Bốn vấn đề trọng tâm được nêu trong văn bản gồm: cấp phép các ca khúc trước năm 1975, cấp phép cho cá nhân người Việt định cư ở nước ngoài về nước biểu diễn, nới lỏng quy định cho người đẹp và người mẫu đi thi quốc tế, bãi bỏ văn bản thỏa thuận sử dụng quyền tác giả kịch bản cải lương trong thành phần hồ sơ đề nghị cấp phép.
Cơ quan quản lý đề nghị điều kiện để thí sinh dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế là chỉ cần nằm trong top 10 của một cuộc thi trong nước. Theo quy định hiện nay, để dự thi quốc tế, thí sinh phải đạt danh hiệu chính tại một cuộc thi trong nước. Bộ cho rằng điều này gây nhiều bất cập. Nhiều người đẹp được mời tham dự cuộc thi quốc tế nhưng không đủ điều kiện nên đã chọn cách "thi chui", sẵn sàng nộp phạt vi phạm hành chính sau cuộc thi.
Bên cạnh đó, Bộ còn đề nghị bỏ thủ tục cấp phép phổ biến phát hành các tác phẩm âm nhạc, sân khấu đã quen thuộc, được phổ biến trong thực tế và không có nội dung, ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia. Điều này nhằm giải quyết các vấn đề phức tạp đối với công tác quản lý tác phẩm âm nhạc, sân khấu, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính.
|
Các người đẹp muốn thi nhan sắc ở nước ngoài trong tương lai có thể chỉ cần vào top 10 cuộc thi trong nước.
|
Với việc cấp phép biểu diễn cho người Việt định cư ở nước ngoài, Bộ cho biết hiện chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về thẩm quyền của các cơ quan quản lý dẫn đến nhiều trường hợp không có sự thống nhất về hoạt động biểu diễn của nhóm nghệ sĩ này. Bên cạnh đó, người Việt định cư ở nước ngoài muốn xin phép biểu diễn trong nước hiện phải có đề nghị của pháp nhân đủ điều kiện, nhằm xác định trách nhiệm pháp lý khi có hành vi vi phạm pháp luật. Điều này dẫn đến nghệ sĩ phải thực hiện thủ tục hành chính nhiều lần.
Bộ cũng đề nghị bãi bỏ văn bản thỏa thuận sử dụng quyền tác giả trong thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang... Theo Bộ, thủ tục này gây ra nhiều bất lợi cho đơn vị tổ chức biểu diễn khi đại diện quyền tác giả áp đặt mức giá thiếu công bằng, minh bạch, không tuân theo Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định một số quy định pháp luật hiện tại không còn phù hợp với thực tiễn đời sống, gây nhiều bất cập khiến xã hội bức xúc. Việc sửa đổi, bổ sung quy định nhằm tạo hành lang pháp lý giúp quản lý lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn tốt hơn. Bộ sẽ tiếp tục lấy ý kiến của các ban, ngành về dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn và trình Chính phủ vào tháng 11.
Đức Trí
Nguồn: giaitri.vnexpress.net