Từ đó, chú tiểu Hậu thường được giới thiệu ca vọng cổ ở chùa trong những dịp có nghệ sĩ của các đoàn hát đến cúng kiếng và lên sân khấu trong các chương trình gây quỹ từ thiện. Ông Mười Kiên thấy tiểu Hậu ca hay, nếu theo gánh hát thì sẽ trở thành người có tài. Bởi vậy ông nói với nhà sư rồi dẫn Hậu lên Saigon, giới thiệu với nghệ sĩ Út Trà Ôn là chủ đoàn hát Kim Thanh và cũng là người cùng quê ở Trà Ôn. Út Trà Ôn bèn đặt nghệ danh cho tiểu Hậu là Út Hậu.
Năm 1957, 17 tuổi, Út Hậu rời đoàn Kim Thanh, gia nhập đoàn Thanh Minh của ông bầu Nghĩa, nổi danh qua vai Phù Đổng Thiên Vương trong vở Thiên Thần Trên Thiết Mã của hai soạn giả Nguyễn Ang Ca và Viễn Châu. Tiếp theo, Út Hậu đóng chung với nữ nghệ sĩ Thanh Nga trong vở Phận Trẻ Lạc Loài của soạn giả Quy Sắc.
Năm sau, 18 tuổi, Út Hậu được ông bầu Bạch Vân mời về hợp tác, dựng bảng hiệu Mai Hoa – Út Hậu. Từ đó Út Hậu nổi danh qua các vở Nửa Mảnh Tim Côi và Mái Tóc Người Vợ Trẻ v.v… Các ký giả kịch trường hết lời khen ngợi giọng ca của Út Hậu và dự đoán anh sẽ là người nối ngôi “vua vọng cổ” của Út Trà Ôn.
Hai năm sau, đoàn Mai Hoa – Út Hậu rã gánh, Út Hậu trở về đoàn Thống Nhứt của Út Trà Ôn. Nơi đây, Út Hậu gặp cô đào chánh Diệu Hiền. Hai người chung sống với nhau thành một cặp vợ chồng hạnh phúc, tiền bạc làm ra như nước nhưng không có cưới hỏi. Họ sanh được 5 người con, 2 trai, 3 gái. Ít lâu sau, Út Hậu bỏ đoàn Thống Nhứt của ông thầy Út Trà Ôn, gia nhập đoàn Kim Chung “Tiếng Chuông Vàng Bắc Việt” của ông bầu Long.
Gia đình tan vỡ
Út Hậu được ông bầu Long trọng dụng, cho nắm đoàn cải lương Kim Chung B, chuyên đi lưu diễn các tỉnh miền Trung, do đó anh và Diệu Hiền xa nhau. Theo lời kể của Diệu Hiền thì chú tiểu Hậu khi trở thành danh ca Út Hậu sống rất bay bướm, chạy theo nhiều bóng hồng và phụ rẩy vợ con.
Có lần, hai vợ chồng gây gổ nhau, mẹ của Út Hậu la: “Vợ gì mà không biết nhường nhịn chồng”. Út Hậu nói: “Ai cưới hỏi hồi nào mà kêu là vợ”. Chính quan niệm “không có cưới hỏi” đó đã đưa đến sự tan vỡ giữa Diệu Hiền và Út Hậu.
Sau 1975
Sau năm 75, “Đại công ty” Kim Chung không còn nữa, gia đình ông bà bầu Long đã sang Pháp. Út Hậu lang thang ngoài Trung, lập đoàn Tân Đô – Út Hậu. Bị rã gánh, anh gia nhập các đoàn Sông Hàn, Hoa Biển là những đoàn hát miền Trung nhưng đoàn nào lúc ấy cũng rất khó sống.
Ngày 10 tháng 12 năm 1999, Út Hậu bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người bên trái, phải nằm điều trị tại Bệnh viện Phú Yên.
Nhờ có cô con gái là Diệu Thanh ra Phú Yên đưa về điều trị và sống tại Viện Dưỡng lão nghệ sĩ ở quận 8, Sài Gòn, ông đã trút hơi thở cuối cùng ở Viện Dưỡng Lão Nghệ Sĩ vào ngày 21 tháng 3 năm 2001, hưởng thọ 61 tuổi.
Ngày Út Hậu sắp từ trần, nữ nghệ sĩ Diệu Hiền và các nghệ sĩ như Thanh Tuấn, Thanh Phú, Quốc Trầm, Hề Sa v.v… đều có đến thăm. Diệu Hiền uống một chung rượu rồi ca bài Tần Quỳnh Khóc Bạn để tiễn đưa người chồng vừa thương vừa hận của mình sang bên kia thế giới.
