyện noi theo bà làm tốt trách nhiệm nghệ sĩ công dân, tiếp sức cùng những tổ chức, xã hội làm tốt công tác chăm lo cho người nghèo khó, sống đúng như di nguyện mà bà đã để lại”.
Sầu nữ Út Bạch Lan hóa trang cho diễn viên Huỳnh Quý
Tang lễ của NSƯT sầu nữ Út Bạch Lan được tiến hành tại chùa Ấn Quang (243 Sư Vạn Hạnh, phường 9, quận 10 – TPHCM. Lễ Viếng bắt đầu từ 13 giờ ngày 4.11. Lễ động quan lúc 7 giờ sáng ngày 8.11. Sau đó hoả táng tại Nghĩa trang Bình Hưng Hoà – TP.HCM.
Bài và ảnh: Thanh Hiệp - Người lao Động
» 'Sầu nữ' Út Bạch Lan qua đời
Nguồn: nguoidothi.vn