Đoàn Dự ghi chép
Kép Út Hậu xuất thân từ chú tiểu ở chùa
Nói về kép Út Hậu thì thuở đoàn Kim Thanh thành lập với tư thế đại ban số một ở miền Nam, vì hầu hết các tài danh cổ nhạc thời đó đều hợp tác dưới bảng hiệu Kim Thanh. Một hôm, Út Trà Ôn là một trong bốn giám đốc của đoàn tiếp nhận một cậu bé còn chừa chỏm, nhờ thân nhân gởi gấm vì em là người đồng hương với đệ nhứt danh ca.
|
Bức hình nghệ sĩ Út Hậu và đào Lệ Thủy trên bìa tuần báo Phụ Nữ Mới năm 1969. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai) |
Sau khi khảo sát làn hơi ca, thử thách nhịp điệu, Út Trà Ôn nhận em làm đệ tử, đồng thời tặng cho em danh hiệu Út Hậu từ đấy.
Rồi người ta tìm hiểu tông tích cậu bé có giọng ca truyền cảm, làn hơi phong phú nhiều sinh lực ấy, mới biết rằng ngày xưa Út Hậu nương vào cửa thiền, đi tu từ lúc lên năm, ngày ngày theo thầy luyện nhạc, gõ nhịp sanh qua các đám cúng ở miền Trà Ôn, Cần Thơ (thời này quận Trà Ôn thuộc tỉnh Cần Thơ và bây giờ thì Trà Ôn thuộc tỉnh Vĩnh Long).
Nhờ có một làn hơi ca thiên phú, một giọng ai đặc biệt, cũng như cha mẹ Út Hậu biết nghĩ đến tương lai của cậu ta nên mới tìm Út Trà Ôn cho làm đệ tử. Vài năm sau, tên Út Hậu đã nổi danh rực sáng dưới bảng hiệu đoàn Mai Hoa, một trung ban lúc ấy và Út Hậu đã là trụ cột, cùng cô Mai Hoa gánh vác từ đó. Thời gian lần lượt Út Hậu trở nên một danh ca có hạng trong hàng kép trẻ nổi danh, trước hơn những Thanh Hải, Thanh Sơn, v.v...
Tuy vậy, đoàn Mai Hoa là đoàn hát nhỏ hạng “B,” thành thử ra tên tuổi Út Hậu không được nhiều người để ý. Chỉ khi về đoàn Thanh Minh của bầu Năm Nghĩa, rồi cũng nhờ dịp may nhận vai chánh mới được báo chí, khán giả nói đến nhiều.
Số là Năm Nghĩa, trong thời kỳ còn lên sân khấu, có lần gây bực mình cho ông khiến danh ca này dẹp mau vở tuồng “Thiên Thần Trên Thiết Mã” là vì chính ông phải thủ vai Phù Ðổng Thiên Vương. Ngựa thì do hai người vệ sĩ còng lưng xích ngang eo ếch với nhau để chịu cho danh ca ngồi mà ca ba câu vọng cổ.
Thế nhưng, Nam Nghĩa chỉ mới ca được có mỗi một câu thì con ngựa người ấy chịu không nổi sức nặng của ông bầu, nên lại quị xuống để hai chân ông ta chấm dưới sàn sân khấu, khiến cho khán giả cười ầm lên.
Quê quá, chỉ đóng được một đêm là đêm sau bầu ta lại giao vai tuồng cho kép con Út Hậu (nhỏ con và nhẹ cân hơn). Và từ đó Út Hậu được giao đảm trách những vai trò quan trọng.
Ðến lúc Út Trà Ôn thành lập đoàn Thống Nhứt, thì Út Hậu về cộng tác đoàn hát của thầy, và thời gian ở đoàn hát này Út Hậu kết duyên với Diệu Hiền, đào chánh đoàn Thống Nhứt.
Ðôi vợ chồng nghệ sĩ Út Hậu-Diệu Hiền đã nửa đường gãy gánh khi họ có với nhau bốn mặt con. Sau ngày chia tay với Diệu Hiền, kép Út Hậu lập đoàn hát với bảng hiệu tên của mình và thường hay lưu diễn ở ngoài miền Trung. Sau 1975, Út Hậu vẫn tiếp tục hát trên sân khấu Sông Hàn Ðà Nẵng, cho đến 1995 thì về đoàn Hoa Biển Phú Yên.
Chẳng bao lâu thì người trong giới loan tin Út Hậu bị tai biến mạch máu não, liệt nửa thân người. Hoàn cảnh rất nghèo, cuộc sống khó khăn, nghe nói bốn người con chăm sóc cho Út Hậu trên giường bệnh.
Khoảng năm, sáu năm trước đây người ta nghe Diệu Hiền tâm sự như sau:
- Nhiều đêm ngẫm nghĩ lại nhớ đến lần gặp cuối cùng ở bệnh viện lúc Út Hậu sắp sửa từ giã mẹ con tôi. Ðôi mắt anh ấy như quyến luyến điều gì đó muốn nói với tôi. Vậy là đã hết một đời người. Ngày anh ấy giã từ cõi đời, tôi đã tới viếng anh lần cuối. Tôi uống ly rượu như Tần Quỳnh khóc bạn một lần vĩnh biệt không gặp nữa.
Như vậy thì Út Hậu đã ra đi, về với tổ nghiệp cải lương.
Ngành Mai